Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 14-05-2009   #91
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Thiên Mụ (Linh Mụ Tự)



1. Chùa Thiên Mụ hay còn gọi chùa Linh Tự là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế. Chùa được dựng trên đồi Hà Khê (thuộc địa phận xã Hương Long) bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về phía tây. Tên chùa gắn với huyền thoại bà tiên áo đỏ được lưu truyền rộng rãi. Bởi vậy chùa có tiên là Thiên Mụ (bà tiên trên trời).

Truyền thuyết xưa kể lại rằng: Đồi Hà Khê rất thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp các nơi núi non sông biển nước ta xem nơi nào có khí linh thiêng thì tìm cách yểm đi. Cao Biền thấy trên đồi Hà Khê có khí thiêng, bèn đào sau chân đồi để cách mạch đi, khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm đó bỗng có một người đàn bà thể sắc trông thì còn trẻ nhưng mái tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng nói to: "Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, thỉnh cầu linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo". Người đàn bà ấy nói xong biến mất. Từ đó gò đất được gọi là núi Thiên Mụ

Khoảng năm 1601, Nguyễn Hoàng tức chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong sau khi rời kinh đô Thăng Long đem quân vào đây định kế lâu dài, một hôm đi qua nơi này, thấy địa thế đẹp, hàng dẫy đồi chập chùng như uốn khúc bên sông, đặc biệt thấy một gò cao dáng tựa như chiếc đầu rồng đang ngoái nhìn về phía núi mẹ, lại nghe sự tích kể trên, ông tự nhận mình là vị chúa được bà tiên nói đến. Ông ra lệnh xây dựng chùa Phật và cho đề chữ "Thiên Mụ Tự" (chùa Thiên Mụ). Từ đó dân chúng đến cầu đều thấy linh thiêng ứng nghiệm.

Về sau, chùa được trùng tu nhiều lần, mỗi lần đều được mở rộng tô điểm thêm. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu và sau Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn nặng tới trên 3 tấn, gọi là Đại Hồng Chung, đây là quả chuông lớn nhất ở Huế, chứng tỏ tài năng của những nghệ nhân đúc đồng rất nổi tiếng ở xứ này. Nguyễn Phúc Chu còn cho dựng một tấm bia đá đặt trên lưng con rùa làm bằng đá cẩm thạch ghi lại việc chấn hưng đạo Phật đương thời. Năm 1815 và 1831, Gia Long và Minh Mạng tổ chức sửa sang và mở rộng chùa Thiên Mụ to đẹp hơn. Năm 1846, Thiệu Trị dựng thêm ngoài Nghi Môn một tháp hình bát giác cao 21 m với bẩy tầng soi bóng trên dòng sông Hương thơ mộng. Tháp thờ đức Như Lai và đức Thế Tôn. Các tầng đều có tượng Phật, tương truyền ngày xưa được đúc bằng vàng, về sau thay bằng đồng, vua gọi là tháp Từ Nhân, sau đổi là tháp Phước Duyên, cảnh chùa lại càng thêm nguy nga tráng lệ.

Xưa, trước tháp Phước Duyên có đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền) gồm ba gian, bộ sườn được chạm khắc công phu, tinh xảo, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo). Hai bên đình dựng hai nhà bia, ghi lại việc xây bảo tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyên, bài ký Đại Hồng Chung và bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" (Tiếng chuông Thiên Mụ) của vua Thiệu Trị.

Kiến trúc của chùa Thiên Mụ cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam. Chùa được bao quanh bằng tường đá xây hai vòng. Khuôn viên chùa chia làm hai khu vực. Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc. Bến thuyền có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và bốn trụ biểu xây sát đường cái. Từ đó theo 15 bậc tam cấp là đến nền đình Hương Nguyên. Phía sau chùa Thiên Mụ là vườn hoa, cây cảnh, sau cùng là vườn thông tĩnh mịch.

Chùa Thiên Mụ từ lâu đã đi vào tâm tư tình cảm của người dân Huế. Tiếng chuông chùa từ bao đời đã gieo vào lòng người một nỗi niềm tha thiết, mến thương.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Ngày nay, chùa Thiên Mụ vẫn luôn là một trong những danh lam thắng cảnh cổ nhất và đẹp nhất của đất Thần Kinh. Du khách mỗi lần đến Huế không thể không đến thăm chùa Thiên Mụ, tham quan tháp Phước Duyên nghiêng mình trên dòng Hương Giang xanh thẳm.

2. Chùa có nguồn gốc từ câu chuyện truyền thuyết: năm Tân Sửu (1601) Đoan Quốc Vương Nguyễn Hoàng nhân đi du ngoạn các nơi núi non sông biển, khi đặt chân đến nơi đây thấy giữa chốn đồng bằng đột khởi một gò đồi cao dáng tựa như chiếc đầu rồng đang ngoái nhìn về phía núi mẹ, trước cuốn nước trường giang, sau đắm mình nơi bình hồ, cảnh trí tuyệt đẹp trong bụng lấy làm thích thú bèn leo lên trên đồi cao ngắm nhìn bốn phía xung quanh, chợt thấy một đoạn hào cắt ngang dưới chân núi, tìm hỏi người sở tại được họ tâu rằng: Núi này rất linh thiêng, đời nhà Đường có viên tướng là Cao Biền từng đi khắp đất nước ta xem những nơi nào có vượng khí linh thiêng thì cắt yểm đi. Cao Biền thấy trên núi này có khí thiêng bèn cho đào phía sau chân núi để cắt long mạch khiến cho về sau linh thiêng không tụ được...

Lại có đêm, có người trông thấy một bà già đầu tóc bạc phơ, mặc áo đỏ quần xanh ngồi chơi ở đỉnh gò mà nói: Rồi đây sẽ có một vị chân Chúa đến lập chúa thờ Phật cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi này để cầu phúc dân giúp nước tất không có gì phải lo. Nói xong người đàn bà đó biến mất. Từ đó dân chúng gọi tên núi ấy là Thiên mụ sơn (núi bà trời).

Nguyễn Hoàng nghe nói cả mừng, tự cho mình là chân Chúa, sai người cất dựng chùa, viết biển đề chữ Thiên mụ Tự. Sách ô Châu Cận lục soạn vào giữa thế kỷ 16 (đời nhà Mạc) của tác giả Dương Văn An cũng có nói tới chùa Thiên Mỗ (hay Thiên Mộ) chứng tỏ ở đây từ xa xưa hơn nữa đã có chùa nhưng chắc là còn đơn sơ hoặc đã bị hoang tàn, đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (vị Chúa Nguyễn đầu ở Đàng trong) thì chùa mới được xây dựng lại quy mô.

