Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 17-07-2009   #10
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
9. Augustinô Phan Viết Huy (1795-1839)

Augustinô Phan Viết Huy, là binh sĩ, ông sinh 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Nam Ðịnh; chết 13 tháng 6, 1839, tại Thừa Thiên. Sau khi bị bắt, ngài bị căng xác trên một cái giá và bị cưa làm hai mảnh, cùng với Thánh Nicholas Thể. Phong Á Thánh 1900. Ngày Lễ 13 tháng 6.

Vào năm Minh Mệnh thứ 19, nhà vua truyền cho các quan phải bắt các lính có đạo trong quân ngũ phải quá khóa. Quan tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh hồi đó là Trịnh Quang Khanh. Chiếu chỉ của vua cho Trịnh Quang Khanh như sau: "Nếu khanh muốn giữ vững thủ cấp trên cổ, khanh phải tuân theo lệnh của trẫm. Trẫm trao phó cả ngàn quân sĩ và đặt hết tín nhiệm nơi khanh. Hạn cho khanh trong vòng một tháng phải bắt tất cả các linh mục trốn tránh trong tỉnh, và thanh trừng các lính Công Giáo trong quân ngũ đến đứa cuối cùng. Trẫm không muốn giết chúng, nhưng trẫm muốn chúng bỏ đạo."

Thừa lệnh của vua, Trịnh Quang Khanh đã thề tiêu diệt đạo Công Giáo đến nỗi không có một quan nào dữ tợn hơn ông trong lịch sử bách đạo tại Việt Nam. Ðể thi hành đắc lực lệnh của nhà vua, Quan Trịnh Quanh Khanh còn sáng chế ra những hình phạt kinh khủng để làm cho người Công Giáo hoảng sợ mà chối đạo. Ðối với những người nhất định không chối đạo, thì ông dùng tù đày, hoặc khuyến dụ bằng những lợi lộc hoặc chức quyền. Ông cũng không quên dùng những người Công Giáo đã bỏ đạo để làm lung lạc các chiến sĩ của Chúa. Có khi ông còn dùng áp lực phạt thân nhân của các người Công Giáo, để vì thương hại thân nhân mà chối đạo. Trong thành Nam Ðịnh vào năm 1838 có tất cả chừng 500 lính Công Giáo bị điệu ra trước tòa để xử. Dĩ nhiên không phải cả 500 người đều là những Công Giáo tốt. Trong số này, có đủ loại người, có người đạo đức và có người sống đời bê bối. Nhưng họ đều có đức tin. Tuy nhiên Trịnh Quang Khanh cho điệu tất cả các lính tới hầu tòa. Trước khi hầu tòa, quan cho các ông ăn uống no say. Sau khi ăn uống, quan cho cả ngàn quân lính võ trang bao vây các ông lại. Trên khán đài, quan tổng trấn ngồi chễm trệ, với các chức sắc dân sự và quân sự ngồi theo thứ tự đẳng cấp. Ở một phía bên của tòa án, lý hình với đủ mọi hình cụ dữ tợn để dọa các lính trung kiên với giáo hội. Ở phía khác, quan truyền đặt nhiều cây thánh giá để lính Công Giáo phải bước qua. Trịnh Quang Khanh đứng lên, bước tới phía trước khán đài, rồi truyền lệnh cho quân sĩ. Ông hứa hẹn rất nhiều lợi lộc của vua ban cho quân sĩ chối đạo. Ông cho họ biết ông đối xử với quân lính như người cha, như người mẹ. Tuy nhiên ông muốn biết chắc chắn rằng quân sĩ của ông phải nghe lời ông thì mới được hưởng tước lộc vinh hoa phú quý. "Ðức vua không thể sai lầm, ngài đã cấm theo đạo Gia Tô. Vậy mọi người phải bỏ đạo đó."

Quan không đòi hỏi gì khác, chỉ cần quân lính bước qua thập giá. Quân lính đó sẽ được phục chức trong quân đội và không ai đả động đến tôn giáo này với họ trong tương lai nữa. Ông cũng không quên đe dọa những phần tử bất tuân lệnh của ông. Ông chỉ về phía các hình cụ để đe dọa những phần tử bất tuân.

