Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 14-05-2009   #82
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Tây Phương



Chùa Tây Phương là một danh lam vào loại tiêu biểu nhất về mặt điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 8. Chùa ở trên ngọn núi Câu Lậu cao chừng 50m thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, một huyện ngoại thành Hà Nội, cách thủ đô 37 km về phía tây.

Từ chân núi, du khách leo lên 239 bậc lát đá ong thì đến đỉnh núi và cổng chùa. Tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Hoành Sơn Thiếu Lâm Tự, chùa gồm 3 nếp: toà bái đường, toà chính điện và toà hậu cung (tam bảo), mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Mái ngói lợp rất công phu, lớp trên là thứ ngói đầu mũi đúc hình lá đề nổi, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa. Xung quanh diềm mái của ba toà nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm. Toàn bộ ngôi chùa toát ra một tính hoành tráng và phóng khoáng phù hợp với triết lý sắc sắc không không của nhà Phật.

Như vậy chùa Tây Phương đã là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Chùa được sửa sang vào những năm 1657 - 1682, được đại tu hoàn toàn vào năm 1794 thời Tây Sơn.

Điều quý giá hơn: nơi đây còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.

Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc ta: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo.

Đáng chú ý nhất là bộ tượng tròn gồm 64 pho mà ta thường thấy phiên bản ở các Viện bảo tàng, các cuộc triển lãm mỹ thuật trong nước và ngoài nước, trong số này pho tượng Tuyết Sơn, tượng La Hầu La đáng được xem là thuộc loại đẹp nhất trong tòan bộ nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

Các tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Thay vì 18 vị La Hán như ở các chùa khác, ở đây có tượng của 16 vị tổ, nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3m, trang nghiêm phúc hậu.

Ngót bảy mươi pho tượng, pho nào cũng được tạc rất công phu, tinh xảo, sinh động từ nếp quần áo đến dáng điệu, nét mặt. Nét mặt các pho tượng chùa Tây Phương biểu lộ niềm vui hoặc nỗi buồn, trạng thái thanh thản hay ưu tư của tâm hồn. Đường nét trên khuôn mặt, vừng trán hay tư thế đứng ngồi đều phản ánh nhiều tình cảm, tâm trạng khác nhau.

Có thể nói đây là cuộc họp mặt của một tập đoàn "Phật sống" toạ thiền, với tất cả nét độc đáo trong tâm tư và phong độ của mỗi vị. Mười sáu vị tổ người đứng kẻ ngồi, pho thì ngước mặt lên trời chỉ vào mây khói, pho thì hững hờ với ngoại vật, tì cằm trên đầu gối nhếch môi cười một mình nửa tinh nghịch nửa mỉa mai, có pho vẻ mặt hân hoan tươi tắn, khổ người đầy đặn tròn trĩnh, pho khác có vẻ mặt đăm chiêu lạ thường, lại có pho như đang đắn đo phân bua hay đang thì thầm trò chuyện cùng ai. Đằng kia là Phật Tuyết Sơn gầy gò mười hai xương sườn nổi bật đang trầm tư mặc tưởng, phía bên là Phật Di Lặc phốp pháp, bụng to, mắt rộng, miệng tươi cười, hai vị thật đã biểu lộ rõ hai loại chúng sinh: lớp người khổ hạnh, thao thức suy tư, đằng đẵng giữa dương thế, bên cạnh lớp người hể hả, thoả mãn, sung sướng, vô tư.

Tượng La Hầu La đúng là chân dung một cụ già Việt Nam, thân hình gầy gò, mặt dài, nhỏ, gò má cao, môi mỏng vừa phải. Chưa thấy pho tượng nào diễn tả y phục một cách hiện thực mà lại đẹp đến như thế. Dáng điệu một tay cầm gậy, một tay để trên gối rất thoải mái, đôi bàn tay trông thấy rõ từng đốt xương bên trong. Những nghệ nhân dân gian vô danh thời Hậu Lê, thời Tây Sơn đã là tác giả của những kiệt tác tuyệt vời ấy của nền mỹ thuật Việt Nam.

Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #83
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự)



Cách Hà Nội 37km về hướng Tây, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây có một quả núi cao khoảng 50m nằm trên một địa thế rất đẹp: giữa một rừng cây cối tre trúc xanh rờn che kín những mái nhà tranh ẩn trên sườn núi.

Đó là núi Câu Lậu. Có tài liệu cho rằng sở dĩ ngọn núi này có tên như vậy vì hình nó cong cong như chiếc lưỡi câu. Nhưng xét về từ nguyên học, thì tên núi theo âm cổ vốn là "Klâu", nghĩa là núi Trâu, về sau có sách vở ghi theo âm chữ Hán là Câu Lậu. Người ta sẽ hiểu được điều này khi đứng từ xa nhìn ngọn núi này kết hợp với các ngọn đồi vùng Kim Quan tạo thành một dãy núi đồi chạy dài từ Ba Vì xuống giữa đồng bằng, trông chẳng khác nào một đàn trâu mà núi Câu Lậu là con trâu mẹ đang quay đầu nhìn lại đàn con.