Đến năm Ất Tỵ (1665) Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Tháng 4 năm Canh Dần (1710) Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn đường kính 1,4m cao 2,5 m nặng 3.285 cân. Đây là quả chuông lớn nhất ở Huế đồng thời là một tác phẩm mỹ thuật quý giá khẳng định nghệ thuật đúc đồng Việt Nam ở thế kỷ 18. Chúa thân làm bài văn khắc vào bia. Tháng 6 năm Giáp Ngọ (1714), Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho sửa sang và xây dựng thêm nhiều điện, đường huy hoàng, tráng lệ. Chúa tự làm một bài ký để ghi công đức của mình trong việc chấn hưng đạo Phật và những chi tiết mỹ thuật trong các bộ phận kiến trúc ở chùa rồi cho khắc vào một tấm bia lớn cao 2,6 m rộng 1,2 m dựng trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch chạm trổ tinh vi. Chúa còn cho người qua Trung Quốc mua Đại tạng kinh và luật luận hơn một nghìn bộ đem về để tại chùa.

Cuối thế kỷ 18, chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, năm 1815 và năm 1831, Vua Gia Long và Vua Minh Mạng cho trùng tu và sửa sang lại đẹp hơn. Năm 1844, Vua Thiệu Trị cho dựng thêm ngoài cửa Nghi Môn một cái tháp hình bát giác cao 21,24 m bảy tầng, mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng cao nhất thờ Đức Thế Tôn. Tượng thờ ngày ấy đúc bằng vàng sau này được thay bằng tượng đồng. Vua đặt tên tháp là Từ Nhân, sau đổi lại là tháp Phước Duyên. Trước tháp, Vua cho dựng Đình Hương Nguyện ba gian, bộ sườn bằng gỗ được chạm khắc công phu, tinh xảo, hai bên còn dựng thêm hai cái nhà để bia của Vua khắc vào năm 1846, mỗi bia cao 1,70 m rộng 0,9 m, bia bên hữu ghi nội dung kiến trúc tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện, bia bên tả ghi nhiều bài thơ của Vua.

Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn ở Huế làm cho chùa bị đổ nát. Năm 1907, Vua Thành Thái cho trùng tu, quy mô chùa từ đây không còn to lớn như trước nữa nhưng vẫn cổ kính trang nghiêm.

Chùa Thiên Mụ được tạo dựng trên đồi Hà Khê trên một khoảnh đất bằng phẳng hình chữ nhật, diện tích khoảng 6 mẫu cách trung tâm thành phố Huế 5 km về phía tây thuộc địa phận xã Hương Long. Chùa được bao quanh bằng khuôn tường xây đá hai vòng trong ngoài. Khuôn viên chùa được chia làm hai khu vực: Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc: Bến thuyền đúc bê-tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh) sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vòi vọi, hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng thời Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng thời Nguyễn Phúc Chu). Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp). Khu vực phía trong cửa Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan âm, nhà Trai, nhà Khách, vườn hoa, phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch.

Thiên mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế. Vua Thiệu Trị liệt cảnh chùa Thiên Mụ vào một trong số 20 thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ đề là Thiên Mụ chung thanh. Năm 1695, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở đại giới đàn rất long trọng tại chùa Thiên mụ. Lịch sử huy hoàng của các Chúa Nguyễn trong quá trình khai phá, lập nghiệp ở Đàng trong có thể nói được mở đầu bằng công trình xây dựng chùa Thiên mụ.

Chùa Thiên mụ ngày nay vẫn huy hoàng, tráng lệ chính nhờ công lao trùng tu và xây dựng lại của Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Những năm 1943 - 1945, chùa Thiên mụ lâm vào cảnh hoang tàn đổ nát, Hòa thượng Thích Đôn Hậu đứng ra nhận chức vị trụ trì. Bằng sự nỗ lực chưa từng có, Hòa thượng phát nguyện gây dựng lại ngôi chùa lịch sử trong suốt 30 năm. Đến mùa xuân năm 1968, chùa Thiên mụ đã trở lại phong quang tươi đẹp như xưa.

Đến với Thiên mụ, du khách không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Nơi đây, từ bốn thế kỷ nay, sớm chiều tiếng chuông chùa ngân vang vọng cùng với khói hương ngào ngạt tỏa ra giữa thanh không vắng lặng, đã hấp dẫn và say đắm biết bao lòng người xứ Huế, và du khách bốn phương. Tiếng chuông chùa Thiên mụ từ bao đời đã đi vào ca dao, để lại nỗi nhớ nhung trong lòng người xứ Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

3. Chùa tọa lạc trên đồi Hà Khê, thuộc xã Hương Long, thành phố Huế.

Trong Ô Châu cận lục viết đời Mạc, đã thấy ghi chép chùa Linh Mụ được Chúa Nguyễn Hoàng cho tái thiết vào đầu thế kỷ XVII. Theo truyền thuyết, năm Tân Sửu (1601), Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng nhân đi du ngoạn núi non sông biển, khi đặt chân đến đây, thấy phong cảnh tuyệt đẹp, địa thế thật tốt. Vua nghe kể có người trông thấy một bà già đầu tóc bạc phơ, mặc áo đỏ quần xanh ngồi chơi ở đỉnh gò mà nói : "Rồi đây sẽ có chân Chúa đến dựng lại chùa ở nơi này để tụ linh khí mà làm bền cho long mạch". Nói xong, người đàn bà biến mất. Từ đó, dân chúng gọi tên núi là Thiên Mụ sơn, và Chúa Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa, viết biển đề "Thiên Mụ Tự" (đến đời vua Tự Đức, chùa được đổi tên là Linh Mụ Tự).

Ban đầu chùa còn đơn sơ, chưa có những công trình kiến trúc và mỹ thuật nổi tiếng. Năm 1665, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa, qui mô kiến trúc còn nhỏ.

Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm tức Thích Đại Sán, người Chiết Tây, Trung Quốc, thuộc phái Tào Động, được Chúa Nguyễn mời sang Việt Nam lập đại giới đàn. Ngài là một danh nhân đời nhà Thanh, đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời làm trụ trì chùa Thiên Mụ. Tháng 7 năm 1696, trước khi trở về Trung Quốc, Ngài đã truyền giới Bồ-tát cho Chúa Nguyễn Phúc Chu, ban đạo hiệu là Thiên Túng Đạo nhân, nối pháp đời thứ 30 Tào Động chánh tông. Từ chùa Thiên Mụ và chùa Khánh Vân (Huế), Ngài có công truyền bá Thiền phái Tào Động ở đàng Trong.

Năm 1710, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung nặng 3285 cân, là một tác phẩm mỹ thuật quí giá. Tiếng chuông chùa từ đấy đã an nhiên trong lòng người dân xứ Huế, đã đi vào thơ ca.

Thiên Mụ chung thanh

Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên.
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên.
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.

(Thiệu Trị ngự đề)

Nghĩa là :

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ
Gò cao chùa cổ bên sông,
An nhiên nguyệt tướng mặt vòng tròn gương.
Niệm tan phiền não sầu thương,
Ba ngàn thế giới tỉnh đường ba sinh.
Chuông rền cảm giới u minh,
Ban mai tiếng tụng hiển linh đạo huyền.
Thánh công Phật tích lưu truyền,
Nhân lành quả tốt khắp miền nước non.