Sau khi tuyên bố những lời vừa khuyến dụ vừa đe dọa, quan truyền cho các quân sĩ phải lần lượt bước qua thập giá. Một số rất lớn đã vâng lời quan bước qua thập giá, một số khác thì từ chối ngay từ đầu. Nhưng quân lính dùng sức lôi họ qua thập giá rồi kể như họ đã bỏ đạo. Cũng có người thì dùng tiền hối lộ để khỏi bị lôi qua thập giá. Những người này, quan cũng coi như đã bỏ đạo.

Sau cuộc xét xử hỗn loạn bắt 500 lính Công Giáo bỏ đạo, các quan vô cùng hoan hỉ, vì phần lớn đã chối bỏ đức tin. Những người chối đạo này trở về nhà bị lương tâm cắn rứt. Nhiều người suốt đời ăn năn thông hối, mỗi khi đi xưng tội thì chỉ khóc lóc vì tội phản bội của mình. Có người hối hận suốt đời. Có người vẫn khóc khi đi xưng tội dù đã 40 năm sau. Như trong truyện của các cha truyền giáo kể lại, có người vào tòa xưng tội chỉ khóc lóc, còn tội thì chẳng phạm tội gì nặng cả. Cha hỏi tại sao con cứ khóc mỗi khi con đi xưng tội, thì ông trả lời: "Thưa cha, con bất hạnh đã đạp thánh giá Chúa, đã 40 năm nay con hối hận khóc lóc mỗi ngày. Sao con còn dám phạm tội nào khác nữa?"

Trong số 500 quân lính cũng còn 15 người nhất định không để cho lính kéo qua thập giá. Họ nhất quyết xưng mình là Kitô hữu. Lập tức họ bị đánh đập tra tấn. Quan truyền lấy gông nặng đeo vào cổ các ông và truyền lệnh giải các ông vào nhà lao. Trong nhà lao, chân tay các ông bị cùm, và bị bỏ đói, tuy nhiên các tín hữu vẫn có thể hối lộ để nuôi các ngài. Ngày hôm sau, quan tìm cách khác thay vì đánh đập, quan bắt bạn bè, vợ con của 15 ông này phải khuyên nhủ các ông bỏ đạo. Những lính đã bỏ đạo cũng được lệnh phải khuyên nhủ các ông. Nhưng các ông vẫn trung thành. Quan lại truyền quân lính đánh đập các ông. Quân lính lại lôi các ông qua thập giá, nếu ông nào nhấc chân lên không chịu đạp lên thánh giá thì bị quân lính dùng roi đánh vào chân các ông. Thậm chí chúng còn buộc thánh giá vào chân các ông để các ông bước đi, rồi hô lên các ông đã bỏ đạo. Các ông phản đối và quyết xưng mình là Kitô hữu. Quân lính tức giận lại đánh các ông rất đau đớn. Vừa bị đòn đánh, vừa bị thân nhân và bạn bè dùng đủ mọi lý do để khuyên nhủ các ông bỏ đạo, sau cùng không chịu được nữa, sáu ông đã xin bỏ đạo.

Bây giờ con số còn lại chỉ còn có chín ông. Can đảm nhất trong chín ông là ông Augustinô Huy. Chín ông bị điệu về ngục thất. Ðêm ấy ông Huy, dù đã xưng đạo ra hai lần vẫn cảm thấy mình tội lỗi cần phải gặp cha để đi xưng tội. Ông Huy là người Công Giáo nhưng ông có hai vợ. Ông đã cưới người vợ có đạo, rồi sau lại cưới một người ngoại đạo ở tỉnh. Ông tìm cách hối lộ để có thể về nhà giải quyết vấn đề gia đình và gặp cha để lo xưng tội. May mắn, ông gặp Cha Thiều cũng có tên là Cha Năng đang làm phúc tại họ Phú Ðường gần nhà ông. Ông đến xin Cha Thiều tha tội. Cha Thiều buộc ông phải làm tờ giấy bỏ vợ hai. Cha cũng an ủi ông và khuyên ông vững lòng chịu khổ vì đạo. Ông Huy vâng lời. Sau khi chịu các phép bí tích, sáng ngày hôm sau, ông lại trở lại nhà giam để chuẩn bị cho cuộc xưng đạo thứ ba.