Từ chân núi Câu Lậu, leo lên 239 bậc đá ong, chúng ta sẽ đứng trước cổng danh lam thuộc loại tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở nước ta: Chùa Tây Phương, tên chữ là Sùng Phúc Tự, còn có tên khác là Hoành Sơn Thiếu Lâm Tự.

Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng những năm 1657 - 1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc lại cho phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794 dưới thời Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.

Bia chùa Tây Phương lập năm 1924 có ghi lại sự việc "Sadi Thiết Tử, tên tự là Thanh Ngọc, quê làng Cao Xá, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, xuất gia từ nhỏ, đến năm 1893 đến ở chùa Sùng Phúc tức chùa Tây Phương núi Câu Lậu. Vùng núi này là nơi danh lam thắng cảnh tích phát anh tài, hương thiền phảng phất. Vì vậy các thân hào kỳ lý trong xã họp lại nhất trí tu tạo và sửa sang 3 tòa tự vũ, nhiều lần chấn chỉnh, đồng thời tạc tượng Quan Âm trăm tay cùng tượng Thiện Tài Long Nữ. Cũng trong thời gian này còn tạc thêm tượng Bát bộ Kim Cương, Thập bát La-hán vàng son lộng lẫy,..."

Chùa gồm 3 nếp nhà làm bằng gỗ lim rắn chắc xếp theo hình chữ "Tam": tòa bái đường, tòa chính điện và tòa hậu cung. Ba tòa nhà này cách nhau 1,60m, tạo nên một nhịp điệu kiến trúc độc đáo. Hệ thống cửa sổ hứng lấy ánh sáng lung linh từ bên ngoài, tạo cho nội thất một khung cảnh thoát tục, phù hợp với triết lý sắc sắc không không của nhà Phật.

Mỗi nếp chùa có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tám mái và tám góc là các đầu đao vươn lên cong vút với những đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng, phượng. Vật liệu xây chùa chủ yếu là gạch Bát Tràng để trần, các cột gỗ đều kê trên tảng đá xanh tròn khắc hình cánh sen. Mái lợp gồm hai lớp ngói: lớp trên là ngói đầu mũi đúc hình lá đề nổi, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc. Xung quanh diềm mái của ba tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung.

Khắp chùa hầu như chỗ nào có gỗ là có chạm trổ những hình tượng trang trí quen thuộc của dân tộc ta: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù,? rất tinh xảo.

Du khách đến thăm chùa Tây Phương chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp hoành tráng của kiến trúc thì lại càng sửng sốt khi chiêm ngưỡng thế giới sinh động của 72 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng. Trên đất nước ta không ở đâu có được một phòng triển lãm tuyệt vời và độc đáo như thế với nghệ thuật điêu khắc tôn giáo nhưng lại phản ánh những đặc điểm dân tộc của con người Việt Nam. 72 pho tượng gỗ của chùa Tây Phương là 72 công trình nghệ thuật đích thực, mỗi pho tượng biểu hiện không chỉ cuộc đời, tính cách mà cả thế giới tâm linh của các vị Phật, Bồ-tát và La-hán,?

Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm:

1 - Bộ tượng Tam Thế với ba pho tượng Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (còn gọi là Tam thân: Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân) ngồi ở tư thế tọa thiền, y phục gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể.

2 - Bộ tượng Di-đà Tam Tôn: gồm tượng đức Phật A-di-đà, đứng hai bên là Bồ-tát Quan Âm và Bồ-tát Thế Chí.

3 - Tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích-ca trong thời kỳ tu khổ hạnh: mỗi ngày ăn một hạt kê, một hạt vừng, tự hành xác để vươn lên thế giới tinh thần sáng láng. Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu, xương nổi lên trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu, hướng về nội tâm.

4 - Tượng đức Phật Di-lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai. Người mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn, sung sướng.

5 - Tượng Bồ-tát Văn-thù: đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ.

6 - Tượng Bồ-tát Phổ Hiền: chắp tay trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên tấm thân phủ đầy y phục.

7 - Tượng Bát bộ Kim Cương, thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ và cách bố cục, chuyển động của một thân thể mang giáp trụ trong các thế võ.

8 - Mười sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực: Đó là Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca, Di-trà-ca, Ba-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Phương Nam Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đà, Tăng-già Nan-đề, Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa.

Thế giới tượng trong nội thất chùa Tây Phương đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều văn nhân, nghệ sĩ . Năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa, đã làm những câu thơ rất sống động và gợi cảm về hình tượng những con người đắc đạo mà lòng vẫn trầm ngâm suy tưởng về những khổ đau quần quại của chúng sinh. Những pho tượng sống động này phản ánh những sự tích của nhà Phật, đồng thời biểu hiện thế giới tinh thần của những nghệ nhân đã sáng tạo ra. Tất cả những bộ phận trên cơ thể đều mang dấu vết của nỗi đau trần thế : mắt giương, mày nhíu xệch, trán như nổi sóng, môi cong chua chát, bàn tay cân vặn, đôi tai rộng dài ngang gối nghe đủ chuyện buồn vui của đời người. Tất cả các giác quan của con người như đều căng lên trong từng thớ gỗ :

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Từ những biểu hiện sinh động đó của nỗi đau đời thương người, nhà thơ rút ra một nét đặc trưng chung của các vị: niềm băn khoăn, day dứt trước lẽ tử sinh, ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Câu hỏi đè nặng tâm hồn các vị không tìm lấy sự giải thoát cho riêng mình mà tìm sự giải thoát cho cả chúng sinh.