(Nguyễn Quảng Tuân dịch)

Năm 1714, Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều công trình huy hoàng, tráng lệ. Đó là lần trùng tu qui mô nhất gồm : cổng tam quan, điện Thiên vương, điện Ngọc Hoàng, điện Thập Vương, nhà thuyết pháp, lầu Tàng kinh, lầu chuông, lầu trống, nhà Vân Thủy, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược sư, tăng phòng ? Chúa lại cho mở an cư kiết hạ trong vườn Tỳ Da suốt 3 tháng, và cho người sang Trung Quốc thỉnh Tam Tạng kinh Luật, Luận Đại thừa hơn một ngàn bộ đem về lưu giữ tại chùa.

Vào đầu thế kỷ XIX, các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã cho trùng tu, sửa sang chùa. Giữa là điện Đại Hùng, phía sau là điện Di-lặc, điện Quan Âm và Tàng Kinh. Hai bên là điện Đại Hùng và điện Thập Vương.

Đến năm 1844, vua Thiệu Trị cho dựng tháp Từ Nhân (về sau đổi tên là tháp Phước Duyên), bảy tầng, cao 21m, bằng gạch, mỗi tầng thờ một pho tượng Phật. Đã 150 năm qua, tháp Phước Duyên ngày ngày soi bóng xuống dòng sông Hương , gây nhiều cảm xúc khó tả cho biết bao du khách đến với cố đô. Trước tháp, vua cho dựng đình Hương Nguyện ba gian, sườn bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Hai bên, dựng hai nhà bia ghi kiến trúc tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyên và nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị.

Qua đầu thế kỷ XX, chùa bị hư hỏng nặng do cơn bão năm Giáp Thìn (1904). Vua Thành Thái đã cho trùng tu chùa vào năm 1907 và cho đến ngày nay, qua công lao của Hòa thượng Thích Đôn Hậu cùng nhiều Tăng, Ni, Phật tử, du khách xa gần, ngồi chùa cổ Thiên Mụ được xây dựng lại, tuy không còn qui mô to lớn như trước, nhưng vẫn trang nghiêm, hùng tráng.

Du khách đến thăm chùa, sau khi bước lên 15 bậc tam cấp ở cổng tam quan sẽ gặp nền đá của đình Hương Nguyện xưa kia và tháp Phước Duyên. Hai bên đình Hương Nguyện cũ có hai nhà bia, và hai bên tháp Phước Duyên có một nhà bia và một nhà chuông thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Sau lưng tháp là một tấm bia nhỏ.

Sau khi tham quan các công trình có tính chất lưu niệm ở khu vực phía ngoài, du khách vào phía trong cửa Nghi Môn cũng được bao quanh bằng khuôn tường xây đá. Ở đây có các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, nhà trai, nhà khách, vườn hoa. Sau cùng là tháp mộ Hòa thượng Thích Đôn Hậu nằm giữa vườn thông.

Điện Đại Hùng ở chùa Thiên Mụ được bài trí đơn giản. Tượng đức Phật Di-lặc được tôn trí ở tiền điện, hai bên có chuông và khánh đá. Ở căn giữa, trong án thờ được chạm khắc công phu và sơn son thếp vàng lộng lẫy là tượng Tam Thân (Pháp thân, Ứng thân, Hóa thân), phía trước là tượng đức Phật Thích-ca. Ngoài cùng là bàn chuông, mõ. Gian hai bên thờ Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Phổ Hiền.

Du khách đến chùa không quên đến bên trái tháp Phước Duyên, xem bài minh ở tấm bia được dựng vào năm 1715, thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, ca ngợi ngôi danh lam cổ tự bậc nhất này.

? Phía Nam nước Việt chừ, núi sông đẹp đẽ,
Ngôi chùa hùng tráng chừ, cửa Thiền nắng chiếu,
Tánh vốn trong sạch chừ, nước chảy róc rách,
Đất nước an ổn chừ, bốn cảnh thanh nhàn.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #92
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Thiên Trù (Hương Sơn)



Hương Sơn là một khu vực rộng lớn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, ven bờ phải sông Đáy. Nhiều chùa ở Hương Sơn được xây dựng với quy mô lớn vào thời Hậu Lê, nổi tiếng nhất là chùa Thiên Trù. Đến đầu thế kỷ XX, đã có hơn một trăm ngôi chùa và động ở khu vực này. Chùa Thiên Trù hay chùa Ngoài nằm gần bến Trò trên dòng suối Yến, được ngài Trần Đạo Viên Quang chân nhân dựng vào năm 1686 và được trùng tu, phát triển thành ngôi đại già lam ở các thế kỷ kế tiếp. Bom đạn chiến tranh đã phá hỏng ngôi chùa vào các năm 1947, 1948 và 1950. Di tích xưa nay chỉ còn lại tháp Thiên Thủy, tháp Viên Công - một công trình nghệ thuật đất nung thế kỷ XVII và bia đá. Năm 1985, chùa đã xây gác chuông 8 mái ở sân Thiên Trù. Từ năm 1989, Thượng tọa Thích Viên Thành cùng Ban xây dựng chùa Hương đã thực hiện công việc quy hoạch và tôn tạo toàn vùng, xây dựng chùa Thiên Trù ngày nay trên nền móng chùa cũ.

Hàng năm, hội chùa Hương kéo dài từ đầu tháng giêng đến giữa tháng ba (âm lịch), là một trong những lễ hội lớn ở nước ta, thu hút hàng vạn Phật tử, du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan, chiêm bái. Thắng cảnh chùa Hương đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và đã đệ trình Hội đồng Di sản, Văn hóa và Thiên nhiên thế giới xét công nhận Di sản văn hóa thế giới.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #93
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Thuyền Tôn (Thiên Thai Thuyền Tôn Tự)



Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương

Hương thơm của hoa ưu đàm mãi mãi thơm ngát như đạo đức của Thiền sư Liễu Quán tỏa sáng muôn đời.

Ngài Liễu Quán húy Thiệt Diệu, quê ở Sông Cầu (Phú Yên) ra Thuận Hóa vào cuối thế kỷ XVII. Thiền sư khai sơn chùa Thuyền Tôn vào khoảng năm 1708, lúc bấy giờ chỉ là một am tranh, nơi xây ngôi bảo tháp của ngài hiện nay, và ở cổng tháp đã khắc ghi câu trên. Thiền sư đã biệt xuất một bài kệ truyền cho các đời kế tiếp đặt pháp danh:

Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong
Giới định phước huệ, thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công
Truyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng, đạt ngộ chơn không.

Nghĩa là :

Đường lớn thực tại, biến thế tính trong,
Nguồn tâm thấm khắp, gốc đức vun trồng,
Giới định cùng tuệ, thể dụng viên thông,
Quả trí siêu việt, biểu thấu nên công,
Truyền giữ lý mầu, tuyên dương chính tông,
Hành giải song song, đạt ngộ chân không.

(Nguyễn Lang dịch)

Chùa Thuyền Tôn hiện nay tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Chùa được dựng bên trái núi Thiên Thai, nên còn có tên là Thiên Thai Thuyền Tôn Tự.

Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan đã vận động tiền của để xây dựng ngôi chùa quy mô, cách thảo am khoảng 1km. Đại hồng chung được đúc vào thời kỳ này, có khắc niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 (1747). Chùa đã được bà Lê Thị Tạ phát tâm trùng tu vào năm 1808.