Ngày ấy, chín người lính lại bị điệu ra trước tòa. Trong phiên tòa, quan Trịnh Quang Khanh lại hứa hẹn ban nhiều bổng lộc của nhà vua cho ai chối đạo, và sẽ phạt nặng nề những ai bất tuân. Trong số chín ông, bốn ông lại xin bỏ đạo. Chỉ còn năm ông nhất định không chịu quá khóa. Quan Trịnh Quang Khanh thấy vậy rất tức giận, truyền cho quân lính đánh các ông nát cả thịt ra. Quan còn truyền lấy búa đập vào các ngón tay cùng nhiều hình khổ khác đánh đập các ông làm các ông đau khổ mà không thể chết được. Ông không muốn giết các ông mà chỉ mong muốn các ông bỏ đạo.

Sau khi thất bại làm lay chuyển lòng dạ sắt đá của năm ông, quan bực mình vừa nguyền rủa vừa truyền tống giam các ông vào ngục như cũ.

Thất bại trong việc diệt trừ đạo Công Giáo, quan Trịnh Quang Khanh bị vua khiển trách và cất chức tổng đốc Nam Ðịnh. Ông bị giáng cấp xuống tuần phủ. Ngày 12 tháng 4 nhuận năm ấy, ông Lê Văn Ðức đang làm tổng đốc Sơn Tây, được cử làm tổng đốc Nam Ðịnh. Ông Lê Văn Ðức cũng theo lối của Trịnh Quang Khanh mà bắt các ông này phải bỏ đạo. Ông Huy và các bạn vẫn cương quyết trung thành với Chúa.

Ngày 25 tháng 6 năm 1838, tại tỉnh Nam Ðịnh quan truyền xử tử Ðức Cha Minh (Henares) và Thầy Phanxicô Chiểu. Quan thượng cũng truyền đem cả năm ông lính đi nữa, giả cách như phải xử một trật với hai đấng kia. Mục đích của quan là để các ông sợ chết mà bỏ đạo. Trái lại các ông vẫn không sợ mà lại vui mừng vì tưởng giờ tử đạo của mình đã đến. Các quan thấy các ông vui mừng lại càng ngạc nhiên, không hiểu tại sao các ông lại muốn được chết vì Chúa. Quan lại truyền điệu các ông về ngục như cũ. Các ông thấy mình không được chết vì đạo, thì lại buồn hết sức.

Sáng ngày hôm sau, 26 tháng 6 quan tổng trấn lại truyền năm ông phải hầu tòa, ông cố gắng hết sức nào áp dụng các hình cụ mà ông mới sáng chế ra, nào đe dọa, nào khuyên nhủ với nhiều hứa hẹn. Các ông vẫn không chịu bỏ đạo. Quan tổng trấn lại truyền đánh đập các ông sưng cả mặt mũi, máu chảy đầm đề. Dù bị đánh đập tàn nhẫn không còn hình tượng người ta nữa, khi hỏi có còn xưng mình là Kitô hữu nữa không, các ông vẫn khẳng khái tuyên xưng các ông vẫn là kẻ có đạo. Thấy mình thất bại, quan tổng trấn càng giận dữ, ông chửi bới thậm tệ, và truyền cho lý hình đánh các ngài cho tới khi nào các ông chịu bỏ đạo thì thôi. Quan tổng trấn mới hành hạ các ông này hơn tuần lễ, nhưng vẫn vô ích.

Ngày kia ông truyền cho lý hình, buộc gông rất nặng vào cổ các ông rồi kéo các ông qua thập giá. Các ông nhất định giơ chân lên chứ không chịu đạp vào thập giá, thì quan lại truyền cho lính đánh đập vào chân các ông đến nỗi các ông không còn sức để mà giữ chân co lên cao được nữa, tức thì chân phải hạ thấp xuống và đạp lên tượng thì quân lính reo hô thật to: "Ðã quá khóa rồi."