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Câu hỏi đó không chỉ ám ảnh những con người sống trong buổi hoàng hôn của một thế kỷ chìm trong đau thương, mà vẫn còn là nỗi băn khoăn day dứt khôn nguôi của con người trên con đường đến Chân - Thiện - Mỹ.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #84
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Tàm Xá (Linh Ứng Tự)



Chùa Tàm Xá thuộc thôn Tàm Xá, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Chùa cách trung tâm thành phố 30 km về phía tây bắc.

Qua tấm bia mới nhìn thấy thì chùa được xây dựng từ thế kỷ 17 và là nơi cảnh đẹp trong vùng. Chùa chính có mặt bằng xây dựng hình chữ đinh trên nền cao 40 cm so với sân, xung quanh có tường vây kín. Tiền đường gồm 3 gian, các vì kèo kiểu quá giang, gian giữa chùa nối liền với thượng điện. Ngoài ra còn nhà Tổ và nhà khách. Trong thượng điện được xây bệ cao, ở giữa để đặt tượng Phật. Dọc hai tường bên có bệ hẹp và lối đi trong khi hành lễ và chạy đàn. Về kiến trúc, chùa Linh Ứng rất đơn giản.

Chùa có 40 pho tượng (trong đó có 10 pho tượng được làm từ thời Lê). Hầu hết tượng được tạo tác khá công phu, với nhiều nét dân gian truyền thống điêu khắc Việt Nam. Chùa con có bức võng chạm tứ linh (thế kỷ 19), long ngai và một chuông đồng "Linh Ứng tự chung" cao 118 cm, đúc từ thời Tự Đức. Chùa có 1 bia đá cao 160 cm, rộng 82 cm, được tạo dựng cuối thời Lê, có nét nghệ thuật trang trí thời Lê.

Chùa được Bộ Văn hoá và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 11/3/1992.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #85
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Tam Bảo



Ở Rạch Giá vốn là nơi tu hành của bà Dương Thị Cán, tục gọi là bà Hoàng. Bà là ân nhân đã giúp đỡ Nguyễn Ánh lúc còn bôn ba, nên sau khi Vua Gia Long lên ngôi, chùa được Vua sắc tứ để tạ ơn. Chùa tọa lạc ở số 6 đường Thích Thiện Ân, thị xã Rạch Giá và được dựng vào đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu được dựng bằng gỗ, lợp lá. Năm 1917, Hòa thượng Trí Thiền đã trùng kiến ngôi chùa. Ngôi chánh điện của chùa kiến trúc theo kiểu thượng lầu hạ hiên. ở mặt tiền bên trên hàng hiên là ngọn bảo tháp ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên Hoa. Chánh điện có chiều ngang 14,50m, chiều dọc 22m. Năm bao lam ở các bàn thờ được chạm trỗ công phu, thếp vàng rực rỡ. Các tượng Phật Di Đà, Thích Ca và các vị Bồ Tát được bài trí trang nghiêm. Đông lang được dùng làm phòng khách và phòng làm việc của Hòa thượng trụ trì. Tây lang và giảng đường của chùa được dùng làm Tuệ Tĩnh đường - nơi chữa bệnh miễn phí cho đồng bào.

Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo gắn liền tên tuổi Hòa thượng Thích Trí Thiền - người đã chăm lo việc trùng kiến ngôi chùa và cũng là người có công sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học vào năm 1931. Hội xuất bản tạp chí Từ Bi âm để truyền bá giáo lý, lập Pháp Bảo phường, thỉnh Tam Tạng kinh làm tài liệu nghiên cứu. Sau đó Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Chiếu trở về Rạch Giá lập Phật giáo Kiêm Tế hội, chủ trương vừa truyền bái giáo lý nhà Phật, vừa vận động tín đồ làm công tác xã hội.

Sau Nam kỳ khởi nghĩa, một số cán bộ cách mạng đã mượn chùa Tam Bảo làm nơi chế tạc đạn, cán bộ nổi dậy chống Pháp. Nhưng công việc bị phát hiện, Hỏa thượng Trí Thiền can đảm nhận trách nhiệm nên thực dân Pháp bắt đầy ra Côn đảo và hy sinh tại đó năm 1943. Một đệ tử của Ngài là nhà sư trẻ Thiện Ân, lúc bị địch bắt, đã dũng cảm hy sinh bằng cách cho tạc đạn nổ để tiêu diệt bọn mật thám. Tấm lòng ưu dân ái quốc của các vị sư ở chùa Tam Bảo được Hòa thượng Thích Bổn Châu, nhắc tới trong tập thơ Việt Nam anh kiệt.Ngày nay, chùa đặt văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Chùa đã được Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa vào ngày 23-3-1988.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #86
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Thập Tháp




Chùa Thập Tháp Di Đà nằm cách tp Quy Nhơn khoảng 28km, được hòa thượng Nguyên Thiều dựng vào năm 1683, trên gò đất có mười ngôi tháp Chàm. Đây là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần vào các năm 1820, 1849, 1877 và 1924. Đến nay chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, cổ kính.