Các vị kế tục trụ trì chùa trong buổi đầu là Tế Hiệp, Tế Mẫn. Sau đó là các vị Đại Huệ, Đại Nghĩa, Đạo Tâm. Theo dòng kệ truyền thừa, kế tiếp là các vị Đạo Tại, Tánh Thiện, Hải Nhuận, Thanh Liêm, Thanh Đức.

Đến năm 1937, Hòa thượng Trừng Thủy - Giác Nhiên đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng đã có nhiều công lao trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở nửa đầu thế kỷ XX. Từ năm 1973, Hòa thượng đã đảm nhận trọng trách Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đến năm 1979 thì viên tịch, thọ 102 tuổi.

Chùa Thuyền Tôn bảo lưu được đường nét kiến trúc cổ và hệ thống thờ tự truyền thống. Ở chánh điện, án giữa thờ Phật Tam Thân, phía trước là tượng đức Phật Thích-ca. Tiền án thờ tượng Bồ-tát Chuẩn Đề hai bên là ảnh vẽ Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền. Tiếp đến là bàn chuông, mõ. Án tả thờ Bồ-tát Quan Âm, hai bên có ngài Xá Lợi Phất và ngài Ca-diếp. Án hữu thờ Bồ-tát Địa Tạng. Ngoài ra còn có hai án thờ Thập điện Minh Vương ở hai bên vách. Phía ngoài là hai bàn thờ Hộ Pháp và Quan Thánh.

Từ tam quan đi vào mé phải ngôi chùa, căn phòng của Hòa thượng Giác Nhiên ngày xưa vẫn còn đó. Bức chân dung của Ngài đã gây sự cảm nhận thanh thoát, gần gũi và niềm tin kính vô hạn. Từ cửa phòng của Ngài, nhìn ra ngôi bảo tháp, cảnh quan ngôi chùa và ngọn núi Thiên Thai, lòng khách lâng lâng khó tả.

Đến viếng chùa năm xưa, nhà thơ Nguyễn Du cũng mang nỗi lòng đó :

? Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiền triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.

Nghĩa là :

Chùa cổ lá vàng thu phủ kín
Triều xưa mây trắng sãi già rồi
Thương cho đầu bạc còn vướng lụy
Cùng với non xanh trót phụ lời.

(Phan Khắc Hoan và Lê Thước dịch)

Thật vậy, ngày nay du khách và Phật tử đến chùa, sẽ được tận hưởng một cảnh quan đầy thiền vị :

- Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy,
- Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn.

Nghĩa là :

- Mõ báu dài kêu, chẳng dứt trước cửa dòng biếc chảy
- Pháp thân lộ rõ, tự nhiên ngồi đó ngắm núi xanh.

(Trương Ngọc Tường dịch)




Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #94
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Tiêu - trung tâm Phật giáo xưa của Việt Nam



Dọc quốc lộ 1 A đường Hà Nội - Lạng Sơn, ai đã từng đi đâu, về đâu, nhưng chưa lấy một lần đến vãng cảnh chùa Tiêu thì thật là đáng tiếc.

Trở ngại về địa lý hay eo hẹp về thời gian, nhưng chỉ cần mạnh dạn một chút, quyết tâm vượt qua các ngại ngùng trong lòng là có thể đến được chùa Tiêu.

Chùa Tiêu có tên là chùa Thiên Tâm còn gọi là Tiêu Sơn tự, chùa nằm trên lưng chừng núi Tiêu. Nay thuộc xã Tương Giang - huyện Tiên Sơn - tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Tiêu là một danh thắng nổi tiếng và cũng là - trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.

Những công trình còn lại của chùa Thiên Tâm (chùa Tiêu) hiện nay là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật thời Lê - Nguyễn.

Chùa Tiêu hầu như không bị ảnh hưởng bởi các biến cố lịch sử qua nhiều thời kỳ và chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 20 km mà thôi.

Từ xưa, ở đây, núi bắc, sông nam sơn thủy hữu tình, con sông Tiêu Tương chảy qua bây giờ đã biến thành đồng ruộng, làng mạc trù phú. Dấu ấn một thời chỉ còn lại là một cái hồ sen dưới chân núi trước cửa chùa.

Theo bước chân du khách về chốn này, dưới bóng cây xanh mát rượi, ta bước lên từng bậc gạch. Ta đang lần tìm đến nơi phát tích của một triều đại phát triển toàn diện và một quốc gia phong kiến độc lập: triều nhà Lý.

Trước mắt ta, trên sân lữ khách dừng chân, cũng là đường dẫn đến chùa chính nhà thờ tổ, hiển hiện một nhà bia mới dựng. Thành kính thắp nén hương, trân trọng xem câu đối trên cột nhà bia viết bằng chữ Hán:

"Lý gia linh tích tồn bi kỷ
Tiêu Lĩnh danh kha đắc sử truyền"

(Dẫu thiêng nhà Lý còn bia tạc
Danh thắng non tiên có sử truyền).

Mặt chính của tấm bia khắc chữ Hán Nôm:

"Lý gia linh thạch". Mặt sau bia quay vào phía núi khắc chữ Hán nhỏ. Theo ông Nguyễn Công Nha người làng Đình Bảng tạm dịch như sau:

"Chùa Thiên Tâm có Lý Vạn Hạnh (là người trụ trì tăng viện người làng Cổ Pháp (nay thuộc làng Đình Bảng - huyện Tiên Sơn - tỉnh Bắc Ninh).

Đặc biệt, sườn đông bên tả ngạn sông Tiêu Tương có bà Phạm Mẫu người ở Hoa Lâm, lên chùa đèn nhang gặp người thần ngẫu nhiên có thai, rồi sinh ra Lý Công Uẩn tại tam quan chùa ứng Tâm hương cổ pháp còn gọi là chùa Dân thuộc xã Đình Bảng ngày nay...".

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc này:

"Thái tổ Hoàng đế họ Lý, tên húy là Công Uẩn người châu Cổ Pháp. Mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần... Có chửa sinh vua ngày 12/2 năm Giáp Tuất, niên hiệu thái bình năm thứ năm (974) thời Đinh. Mới ba tuổi... Sư Khánh Văn nhận làm con nuôi, bé đã thông minh vẻ người tuấn tú khác thường, lúc nhỏ đi học nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng "đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy cơ, gỡ rối làm bực minh chủ trong thiên hạ".

Nói về chùa Tiêu là nói đến Thiền sư Vạn Hạnh. Bởi lẽ chùa Tiêu là chốn tu thiền giảng đạo của nhiều bậc cao tăng trong đó sư Vạn Hạnh là người trụ trì.

Thiền sư Vạn Hạnh là một con người tài năng: về đạo thì "linh thông tam pháp cửu lưu" còn binh pháp thì thuộc lòng binh pháp của Tôn Tử "Vũ".

Do có công lao cố vấn cho triều tiền Lê và Lý, Thiền sư Vạn Hạnh được suy tôn là quốc sư, hiện nay trong chùa Tiêu còn bài vị thờ sư tổ:

"Lý triều tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh vị".