Quan án lúc đó truyền không hành khổ các ông nữa, và hỏi các ông: "Sau cùng, các ngươi đã tuân lệnh nhà vua chưa?"

Vừa bị đánh đập đau đớn, vừa sợ hãi, hai ông Siêu và Dụ nói: "Quan lớn dậy thế nào thì chúng tôi xin vâng."

Lậy tức hai ông được quan lớn tha và hứa hẹn đủ điều. Quan lại hỏi ông Huy, ông Thể và ông Ðạt thì cả ba ông đều thưa: "Quan lớn dậy việc gì khác chúng tôi xin vâng, còn bỏ đạo thì chúng tôi không bỏ."

Quan lại truyền giam ba ông vào ngục thất và đeo xiềng và đóng gông nặng hơn nữa.

Thấy hai bạn đã bỏ đạo, ông Huy, ông Thể và ông Ðạt càng ăn chay đánh tội nhiều hơn nữa để xin ơn bền vững. Hai ngày sau khi hai ông lính bỏ đạo, quan thượng nghĩ rằng ông cũng có thể làm cho ba ông này bỏ đạo như hai ông kia. Ông liền truyền dẫn ba ông vào dinh của ông rồi truyền cho ba ông phải bỏ đạo. Ba ông không chịu. Quan thượng lúc đó cũng muốn biết các ông theo đạo và sống đạo thế nào. Quan truyền cho ba ông đọc kinh trước mặt quan. Quan đưa sách cho các ông và truyền cho các ông đọc. Bấy giờ ông Huy, cầm lấy sách đạo mà quan trao cho, đọc theo như cung cách quen đọc trong nhà thờ. Các quan cùng mọi người trong dinh, nín lặng để nghe các ông đọc kinh. Nhân dịp này ông Huy lợi dụng để giảng giải về lẽ đạo cho quan. Quan lắng nghe, nhưng khi giảng tới đoạn không vừa ý quan. Quan liền truyền quân lính vả vào miệng ông. Sau đó quan thượng lại truyền ba ông phải bỏ đạo. Ba ông cương quyết từ chối. Quan thượng lại truyền quân lính khiêng các ông qua tượng thánh giá như những lần trước. Lần này quan truyền đánh dữ tợn hơn lần trước, đánh đến nỗi chân các ông đầy máu me. Khi chân các ông chạm vào thánh giá, thì quân lính lại hô lên: "Quá khóa rồi, quá khóa rồi."

Lúc đó ông Huy, đại diện hai ông kia kêu lên: "Quan lớn dậy đánh đòn cùng kéo ép chúng tôi, có lẽ nào mà nói chúng tôi đã quá khóa được ru?"

Tức thì quan thượng truyền nọc ba ông này ra đánh đòn. Ông bị đánh 20 roi, ông bị đánh 30 roi. Riêng ông Huy thì bị đánh 40 roi ngay hôm đầu. Có chứng nhân nói rằng trong ba ngày liên tiếp mỗi ông bị đánh chừng 130 trượng. Khi hỏi các người khác rằng các đấng bị đánh nhiều trượng như thế thật không? Ai ai cũng đồng ý như vậy.

Dịp khác các quan lấy nhiều lý lẽ mà khuyên ba ông bỏ đạo. Ông Huy lại đại diện anh em thưa rằng: "Bẩm quan lớn, quan lớn dậy chúng tôi bỏ đạo Thiên Chúa, thì chúng tôi sẽ theo đạo nào, vì trong các đạo khác chẳng có đạo nào là đạo thật."

Quan thượng nghe thế liền nói: "Nếu ngươi bảo đạo chúng bay là đạo thật, sao vua nghiêm cấm đạo ấy?"

Sau đó quan còn nói nhiều điều phạm thượng tới đạo Công Giáo. Ông Huy lại có dịp cắt nghĩa lẽ đạo cho các quan, cùng bẻ các lý lẽ mà quan đã nói. Thất bại về tranh biện với các đấng này, quan thượng lại truyền đánh đập và phạt các ông.