Nằm khuất trong vườn cây cổ thụ sum suê cành lá và quanh năm đắm chìm trong mầu xanh của ao đầm, của cây cỏ, chùa Thập Tháp từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu vì đây là ngôi cổ tự xưa nhất ở miền trung.

Chùa nằm phía bắc thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm Thành ngày xưa, gần Quốc lộ I và cách thành phố Quy Nhơn độ 28km. Thời xa xưa, trên gò đất cao ấy có đến mười ngôi tháp Chàm cổ kính nằm án ngữ mặt bắc Đồ Bàn cho nên người ta mới gọi là gò Thập Tháp.

Kể từ khi vào trấn đất Thuận Hóa và mở mang bờ cõi xa dần về phía nam, ngoài việc chăm lo về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa trong hơn hai trăm năm, các chúa Nguyễn đều coi trọng đạo Phật cho xây dựng nhiều chùa chiền, đúc nhiều chuông, nhiều tượng Phật.

Bấy giờ có Tế Viên Hòa thượng, Giác Phong lão tổ đều là người Trung Hoa tham gia truyền bá đạo Phật ở Việt Nam. Năm ất Tỵ (1665) đời chúa Nguyễn Phước Tần, có vị thiền sư người Trung Hoa đến Việt Nam, ở lại đất Quy Ninh (Bình Định ngày nay) để tìm đất cất chùa. Ông cho phá hủy mười ngôi tháp Chàm đã bị sụp đổ để lấy gạch xây dựng chùa thờ Phật gọi là chùa Thập Tháp.

Chùa được xây dựng vào năm Quý Hợi (1683) niên hiệu Chánh Hòa nhà Lê và vị thiền sư có công xây dựng chùa chính là hòa thượng họ Tạ, húy là Nguyên Thiều, quê quán ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông tu về Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế. Năm Tân Mùi (1691) nhà Lê, chùa được vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề "Thập Tháp Di Đà tự". Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, hòa thượng Nguyên Thiều mở trường truyền đạo. Được ít lâu, ông giao cho đệ tử trông coi rồi ra Thuận Hóa lập chùa Phổ Thành ở Hà Trung, vào Gia Định lập chùa Giác Duyên, sau đó trở ra Thuận Hóa lập thêm chùa Quốc Ân.

Dưới đời chúa Nguyễn Phước Trăn (1687-1691) ngài phụng mệnh nhà chúa trở về Trung Hoa tìm mời thêm các danh tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí đem về miền trung Việt Nam.

Chùa Thập Tháp Di Đà xây bằng gạch Chàm, lợp ngói âm dương, bốn vày, ba gian, hai chái, kiến trúc theo hình chữ khẩu, có hai lớp tường bao bọc chung quanh. Những khu vực chính của chùa gồm có khu chính điện, khu phương trượng, khu tây đường và đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, có lát gạch vuông, bày đủ các thứ cây cảnh. ở khu chính diện, kết cấu chủ yếu là gỗ quý được chạm trổ rất tinh xảo, công phu với những họa tiết hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự. Ngoài những công trình chính, bên cạnh chùa còn có 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc nhiều thời khác nhau. Trước chùa còn có ao sen rộng, xây bằng đá ong xưa.

Trong chùa có ba tạng kinh, giấy khổ rộng, chữ to bằng ngón tay út. Bộ kinh hết sức cổ, có lẽ do sư tổ Nguyên Thiều đã thỉnh từ Trung Hoa sang vào lúc phụng mệnh chúa Nguyễn về nước vào cuối thế kỷ 17. Ngoài ra, chùa còn có hai tượng Hộ Pháp và 36 tượng La Hán bằng gỗ chạm khắc tinh vi. 36 tượng La Hán, mỗi vị cao nửa mét, thờ hai bên án cạnh bàn thờ Phật, mỗi bên 18 vị, mỗi vị có khuôn mặt và dáng điệu khác nhau. Còn hai tượng Hộ Pháp đặt ở hai bên cửa bước vào cao đến hai mét. Tại chùa còn có quả chuông đường kính 70cm, nặng 500kg, đúc từ năm 1893.

Trong tất cả chùa chiền ở miền trung được xây cất từ thời các chúa Nguyễn, thì chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định là chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế và được xem nhễ là chùa tổ.