Sư thần Ngô Sĩ Liên thừa nhận: "Mắt trông thấy Lý Thái Tổ biết là người khác thường, đến khi thấy sét đánh thành vết chữ thì đoán ngay thời thế thay đổi, như thế là có trí thức vượt người thường".

Nghe các cụ Đình Bảng kể rằng: Thiền sư Vạn Hạnh sinh ra trong một gia đình đại thế tộc, nhiều đời làm quan. Gặp thời loạn thập nhị sứ quân không biết đâu chính, đâu tà đành thành tâm tu luyện đợi thời cơ xoay chuyển thế cuộc. Sư Lý Khánh Văn, sư Lý Vạn Hạnh là hai anh em ruột. Lý Khánh Văn có công nuôi dưỡng. Lý Vạn Hạnh có công dạy dỗ đào tạo và huấn luyện người "lãnh đạo" quốc gia. Họ đều là những cao tăng có kiến thức uyên bác. Năm 1018 Thiền sư Vạn Hạnh không ốm đau bệnh tật gì mà mất, người thời ấy đã truyền lại rằng ngài đã hóa thân.

Vào thập kỷ 90, nhân dân xã Tương Giang, nhà chùa Tiêu Sơn và những người hảo tâm đã đóng góp công sức xây dựng tượng Thiền sư Vạn Hạnh trong tư thế thiền sừng sững giữa đỉnh Tiêu Sơn.

Cảnh đấy, người đây đã tạo cảnh quan xứ này thêm trang trọng và bề thế.

Đến thăm chùa Tiêu, đọc lại 10 điều tâm niệm của người xưa, để tưởng nhớ suy ngẫm, học hỏi những gì tốt đẹp về đạo đức lẽ sống, cách làm người, âu cũng là để cho lòng ta thanh thản, cho trí óc ta trong sáng hơn. Đồng thời ta cũng biết thêm một di tích lịch sử và nghệ thuật được Nhà nước công nhận.

Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #95
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Tra Am (Trà Am)



Mùa hè cách đây 46 năm khi tôi vừa học xong lớp nhất trường tiểu học An Cựu lúc đó chúng tôi chỉ mới 12 tuổi, tôi, Lê Ngọc Dinh và Vũ ba đứa rủ nhau đi chơi chùa Trà Am, chỉ nghe tiếng chứ chưa biết đường nhưng ba đứa nhỏ chúng tôi vẫn quyết định khởi hành, từ sáng tinh mơ mẹ tôi đã làm sẵn cho một vắt cơm bới và một chai nước cho thêm ba đồng bạc cây dừa chúng tôi qua đò ở cống Phát Lát, đi ra ngã lăng Vạn Vạn gần nhà cụ Phạm Quỳnh, lên Trường Bia rồi đến ngã ba Ngự Bình, tù đó chúng tôi hỏi đường để vào chùa Trà Am, con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo chạy theo chân núi Ngự Bình, hai bên đường toàn là cây bứa, cả một rừng bứa rợp bóng cây với các trái bứa trỉu vàng với những tàng lá che kín ánh sáng mặt trời làm mát rượi con đường đi, lên Trà Am thì tha hồ mà ăn bứa, trái bứa chua ngọt và chát mũ dính miêng nhưng đúa nào cũng muốn ăn, dó là kỷ niệm đầu tiên trong đời tôi về chùa Trà Am, về sau này tôi mới biết chùa Trà Am nằm gọn ở giữa ba hòn núi nỗi tiếng ở Huế là Núi Ngự Bình, núi Thiên Thai và núi Ngũ Phong, thuộc thôn Tứ Tây, An Cựu huyện Hương Thủy. Đi từ Huế lên Trà Am non 10 cây số, con đường vòng vèo qua chân núi Ngự Bình, vừa qua một con suối nhỏ là đã tới Trà Am.

Chung quanh Trà Am còn có nhiều ngôi chùa cổ như Viên Thông, Tây Thiên, Trúc Lâm. Hồng Ân...

Muốn đến Viên Thông thì đi chừng cây số rưỡi, muốn qua Hồng Ân, Trúc Lâm thì đi vòng qua chân núi Ngự Bình ra Nam Giao qua Tây Thiên hay đi xuống Cầu Lim mới vào được Trúc Lâm, nhưng đi đường tắt thì nhanh hơn chỉ đi vòng qua mấy quả đồi, mấy quả núi đá nhỏ dưới dãy núi Thiên Thai là có thể tới Hồng Ân rồi lội qua một con suối nhỏ vòng qua một giếng đá, nước trong veo ngọt lịm mát rượi là đến địa phận chùa Trúc Lâm.

Trà Am hay là Tra Am ?

Cách đây 80 năm khi lập chùa, tổ khai sơn lấy biệt hiệu của mình đặt tên cho chùa là Tra Am, Tra Am là do điễn tích của Trung Hoa, theo Nam Sử, Trương Phu thuở nhỏ tên là Tra, cha ông là Trương Thiệu tên tục là Lê. Vua Tống Văn Đế thường gọi đùa rằng: "Tra sao bằng Lê được !" Trương phu cười mà tâu rằng: "Lê là cây trăm quả, Tra đâu dám sánh bằng !" Đời sau dùng điển tích này chỉ người sau không bằng người xưa, ngụ ý khiêm nhường, Tổ khai sơn lấy biệt hiệu Tra Am này tự cho mình không bằng được sư phụ .Trong di chúc để lại vị tổ khai sơn này nói câu; "Tự hậnTra bất như Lê dã" để tỏ lòng tôn kính sư phụ mình.

Người dân Huế đọc không quen được chữ Tra Am họ đọc trại ra thành chữ Trà Am lâu ngày người ta quen gọi tên chùa là Trà Am mà quên mất nó là Tra Am với cái điển tích cái ý nghĩa mà vị tổ khai sơn đã đặt cho nó Chùa Trà Am khởi công xây dựng vào năm 1923, chủ nhân cùng mấy đệ tử là Trí Uyên, Trí Hiển, Trí Giải và vài ba người giúp việc xắn tay đốn cây, chặt lá, cuốc đất làm nền dựng chùa, giữa một mảnh đất còn hoang sơ chưa vết chân người lui tới, lúc đầu chỉ là một mái am tranh sơ sài, phên tre được trét bằng đất sét vàng, gian trước để thờ Phật, bên tả là nhà trai và bếp, bên hữu làm phòng khách phía sau là thư phòng và chổ nghĩ ngơi của chủ nhân.

Cảnh trí chung quanh chùa là một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật hiếm có, tất cả cây cỏ, khe suối, núi đồi, đá tảng được sắp xếp tạo dáng để khi ai đó bước chân đến ngôi chùa này cũng cảm thấy phảng phất chung quanh một sự nhẹ nhàng bay bổng, để tâm hồn mình trở nên thanh thản, siêu thoát trước cảnh sắc phong quang thoát tục, ở đó con người dễ hòa mình trong sự trầm mặt của triết lý Phật Giáo. Cái khung cảnh tuyệt vời đó cũng nói lên cái sâu sắc, cái ý nghĩa của con đường đã chọn và cái ngộ của chủ nhân ngôi chùa.