Vào những buổi trưa hè nóng bức, các ông bị cạo trọc đầu, cổ mang gông, chân tay xiềng xích, phơi nắng trước cổng dinh. Giữa lúc nắng hè, các ông đau khổ phần vì nóng bức, phần vì ruồi nhặng bậu vào để hút những vết máu mà tay chân các ông bị xiềng xích không thể đuổi đi được. Giữa lúc đó các bạn hữu, các bạn đồng đội theo lệnh quan thượng phải tới khuyên nhủ các ông bỏ đạo. Hơn nữa, quan lại còn thưởng cho những tín hữu bỏ đạo, hay thăng cấp. Ðiều này cũng làm cho các ngài dễ dàng bị lung lạc. Có lần vợ ông Ðạt đến khóc lóc và dùng đủ mọi cách để chồng dẵm lên thánh giá. Ông Ðạt đã đủ can đảm trách mắng vợ và cấm bà lần sau không được đến gặp ông nữa. Các ông vẫn bị phơi nắng từ ngày này sang ngày khác. Lần kia có một người tín hữu thấy ông Huy bị phơi nắng khổ sở như vậy, liền lấy quạt che cho ông. Khi ông Huy thấy cử chỉ của bà như vậy, ông cám ơn bà và nói với bà: "Chúa để chúng tôi chịu sự khốn khó để đền tội chúng tôi. Tôi xin bà đừng che nắng cho tôi."

Trong ngục tù, các đấng này còn ăn chay hãm mình bốn lần một tuần: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy. Dù đồ ăn trong ngục đã ít oi, mà các đấng còn hy sinh để giúp cho những tù nhân khác. Các ông cầu nguyện không ngừng và còn xin các bổn đạo khi đến thăm các ngài: "Xin các ông các bà cầu cho chúng tôi để chúng tôi bền vững, vì chúng tôi biết chúng tôi rất yếu đuối."

Quan thượng là người thông minh, học rộng thế mà lại tranh luận thua những người học thức tầm thường này. Ðức Cha Marti nói: "Về vấn đề này, tôi rất tiếc không đủ tài liệu chi tiết về những lý luận ngu xuẩn và phi lý của quan trên về đạo giáo đối với ba quân binh này. Tôi biết họ hỏi rất nhiều câu hỏi đặc biệt về bí tích giải tội và hôn phối. Ông Huy đã trả lời rất đúng và khúc chiết và dễ dàng đập tan những ý xảo quyệt của những người vô đạo và thờ ngẫu tượng này. Ông thường nói về mục đích của Chúa ban phép bí tích, sự thánh thiện của bí tích, sự thánh thiện của nghi thức đi kèm với bí tích. Về bí tích giải tội, ông nói nếu giải ban đêm là vì trong thời cấm đạo. Còn bình thường các cha giải tội ban ngày."

Ðức Cha Marti còn kể tiếp ít nhất là một lần, quan thấy ông Huy đối đáp khôn khéo, quan truyền đuổi ông ra ngoài, kẻo ông nghe được những người quanh quan thượng khen ngợi hoặc ông lại ảnh hưởng trên các người chung quanh quan.

Một ngày kia, quan lại hạch hỏi và tranh luận với ông Huy về quá khứ đời tư của ông, để làm ông chán nản: "Giả dụ như có ai từ trước tới nay sống đời đạo đức mà muốn chết vì đạo còn hiểu được, chứ như ngươi trong quá khứ đã sống như người ngoại, có hai vợ, ngươi sống dường như không phải là bổn đạo. Mà bây giờ ngươi cứ giữ luật Kitô hữu, thì quả là điên khùng, không thể chấp nhận được."

Về vấn đề này, ông Huy đã trả lời quan với hết lòng khiêm nhường rằng cho tới nay ông đã sống đời sống Kitô hữu như gương mù, theo tính xác thịt, theo sự yếu đuối của ông. Nhưng Chúa nhân lành vô cùng đã thương ông, cho ông biết thống hối, và bỏ vợ hai. Ông đã bỏ mọi sự ngay cả mạng sống nữa chứ không bỏ đạo Kitô giáo.