Nhưng về sau, ngài Nguyên Thiều ra trụ trì ở Thuận Hóa và tịch ở đó cho nên đệ tử mới lấy chùa Quốc Ân làm chùa tổ thay cho chùa Thập Tháp Di Đà. Còn ngài Nguyên Thiều sau khi tịch (1729) được chúa Nguyễn Phước Chu ban thụy hiệu là "Hạnh Đoan Thiền Sư" và có bài minh khắc vào bia đá ca ngợi đạo đức của hòa thượng.

Qua nhiều lần trùng tu, tái tạo, cái cũ và cái mới đan xen, nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm cổ kính. Chùa được trùng tu cả thảy bốn lần. Lần trùng tu đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), lần thứ hai vào năm Kỷ Tỵ (1849) dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, lần thứ ba vào năm Bính Tuất (1877) dưới thời vua Tự Đức và lần thứ tư vào năm Giáp Tý (1924) dưới triều vua Khải Định.

Năm 1924, hòa thượng Phước Huệ là tổ thứ 40 phái Lâm Tế và là tổ thứ 13 của phái Nguyên Thiều đứng ra xây dựng, mở rộng chùa và dựng thêm cổng Tam quan như ngày nay.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #87
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự)



Nếu chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời ngài Từ Đạo Hạnh thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa-lưu-chi này.

Chùa Thầy dựa vào sườn Tây Nam một ngọn núi đá vôi có nhiều hang động là núi Thầy tức núi Sài Sơn thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 30km. Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy "như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa".

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ XVII, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu , xây dựng điện Phật, điện Thánh ; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng. Thủy đình mọc lên giữa Long Chiểu, nơi thường diễn trò rối nước đặc sắc, chính là viên ngọc ở đầu rồng. Hai giếng là hai mắt rồng. Hai cầu cổ có mái ngói do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây dựng năm 1602 là hai răng nanh của miệng rồng: Cầu Nhật Tiên ở bên trái trông vào đền Tam Phủ xây trên một đảo nhỏ giữa ao. Cầu Nguyệt Tiên ở bên phải dẫn vào đường lên chùa Cao trên núi.

Đối diện với thủy đình là chùa Cả được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" gồm 3 nếp nhà dựng trên nền cao bó đá hộc xanh. Nếp ngoài là nhà tiền tế, nếp giữa thờ Phật, nếp trong cùng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong chùa có đặt 3 pho tượng diễn tả 3 "kiếp" của Thiền sư Từ Đạo Hạnh : Tăng, Phật và Đế Vương. Bên trái là tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ bạch đàn lắp máy tự động có thể đứng lên ngồi xuống được, nhắc nhở thời kỳ Ngài đi tu ở Hương Hải am đã làm thuốc trị bệnh cứu người và dày công sáng tạo môn nghệ thuật múa rối nước cổ truyền để cho dân giải trí. Chính giữa là tượng Thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa vóc vàng. Bên phải là tượng Thiền sư sau khi đã hóa, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành nhà vua Lý Thần Tông. Tượng Lý Thần Tông đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng.

Trong chùa còn có tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan là cha mẹ Từ Đạo Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của Ngài là Thiền sư Minh Không và Thiền sư Giác Hải. Hai bên chùa là hành lang dài thờ mười tám vị La Hán.

Đường qua cầu Nguyệt Tiên dẫn đến những bậc đá đi lên núi, nơi có chùa Cao vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của Nguyễn Trực và Nguyễn Thượng Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.

Phía trên chùa Cao có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,? trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ giữa thiên nhiên khoáng đạt như hình ảnh trong bài thơ của Nguyễn Khuyến :

Hóa công xây đắp biết bao đời
Nọ cảnh Sài Sơn có chợ Trời
Buổi sớm gió tuôn, trưa nắng gắt
Ban chiều mây họp tối trăng chơi
Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn
Giãi thủ giang sơn bốn mặt ngồi
Bán lợi mua danh nào những kẻ
Chẳng lên mặc cả một đôi lời.

Theo lối mòn ven núi, leo lên vài chục bậc đá nữa sẽ đến hang Cắc Cớ, nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại:

Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ,
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Từ hang Cắc Cớ, một con đường có nhiều cây đại thụ dẫn lên đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u và hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.

Ở chân núi Thầy, về phía Tây có chùa Bối Am còn gọi là chùa Một Mái, vì chùa chỉ có một mái lợp bằng ngói, còn mái kia chính là vòm hang.

Nét độc đáo của thắng cảnh chùa Thầy là ở sự kết hợp giữa những con đường, những mái chùa vươn lên tầm cao, với những vẻ đẹp của hồ nước trải rộng và những bí ẩn trong chiều sâu lòng đất. Cả ba chiều không gian đó kết tụ lại trong một quần thể thiên nhiên đa dạng về kiến trúc và màu sắc. Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba âm lịch hàng năm, là dịp để con người chiêm bái danh lam thắng cảnh này. Trong ngày hội, nhiều Tăng Ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà-sa trang trọng, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo - được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc.