Để đi vào chùa Trà Am phải đi ngang qua một cái cầu làm bằng thân một cây thông to, có tay vịn chiếc cầu này vắt ngang một giòng khe nhỏ mang tên là Tẩy Bát Lưu, Tẩy Bát Lưu có nghĩa là là giòng khe để rữa bình bát. Và chiếc cầu mang tên một chữ trong câu cổ thi "Lược ước hoành thu thủy" hay một câu thơ của Lục Du" tiên tiên nhất cứ thủy, vãng lai nhất lược ước "( bên bờ nước chảy trong veo, qua về trên chiếc cầu treo hững hờ ) chiếc cầu chỉ dùng cho người đi qua, xe ngựa không qua được. Lược Ước Kiều là tên của chiếc cầu nói lên cái phương tiện đi đến với đạo, cái thâm ý của chủ nhân ngôi chùa là ; "Ta chỉ đưa người chứ không đưa xe ngựa" hãy vứt bỏ cái ngã tướng, cái chấp nê khi bước chân vào chốn thiền môn này.

Vị chủ nhân chùa Tra Am là ai ?

Đó là công tử Công Tôn Hoài Trấp là cháu nội của Định Viễn Quận Vương con vua Gia Long, công tử sinh năm 1879, xuất gia năm 1895 lúc vừa tròn 17 tuồi, thọ giáo với Viên Giác Đại Sư tại chùa Ba La Mật, đạo hiệu là Viên Thành, pháp húy Trừng Thông, để chấp nhận công tử xuất gia làm đệ tử Viên Giác Đaiư đã bảo: "... thử nghĩ vài câu, nếu có cơ duyên, tôi sẽ giúp mệ xuất gia "sau khi lạy Phật công tử Hoài Trấp viết hai câu trình Viên Giác Đại sư như sau:

Nép bóng rèm thưa trông bóng thỏ
Thấy trăng tròn, tay vỗ ca xang

Sư Viên Thành đậu thủ khoa Sa Di năm 1901 tại Phú Yên, trú trì chùa Ba La Mật từ năm 1901 cho đến năm 1923 và cũng trong năm này sư Viên Thành đã dựng lên chùa Tra Am, 5 năm sau sư viên tịch ở Tra Am lúc đó vừa 49 tuổi .Trước khi trở về với cát bụi sư đề lại mấy câu thơ:

Lão khứ, vân hà nhất tháp tân
Tha niên bì đãi tự tương thân
Nhàn lai ỷ trương khê biên lập
Hà xứ thanh sơn bất đãi nhàn

(Già rồi xây tháp giữa non mây,
Gửi gắm mai sau nắm xác gầy .
Chống gậy, lúc nhàn, bên suối đứng .
Núi xanh nào chẳng đón người đây)

Sư Viên Thành một người uyên bác về giáo lý đạo Phật, dưới sự dẫn dắt của sư Viên Thành chùa Trà Am đã trở nên một Giảng Đường có uy tín, học tăng từ nhiều nơi gởi đến xin thọ giáo, các khóa học thường được tổ chức vào mùa xuân hay mùa hạ, sư Viên Thành còn tổ chức nhiều pháp vụ giảng giải Phật pháp cho các tín đồ, kiến giải vài chổ sai lầm về nội điển trong các tăng ni... ngoài ra sư Viên Thành cũng còn là một thi nhân, thơ văn chân thật, thâm thúy và thoát tục và đôi bài cũng có tính cách hài hước của một người đã thoát vòng tục lụy:

Kim điện bất thắng thu
Nguyệt tà trúc hộ lảnh
Chỉ hữu tâm hạ phong
Khiên duy điếu sấu ảnh

(Điện vàng hiu hắc hơi thu,
Lạnh run cửa trúc mịt mù gương nga,
Bên rừng gió thổi la đà
Vén màng thương bóng sao mà xác xơ )

hay là bài

Xao bãi tàn chung, hiểu vị nhân
Đằng sàng phá nạp ủng lô huân
Gia phong bất dụng phiền quân vấn
Mao ốc tam giam, nhất ổ vân

(Thỉnh trọn hồi chuông sáng vẫn mờ,
Ôm lò nằm sưởi áo gai xơ,
Cửa nhà đâu dám phiền lòng hỏi,
Mây trắng lều tranh phủ mịt mờ )

hoặc là bài Lạc Diệp mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương đă dịch thơ như sau:

Rì rào cây vẳng tiếng đêm qua
Nghe lạnh đồi thông chiếc hạc già
Vu giáp chiều buông mưa lất phất
Động Đình thu gợn sóng bao la
Tùng khô chỉ sót đôi phần lá
Bàng rợp đâu tìm một tán hoa
Lạ nỗi đau lòng chi Tống Ngọc
Còn hay mất, hãy mặt trời xa

Thơ văn của Sư Viên Thành được hợp lại làm thành một tập gọi là Lược Ước Tùng Sao, trước khi mất sư Viên Thành đã trao lại tập thơ này cho đệ tử Thích Trí Thủ, 46 năm sau khi sư viên tịch Hòa thượng Thích trí Thủ mới cho ấn hành tập thơ này với công phu biên soạn của ông Nguyễn văn Thoa và phần hiệu đính bình luận, nhuận sắc của các ông Nguyễn hữu Chương, Bửu Cầm và thi sĩ Vũ hoàng Chương.

Trong lời tựa Thượng tọa Trí Quang viết: ".. sách nhỏ như cái cầu nhỏ .Nhưng chỉ nhỏ đối với người đi xe ngựạ.. không thể qua cầu Lược Ước mà vào Trà Am. Dẫu rằng cái cầu ấy chỉ chân không là qua được liền. Vào Trà Am dễ mà khó đến thế đó, huống chi vào Trà Am trong sách"

45 năm sau tôi trở lại thăm Trà Am

Hình ảnh và phong cảnh Trà Am không còn như trong kỷ niệm của mình, rừng bứa ngày xưa chỉ còn lác đác cây, Bây giờ người ta có thể đi thẳng vào chùa bằng xe honda xe hơi, chiếc cầu Lược Ước đã không còn ai nhớ đến nữa.

Diễm phúc thay cho ai đã một lần đi chân không qua cầu để vào Trà Am.

"Ta chỉ đưa người chứ không đưa xe ngựa" câu nói của vị thiền sư vẫn còn thấp thoáng đâu đây như một ngậm ngùi thiên cổ.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #96
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Vĩnh Nghiêm



Từ phi trường Tân Sơn Nhất đi về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Nam Kỳ Khở Nghĩa, qua khỏi cầu Công Lý, du khách sẽ thấy hiện lên sừng sững ngọn tháp của chùa Vĩnh Nghiêm.

Có thể nói đây là ngôi chùa có kiến trúc bề thế vào bậc nhất nước ta hiện nay. Chùa mang tên Vĩnh Nghiêm, một trung tâm Phật giáo thời Trần ở tỉnh Bắc Giang cũ, nay là Hà Bắc. Vĩnh Nghiêm còn là tên tôn xưng Sư tổ Thanh Hanh (1838 - 1936), một cao tăng được tấn tôn Thiền gia Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Bắc Kỳ. Trước năm 1975, Tăng Ni Phật tử miền Bắc sinh sống tại miền Nam tụ tập thành miền Vĩnh Nghiêm, mà trung tâm chính là ngôi chùa này.

Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1964 và khánh thành năm 1971 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế với sự cộng tác của hai kiến trúc sư Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu. Chùa làm theo kiểu chữ "Công" hai lớp mái chồng diêm, mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông.

Chùa gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có phòng đọc sách, giảng đường, văn phòng, phòng tăng chúng. Tầng lầu có sân thượng rộng khoảng 10m, bên trái là tháp Quan Âm với 7 tầng mái, bên phải có tháp chuông treo quả đại hồng chung do Giáo hội Phật giáo Nhật Bản hiến cúng. Bái điện là một tòa phạm vũ nguy nga, bề rộng 22m, dài 35m. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao hàm tứ linh, bao lam Cửu Long. Đặc biệt có phù điêu trên hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng trong nước và các nước châu Á.

Bàn thờ Phật được thiết kế rất trang nghiêm. Ở bảo điện: chính giữa thờ dức Phật Thích-ca, hai bên là Bồ-tát Phổ Hiền tượng trưng cho đạo hạnh và Bồ-tát Văn-thù tượng trưng cho trí tuệ.

Tại chánh điện đât 6 bức phù điêu La-hán: Khuyến Học La-hán, Thuyết Pháp Văn Pháp La-hán, Đạo Sơn Địa Ngục Tiếp Hóa La-hán, Cúng Dàng La-hán, Cúng Dàng Bố Thí La-hán, Đại Hàn Địa Ngục Tiếp Hóa La-hán. Đó là những tác phẩm chạm khắc gỗ dựa vào bản chính của phái Tịnh độ Nhật Bản. Ở hàng hiên, trước lối vào chánh điện mỗi bên có một pho tượng Kim Cương lớn.

Các mái chùa đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc, mái trước chồng diêm. Giữa đỉnh nóc có bánh xe pháp luân và các góc chạm hình đầu phượng.

Nói đến chùa Vĩnh Nghiêm, ngoài tháp chuông, không thể quên hai ngôi tháp đặc sắc là tháp Quan Âm và tháp Xá Lợi Cộng Đồng. Tháp Quan Âm dựng ở bên trái sân thượng trên một diện tích 200m2 . Tháp có 7 tầng mái, từ mặt đất lên đến đỉnh tháp cao 35m. Tháp xây hình vuông, mỗi cạnh ở tầng một dài 7m. hai bên cửa ra vào có hai pho tượng Kim Cương đắp nổi, cao 1,48m, ngang 0,74m. Ở 7 tầng của tháp, trên vách đắp nổi 25 tượng Thất Phật Thế Tôn và các vị Tổ, mỗi tượng có khung vuông, cạnh 1,05m.

Tháp Xá Lợi Cộng Đồng xây ở phía sau chùa về bên phải, khởi công năm 1982 và hoàn thành năm 1984. Tháp có 4 tầng, cao 25m, mang nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam. Tháp là nơi đặt thờ tro hài cốt của những người do gia đình ký gởi, trong đó có những văn nhân thi sĩ tên tuổi như Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương ...

Chùa Vĩnh Nghiêm hiện là nơi đặt trụ sở của trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #97
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Vĩnh Tràng



Du khách đến Mỹ Tho mà không thăm chùa Vĩnh Tràng là một điều thiếu sót. Đây là ngôi chùa cổ danh tiếng và là một công trình kiến trúc tiêu biểu ở Nam Bộ. Chùa tọa lạc trên mảnh vườn cây ăn trái rộng gần 2 hecta, thuộc làng Mỹ Hóa, nay là xã Mỹ Phong, bên con rạch Bảo Định hiền hòa nước ngọt quanh năm.

Vào nửa đầu thế kỷ XIX, chùa vốn là một thảo am do ông Tri Huyện Bùi Công Đạt phát nguyện xây cất để di dưỡng tinh thần sau khi về hưu. Ông thỉnh Hòa thượng Từ Lâm ở chùa Bửu Lâm về trụ trì. Sau khi ông Bùi Công Đạt qua đời, Hòa thượng Huệ Đăng dã vận động tín đồ xây dựng thành ngôi đại tự với tên Vĩnh Tràng, hoàn thành vào mùa hè năm Canh Tuất (1850).

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Định Tường, chùa Vĩnh Tràng bị hư hại khá nặng. Người kế vị Hòa thượng Huệ Đăng là Hòa thượng Thiện Đề, sư đệ của Ngài, nối tiếp công việc trùng tu ngôi chùa. Sau khi Hòa thượng Thiện Đề viên tịch, chùa Vĩnh Tràng hương tàn khói lạnh. Năm 1890 tín đồ đã đến chùa Sắc tứ Linh Thứu thỉnh Hòa thượng Trà Chánh Hậu về trụ trì. Ngài quê ổ Mỹ Tho, là đệ tử Hòa thượng Minh Phước gốc Tổ đình Bửu Lâm. Năm 1895 Hòa thượng Chánh Hậu cùng bổn đạo trùng tu toàn bộ ngôi chùa. Đến năm 1904, do một trận bão lớn, chùa lại bị tàn phá, vì vậy mà 3 năm sau (1907), chùa Vĩnh Tràng được trùng tu một lần nữa. Hòa thượng Chánh Hậu trụ trì 33 năm (1890 - 1923) thì qua đời, Kế tục sự nghiệp của Ngài , Hòa thượng Minh Đàn, pháp danh Tâm Liễu, cho xây dựng cổng tam quan, mặt tiền, chánh điện và nhà thờ tổ.

Trước cửa chùa có tam quan tráng lệ do tốp thợ người Huế thực hiện năm 1933, với sự tài trợ về kinh phí của hai ông Huỳnh Trí Phú và Lý Văn Quang. Chiếc cổng giữa bằng sắt lâu nay vẫn đóng kín. Hai cổng bên bằng bê-tông cốt thép vươn cao như hai tòa lâu đài cổ. Nét độc đáo của tam quan chùa Vĩnh Tràng thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện tích dân gian và những đề tài Tứ quí, Tứ linh, hoa lá ... Tầng lầu thượng của cổng tam quan có vòm cửa rộng, bên phải đặt tượng Hòa thượng Chánh Hậu, bên trái đặt tượng Hòa thượng Minh Đàn. Cả hai tượng này đều đắp bằng xi măng giống như người thật, do điêu khắc gia Nguyễn Phi Hoanh thực hiện.

Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng trang trí theo kiểu kết hợp đặc điểm kiến trúc cả Á lẫn Âu. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản ... Chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính , còn chữ quốc ngữ lại viết theo lối chữ gô-tích. Từ xa trông vào, du khách có thể hình dung ngôi chùa như đền Ăng-co có năm tháp. Theo lời truyền tụng của nhân dân địa phương, thì Hòa thượng Minh Đàn và ông Huỳnh Trí Phú đã từng du lịch sang xứ Chùa Tháp nên tiếp thu được cái đẹp trong kiến trúc ngôi chùa bên đó, kết hợp với kiến trúc phương Tây.