Không lay chuyển ông được, quan thượng lại dùng bạo lực. Ðức Cha Marti kể lại rằng quan thượng còn dùng nhiều hình khổ đặc biệt để lay chuyển ý chí sắt đá của ông Huy. Quan bắt lính kéo ông qua thánh giá, và dùng roi đánh chân ông bắt chân ông chạm vào thập giá. Khi chân ông đụng vào thập giá chúng lại reo lên: "Nó đã quá khóa rồi, nó đã quá khóa rồi."

Ông Huy lại đáp lời: "Các ngươi dùng võ lực lôi thân xác ta, các ngươi cố dùng sức lực lôi chân ta, nhưng các ông có dùng sức mạnh để lung lay ý chí ta được không? Bao lâu ta không chịu, thì dù có đánh đập các người cũng không đạt được mục đích đâu!"

Trong hồ sơ phong thánh của ông và hai vị có đoạn nói lên rằng lòng tin và lý luận của các ông phần nào làm cho quan tổng trấn Lê Văn Ðức phải cảm động. Quan nói: "Các ngươi làm cho ta thấy tội nghiệp các ngươi quá. Ta không muốn hành hạ các ngươi hơn nữa. Dù ta có hành hạ các ngươi thế nào các ngươi cũng không bỏ đạo và bước qua thập giá. Tôn giáo các ngươi là tôn giáo gì vậy? Hãy nói đi ta muốn nghe các ngươi nói."

Ông Huy đã cắt nghĩa cho quan mười điều răn Ðức Chúa Trời và bảy phép bí tích. Quan lớn cảm động và ngạc nhiên về đạo lý của đạo Công Giáo, cảm động quá, ông liền ca ngợi đạo Công Giáo, ông còn xin lỗi các đấng và nói: "Tôi không biết tôi có còn ở đây lâu nữa không. Nếu tôi trở về triều đình, mà các ông phải chịu chết vì đạo các ông, xin hãy nhớ tới tôi và xin làm ơn đừng báo thù tôi."

Ðến tháng chín, có tin đồn ông Huy và hai bạn bị xử tử. Các ông rất vui mừng. Các ông nhắn tin cho vợ con lên tỉnh để vợ chồng, cha con được giã từ nhau lần cuối. Lúc đó có Cha Năm, ông trùm Ðích, và ông lý Mỹ cũng bị giam gần đấỵ Các bà cũng vào thăm các ngài. Cha Năm bảo các bà rằng: "Hôm nay không biết ba ông binh sống chết thế nào, song chắc các ông còn phải chịu nhiều sự khốn khó nữa. Cụ gần đến ngày chịu chết rồi, dù cụ là thày cả mặc lòng cũng nghĩ rằng mình khó mà có thể chịu đựng vì Chúa như ba ông binh."

Cùng ngày hôm ấy, ba ông lại bị điệu vào hầu quan, ba ông lại bị một trận đòn nên thân, đến nỗi trong mình chẳng có chỗ nào lành. Tuy nhiên các ông vẫn không chịu quá khóa. Quan lại đành giam các ông vào ngục thất. Khi trở lại ngục thất, Cha Năm hỏi các ông: "Sao, hôm nay chúng con được trận hay thua?"

Cả ba ông đều trả lời cha: "Chúng con chẳng chịu quá khóa lúc nào, mà chỉ trông được chịu chết vì đạo, vì quan lớn đã dậy làm án xử cho chúng con rồi."

Quả thật các quan lúc đó đã làm án xử tử ba ông, và đệ tấu nhà vua. Vua Minh Mệnh, đọc tấu sớ của các quan, nhưng ông chẳng muốn giết các ông này. Nhà vua liền ra chiếu chỉ truyền cho các quan phải tìm hết cách để khuyên dụ các ông binh bỏ đạo: "Ta lấy sự sống người ta làm trọng lắm, khi đã cắt đầu chẳng còn phép nối lại được nữa, ta truyền cho các quan phải dùng mọi cách, làm sao cho ba tên lính bỏ đạo Gia Tô, nhất là truyền đem ra ngoài cửa thành cho dân chúng xỉ vả. Nếu khi sự ấy chẳng đủ, thì đem ra ngoài mà giả cách chặt ngang lưng cho sợ hãi."