Nhưng hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở cả nước ngoài. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở :

Rủ nhau lên núi Sài Sơn
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?
Hỏi non, non những làm thinh
Phải rằng non đã vô tình với ai?
Nước non ví chẳng chiều đời
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?
Yêu nhau ta dắt nhau cùng
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.

(Á Nam Trần Tuấn Khải)


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #88
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Thanh Nhàn



Chùa Thanh Nhàn có tên chữ là "Thanh Nhàn Tự" ở phố Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Treo tấm biển "Nghĩa Phê tạo đình bi ký" (Bài ký về việc dựng đình Nghĩa Phê) dựng năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hòa 13 (1692),. nay là trụ sở công an phường Ô Chợ Dừa, cho biết: "Đình Nghĩa Phê nằm ở giữa, phía phải đối diện chùa Thanh Nhàn, phía trái cao ngang Đàn Xã Tắc". Trên tấm bia trụ 4 mặt "Cao Sơn Hưng miếu" (miếu Cao Sơn và Tây Hưng) dựng ngày 5/5 âm lịch đời vua Chính Hoà (1680 - 1705) có đoạn: "Đình Đông Các bên hữu phía Bạch Hổ, dãy núi bao bọc, đình cao ngang xấp xĩ chùa Thanh Nhàn. Như vậy vào khoảng giữa thế kỷ 17 đã có chùa Thanh Nhàn. Sang thế kỷ 18 chùa bị hư hại, tướng quân họ Đô làm thái bảo triều Lê đứng ra sửa chữa chùa, hiện còn bia và tượng quan thái bảo ở chùa. Đầu thế kỷ 19, năm 1810, tu sửa chùa, đúc chuông, năm 1895 chữa tòa tam bảo, 1901 chữa tòa hậu đường, năm 1946 sửa từ vũ. Chùa hiện nay còn tòa tam bảo hình chuôi vồ, tiền đường 3 gian 2 chái, tượng Phật có giá trị. Trong chùa còn có 2 phù điêu chân dung 2 vị tướng dòng họ Đỗ có công tu sữa.

Chùa được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 21/1/1989.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #89
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Tháp (Phổ Minh Tự)




Nhà Trần là một triều đại làm vẻ vang cho lịch sử dân tộc Việt Nam với ba lần đại thắng quân Nguyên xâm lược vào thế kỷ XIII. Tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề chài lưới trên sông Châu chảy qua đất Nam Định. Ở hữu ngạn sông Châu đã hình thành hương Tức Mạc, nay thuộc xã Lộc Vượng, cách thành phố Nam Định khoảng 5km về phía Bắc, là nơi sinh của người anh hùng Trần Quốc Tuấn và cũng là đất tổ của nhà Trần.

Khi vừa lên ngôi, Trần Thái Tông đã biến quê hương Tức Mạc của mình thành một công trường lớn. Từ năm 1239 thợ thuyền được tuyển chọn cùng với phu lính làm việc ròng rã mấy chục năm liền để xây dựng những lâu đài, cung điện, đền miếu, dinh thự, chùa chiền trên mảnh đất này. Mùa xuân năm 1262 Trần Thánh Tông về hành cung Tức Mạc ban yến lớn, hậu thưởng các hương lão và đổi hương Tức Mạc thành phủ Thiên Trường. Trong phủ Thiên Trường có hai cung điện được xây cất nguy nga lộng lẫy là cung Trùng Quang và cung Trùng Hoa để vua nối ngôi ở khi về chầu. Ngày nay hai cung điện đó đã bị chiến tranh tàn phá nhưng các địa danh ở đây đều gắn liền với những sự tích xa xưa: cảnh nội cung trước kia là sân trong phủ, cánh đồng cũ xưa là nơi giam giữ tù nhân dùng vào việc xây cất cung điện. Các xóm làng ở quanh phủ như Liễu Nhai xưa là vườn liễu; làng Lựu Phố xưa là vườn lựu; trường giảng văn, bình thơ; làng Phường Bông xưa là nơi diễn ca múa nhạc của hoàng tộc.

Nằm ở phía Tây cung Trùng Quang, chùa Phổ Minh vốn được xây dựng từ thời Lý. Đến thời Trần, chùa đã được trùng tu và mở rộng cho tương xứng với vị trí tôn quý của phủ Thiên Trường. Kiến trúc chính của chùa bao gồm chín gian tiền đường, ba gian thiêu hương và tòa thượng điện, xếp theo hình chữ "Công". Gian giữa nhà tiền đường có bộ cửa gồm 4 cánh bằng gỗ lim, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và hoa văn hình học. Hai cánh ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu mặt trời là tác phẩm điêu khắc gỗ đời Trần còn lưu lại cho đến ngày nay.

Tam quan chùa có ba gian bằng gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói cổ, trên cửa có bốn chữ "Đại hùng bảo điện", dưới thềm đá ba cấp làm thành bậc ở gian giữa, hai bên có đôi sấu đá chầu. Một con đường nhỏ chạy thẳng giữa một ao tròn, dẫn đến bức tường "bình phong" rồi đến sân trước chùa và hai nhà bia. Bia đá bên phải đề dòng chữ "Phổ Minh Thiền Tự" khắc năm Mậu Thân 1668. Bia đá bên trái có dòng chữ "Phổ Minh Bảo Tháp Từ Bi" khắc năm Bính Thìn 1916.