Ở chánh điện có các bao lam được chạm trổ công phu, trong đó có bộ phù điêu Bát Tiên cỡi thú do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện vào khoảng năm 1907 - 1908. Trên bàn thờ có nhiều pho tượng Phật như A-di-đà, Thích-ca, La-hán và tượng các vị Bồ-tát. Hai bên bàn thờ là tượng chân dung Hòa thượng Chánh Hậu và người kế pháp là Hòa thượng Minh Đàn. Các Hòa thượng Huệ Đăng, Chánh Hậu, Minh Đàn đều thuộc Thiền phái Lâm Tế.

Bộ tượng cổ nhất ở chùa Vĩnh Tràng là bộ Tam Tôn (Di-đà, Quan Âm, Thế Chí) bằng đồng. Tiếc rằng tượng Quan Âm đã bị thất lạc từ lâu. Sau này Hòa thượng Chánh Hậu phải thuê thợ làm tượng khác bằng gỗ thế vào cho đủ bộ. Tượng Ngọc Hoàng cũng bằng đồng, to gần bằng người thật, cùng phong cách với tượng Già Lam, Đạt-ma ở chùa Bửu Lâm. Khác với thông lệ xưa nay, Ngọc Hoàng ở đây không có Nam Tào, Bắc Đẩu cầm sổ sinh tử đứng hầu hai bên. Thay vào chỗ đó là Ông Thiện và Ông Ác.

Hai bên tường chánh điện là bàn thờ Thập điện Minh Vương. Đặc biệt ở đây có bộ Thập bát La-hán là những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo mà một số nghệ nhân ở Nam Bộ đã tạc vào năm 1907 theo sự chỉ đạo của Hòa thượng Chánh Hậu. Bộ tượng này bằng danh mộc, mỗi tượng cao khoảng 0,80m, bề ngang 0,58m, được đặt hai bên điện Phật gọi là sáu căn: mắt, tai, lưỡi, mũi, thân và ý; ở ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Các tượng La-hán này được tạo hình cân đối, sinh động, cỡi trên các con thú như trâu, bò, ngựa, lạc đà, hà mã, tê giác v.v...

Trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng có nhiều chậu cây cảnh, hòn non bộ được chăm sóc thường xuyên. Dưới bóng cây, tháp Hòa thượng Chánh Hậu và gia đình được xây dựng bề thế có tường rào bao bọc.

Nhìn chung, vẻ đẹp của chùa Vĩnh Tràng tập trung ở nghệ thuật tạo hình. Có ý kiến cho rằng có thể xem chùa Vĩnh Tràng là một bản tổng kết lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang.

Hiện chùa Vĩnh Tràng l2 nơi đặt văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo và trường Cơ bản Phật học tỉnh Tiền Giang. Chùa đã trở thành điểm du lịch và hành hương của tỉnh, thu hút du khách và Phật tử hàng ngày. Tết Tân Dậu (1982) nhà thơ Xuân Thủy đã đến viếng chùa và viết tặng một bài thơ:

Đức Phật giàu tình thương
Nên chùa tên Vĩnh Tràng
Nhà sư vốn yên nước
Lòng như sông Tiền Giang




Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #98
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Vọng Cung



Ngôi chùa lớn trên khuôn viên rộng gần 3.000 m2 thu hút rất đông khách du lịch gần xa, cùng bà con trong vùng đến ngoạn cảnh, thắp hương, như chùa Vọng Cung ở giữa phố Hà Huy Tập sầm uất, quả là hiếm quý ở thành phố Nam Định. Chùa lại có lai lịch cùng kiến trúc khác thường.

Các tòa nhà hai tầng ngang dọc đã được sửa sang, tô điểm, với kiến trúc mái chồng diêm, đầu đao cong vút vốn là hành cung được xây cất vào thời Gia Long (1802 - 1820). Xưa chùa là nơi đón tiếp nhà vua và các quan đi kinh lý. Năm 1950, nhà sư nổi tiếng Thích Tâm Tri, pháp danh Tuệ Lạng, từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về Nam Định mở lớp Phật học, xin được tu tạo hành cung xưa thành ngôi chùa. Từ năm 1983 - 1986, Hòa Thượng trụ trì Thích Thuận Đức đã tổ chức xây dựng lại ngôi chùa quy mô như ngày nay. Trải nhiều thế hệ sư tổ, nay trụ trì là Hòa thượng Thích Tâm Thông, đã ngoại tám mươi. Nơi cửa thiền này được chính quyền giúp đỡ và dân thành phố góp công, góp của tu tạo, dần dà trở thành ngôi chùa lớn và một trung tâm đào tạo sư sãi.

Khách thăm qua hai cổng tả, hữu, đã gặp khoảng sân rộng, rợp bóng cây to và cây cảnh bôn-sai. Tĩnh mịch và xanh mát làm dịu lòng khách giữa nơi phố xá ồn ào. Cầu thang rộng đặt dưới mái hiên dẫn khách lên gác hai là chùa chính năm gian rộng (chẳng gặp ở bất cứ chùa nào trên đất nước). Đại bái có thể chứa một lúc hàng trăm người thăm. Ban thờ Phật trang nghiêm, u tĩnh đặt ở hậu cung hương khói ngày đêm. Tượng thờ sơn son thếp vàng, mang dấu ấn thời Nguyễn, kỹ lưỡng, mềm mại. Đẹp nhất là những pho Tam thế Tây phương: Thích Ca, Phổ Hiền, Văn Thù, A Nan, Ca Diếp, Cửu Long... Tầng dưới chùa là nhà tổ, nhà trai, bên cạnh nhà giảng rộng, đủ chỗ cho hai trăm sư trẻ học kinh.

Nghệ thuật chạm, khắc gỗ điêu luyện thế kỷ 19 cũng để lại dấu ấn trên nhiều mảng kiến trúc và trang trí. Các tác phẩm điêu khắc không nhiều, nhưng lạ mắt. Đôi câu đối là hai tác phẩm độc đáo chạm lộng rồng nổi, thếp vàng trên toàn bề mặt, chữ thì đặt nổi trên hình. Hai bức cửa võng ở hậu cung, viền chạm trổ đôi rồng chầu mặt nguyệt; trong chạm "mai-điểu" với bố cục lạ mắt mà hài hòa.

Trong số những hiện vật, đồ thờ bằng đồng, đặc sắc là quả chuông lớn, điểm chuông sớm tinh mơ thì tiếng ngân vang tới ngoại thành.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 14-05-2009   #99
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 35.333.846
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Vũ Thạch



Chùa Vũ Thạch ngay ở đầu phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chùa và đền, đình cũng được xây trên một khoảnh đất hẹp. Tương truyền chùa được xây bên hồ Tả Vọng từ lâu đời và là chùa nhỏ. Chùa qua nhiều lần trùng tu, dấu ấn còn lại của chùa ngày nay mang phong cách thời Nguyễn. Kiến trúc của chùa có mặt bằng hình chuôi vồ gồm tiền đường và thượng điện. Hệ thống tượng Phật khá đầy đủ. Nhiều pho tượng có tính đặc sắc.

Chùa (và đền, đình) đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 12/12/1986.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
chùa, nam, việt


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 20:27
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,14553 seconds with 15 queries