Trong chùa ngoài hệ thống tượng Phật, Bồ-tát,... được thờ ở chánh điện, có thờ tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tượng Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang ở hậu điện. Chuông lớn của chùa có khắc bản văn "Phổ Minh Đỉnh Tự" đúc năm Cảnh Thịnh thứ tư (1796). Ngoài ra, xưa kia chùa còn có một vạc lớn được xem là một trong "Tứ đại khí" của nước ta.

Sau thượng điện, cách một khoảng sân hẹp là tòa nhà mười một gian kéo dài theo hình chữ "Nhất". Giữa là năm gian nhà tổ, bên trái là ba gian nhà tăng, bên phải là ba gian điện thờ. Trong nhà tổ có pho tượng Bà Chúa Mạc, người từng về tu ở chùa, tạc bằng đá trắng ngồi trên tòa sen, dựa lưng vào bức nền có trang trí vòng ánh sáng với ba chữ "Thường tịch quang". Hai dãy hành lang nối liền nhà tiền đường và tòa nhà 11 gian tạo thành vòng ngoài của chữ "Quốc". Phía sau nhà tổ là vườn tháp, có tháp Bà Chúa Mạc bằng đất nung.

Công trình kiến trúc quý giá mang phong cách đời Trần còn được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là tháp Phổ Minh. Do công trình này mà chùa Phổ Minh còn được gọi là chùa Tháp. Tháp dựng vào khoảng năm 1305, niên hiệu Hưng Long thứ mười ba, đời vua Trần Anh Tông. Tháp cao khoảng 21m, gồm 14 tầng, xây trên 12 bậc gạch, càng lên cao càng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Tầng trên đều trổ bốn cửa cuốn tò vò ra bốn phía. Lúc đầu 13 tầng trên được xây bằng gạch trần màu đỏ sơn son, về sau một tín chủ đã bỏ tiền trát vữa. Bệ thờ đặt trong lòng tầng tháp thứ nhất. Trang trí trên tháp đơn giản song rất mỹ quan : các lớp cánh sen và những hoa văn dây uốn lượn quanh cửa tháp cùng với hình rồng uốn khúc, vờn mây khắc họa trên các viên gạch ốp mặt ngoài trông rất ngoạn mục.

Nằm giữa vùng chiêm trũng với mái chùa cổ kính, cây cổ thụ sum sê, toàn bộ tòa tháp Phổ Minh nặng tới 700 tấn, gần 7 thế kỷ vẫn đứng vững, góp phần tạo nên phong cảnh uy nghiêm, siêu thoát. Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông đã ca ngợi thắng cảnh này như một "tiên châu" trong những tiên châu tươi đẹp của đất nước :

Sư về trong viện câu kinh vắng
Quán ở bên sông bóng nguyệt treo
Ba chục cung tiên cây tháp đặt
Trăm ngàn cõi Phật tiếng triều reo.

(Thiên Trường hành cung)

Tương truyền rằng trong tháp Phổ Minh có tàng trữ xá lợi vua Trần Nhân Tông. Mười bốn vua nhà Trần được thờ phụng ở đền Thiên Trường, còn gọi là đền Trần, gần chùa Phổ Minh. Bên cạnh đền Thiên Trường là đền Cố Trạch thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời trên mảnh đất tổ của một dòng họ danh tiếng minh chứng cho lời khẳng định của câu ca dao cổ :

Đất Tức Mạc, phủ Thiên Trường
Từ xưa vốn dĩ danh hương lưu truyền

Nhà thờ Bùi Huy Bích (1744 -1818) đã viết bài thơ Du Phổ Minh Tự (Thăm chùa Phổ Minh) như sau :

Loạn hậu trùng tầm đáo Phổ Minh
Nhàn hoa dã thảo mãn nham quynh
Bi văn tước lạc hòa yên bích
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh
Pháp giới dữ đồng thiên quảng đại
Thổ nhân do thuyết địa anh linh
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại
Thức đắc vô hình thắng hữu hình

Nghĩa là:

Sau loạn tìm về đến Phổ Minh
Hoa đồng có nội ngút trời xanh
Văn bia sứt mẻ nhòe mây khói
Mắt Phật âu sầu dõi ngũ canh
Cõi phép cùng trời bao rộng lớn
Người đây vẫn nói đất linh thiêng
Nao lòng đỉnh cổ rày đâu tá?
Mới biết vô hình thắng hữu hình.

(Ngô Đức Thô dịch)


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #90
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.014
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Thiên Ấn



Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời đóng trên sông) là thắng cảnh thứ nhất trong mười cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi. Nằm bên tả ngạn sông Trà Khúc, núi Thiên Ấn cùng với giòng sông trở thành biểu tượng cho sự vĩnh hằng của vùng đất này, như hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê:

Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc,
Một dải sông Trà chảy sậm xanh.

Từ chân cầu Trà Khúc hai mươi nhịp, đi theo con đường về phía Cổ Lũy khoảng 2km, du khách sẽ gặp lối đi lên chùa Thiên Ấn trên núi.

Núi Thiên Ấn xưa kia có tên là núi Hó, nay thuộc địa phận xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh. Núi cao khoảng 105m, đỉnh núi bằng phẳng, rộng độ 10 ha. Từ phương Đông nhìn lên thấy bốn phía núi đe5 có hình thang cân trông giống như cái ấn trên sông. ở phía Nam, dưới chân núi có gò nhỏ gọi là hòn Triện. phía Đông giáp núi Tam Thai, phía Bắc tiếp núi Lã Vọng. phía Tây có núi Long Đầu. Xưa kia núi Thiên Ấn có nhiều đá son dùng mài mực son chấm quyển chữ nho. Đường lên núi nay không còn là lối mòn mà được mở rộng, tuy chưa bằng phẳng, nhưng xe hơi có thể lên tới chùa được.

Do vị trí địa lý của nó, năm Minh Mạng thứ 11 (1830) hình núi Thiên Ấn được chạm vào Di Đỉnh (một trong chín đỉnh đồng ở Huế được đúc dưới triều vua Minh Mạng). Đến năm Tự Đức thứ ba (1850), Thiên Ấn được liệt vào hàng danh thắng.

Chùa Thiên Ấn được Thiền sư Pháp Hóa khai sơn năm 1694. Ông tên là Lê Diệt, người Phúc Kiến, hiệu là Minh Hải - Phật Bảo, sinh năm 1670, viên tịch năm 1754, trụ trì tại chùa này suốt 60 năm. Bên cạnh chùa có giếng sâu 21m, nước mát ngọt, cũng là một công trình của Thiền sư Pháp Hóa. Núi cao, đá cứng, thiếu dụng cụ, nhưng Ngài vẫn kiên trì đào giếng suốt bốn năm ròng. Một hôm có vị tăng trẻ từ đâu không rõ phát nguyện cùng đào giếng với Thiền sư. Cùng làm việc suốt ba tháng ròng, họ mới chuyển được một tảng đá lớn chắn ngang, từ đó, mạch nước mới tuôn ra. Nhưng lúc giếng có nước cũng là lúc mà vị tăng trẻ ra đi biệt tích. Câu chuyện này còn được truyền tụng qua câu ca dao :

Ông thầy đào giếng trên non,
Đến khi có nước không còn tăm hơi

Gắn liền với chùa Thiên Ấn còn có sự tích quả đại hồng chung linh thiêng. Chuông này vốn được dân làng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đúc cho chùa làng nhưng đánh không kêu. Vào năm 1845, Thiền sư Bảo Ấn, vị Tổ sư thứ ba của chùa đang tham thiền, thì thấy một vị Hộ Pháp tới bảo thỉnh quả chuông ấy về chùa. Xuất định, Thiền sư Bảo Ấn nhờ sư Diên Tọa đến làng Chí Tượng thỉnh chuông về. Trong ngày lễ khai chuông, sau khi chú nguyện, Thiền sư Bảo Ấn đã gióng lên tiếng chuông tròn ấm ngân vọng khắp vùng. Chuông này nay treo ở bên trái chính điện của chùa.

Tổ đình "Thiên Ấn Tự" được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn Tự" năm 1716. Ngày nay bên cạnh chùa, dưới bóng mát của tàn cây đa cổ thụ còn có tháp của Thiền sư Pháp Hóa và 5 vị trụ trì kế tiếp là Khánh Văn, Bảo Ấn, Giác Tịnh, Hoằng Phúc, Diệu Quang.

Ngoài ra, phía trước chùa, trên núi, còn có mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng được nhân dân an táng tại đây năm 1947.

Cũng năm 1947, chùa Thiên Ấn bị giặc Pháp ném bom sụp đổ. Sau năm 1954, Giáo hội Tăng già tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, đã phác họa chương trình trùng kiến chùa Thiên Ấn. Dưới sự chỉ đạo của hai thầy Huyền Tân và Hồng Ân, chùa được khởi công xây dựng từ năm 1959 và khánh thành vào ngày mùng 8 tháng giêng năm Tân Sửu (1961).

Là một thắng tích của đất nước, chùa Thiên Ấn đã trở thành đề tài ngâm vịnh của nhiều văn nhân thi sĩ. Bài thơ nổi tiếng nhất viết về chùa là bài Vịnh Thiên Ấn niêm hà của Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767):

Phong cảnh nơi đây thật rất xinh
Niêm hà có ấn của trời sinh
Xem kia dấu tích còn vuông vức
Nhận lại non sông rõ dạng hình
Cách thức như in đồ Cổ Tự
Cỏ cây nào phụ tiếng chuông linh
Châu sa đổ dưới chân chờ mãi
Trấn chỉ sau lưng núi Cẩm Thành.




Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
chùa, nam, việt


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 21:45
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12467 seconds with 15 queries