Các quan vâng theo chiếu chỉ của vua, đóng gông đem ông Huy và ông Thể ra cửa Ðông, ông Ðạt ra cửa Nam. Ông Huy và ba ông đều không sờn lòng.

Tháng 10 năm 1838 quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh phục chức tổng trấn Nam Ðịnh thay thế Lê Văn Ðức. Quan tổng trấn thấy ba ông vẫn cứ vững lòng trung kiên thì cũng lại đệ án xin nhà vua xử tử các ông. Tuy nhiên vua Minh Mệnh không cho giết, trái lại còn truyền cho ông Trịnh Quang Khanh phải tìm đủ mọi cách khuyên dụ. Chẳng những thế, vua còn quở trách ông Trịnh Quang Khanh: "Mày không bảo được ba thằng lính phàm hèn, mà cai quản cả tỉnh thế nào được."

Ba ông bị điệu ra ngoài thành cho xỉ vả liên tiếp 21 ngày, rồi lại bị giam vào ngục vừa bị hành hạ vừa bị dụ dỗ. Quan lại truyền cho những người đã bỏ đạo trước phải vào để dụ dỗ ba ông. Nhưng các ông không nghe còn dùng nhiều lý lẽ để làm cho họ phải xấu hổ và ăn năn. Quan Trịnh Quang Khanh thấy đã hết kế, sau cùng ông dùng một âm mưu rất độc. Quan bắt anh em họ hàng của ba ông, cùng lý dịch ba xã Hạ Linh, Phú Nhai, Kiên Trung. Khi các người tới trước mặt quan thượng, ông truyền cho họ phải làm sao cho ba ông quá khóa, nếu không làm nổi thì tất cả đều phải chịu chết với cả ba ông. Anh em họ hàng cùng huynh thứ trong xã rất sợ hãi, nên cố sức để dụ dỗ ba ông. Khỏi mấy ngày quan thượng đòi cả ba ông vào để xem các ông đã sẵn lòng bỏ đạo chưa. Nhưng ba ông cứ một mực vững lòng. Tức thì quan truyền cho thân nhân, huynh thứ trong ba xã, và các lính đồng đội phải vào để khuyên nhủ ba ông. Nhưng dù các người này cám dỗ thế nào các ông vẫn một lòng trung kiên. Quan Trịnh Quang Khanh tức giận lắm, ông chửi các lý dịch cùng huynh thứ trong xã: "Tại chúng mày, mà ba thằng này bất trị, vì chẳng dậy bảo chúng nó vâng chịu luật phép nhà nước cho sớm, nên chúng mày phải chịu tội với chúng nó."

Nghe quan thượng nói vậy, huynh thứ và lý dịch rất sợ hãi, xin khất quan một tháng để khuyên bảo các ông này. Các ông cũng không quên xin quan thượng đừng giam các ông này chung với nhau, xin giam mỗi người một nơi để dễ dàng khuyên bảo. Quan thượng ưng cho khất một tháng, và giam ba ông riêng biệt.

Hết hạn một tháng, quan nghĩ chắc ba ông đã mềm lòng có thể chịu bỏ đạo, quan liền truyền điệu các ông đến. Song các ông vẫn không chịu quá khóa. Bấy giờ quan truyền nọc đánh một người huynh thứ xã Kiên Trung. Ông Thể thấy người huynh thứ bản xã bị nọc đánh đòn thì thương hại, ông thưa với quan rằng: "Lạy quan lớn, xin quan lớn tha cho, quan lớn dậy thế nào con xin vâng."

Quan bảo ông quá khóa, ông đành vâng theo. Lúc đó các quan thấy một tên lính đã thua trận thì vỗ tay reo mừng, liền tháo gông bẻ xiềng cho ông Thể. Sau đó mọi người lại xúi giục ông Huy và ông Ðạt bắt chước ông Thể mà chịu quá khóa. Một quan nói với ông Ðạt: "Mày cứ bắt chước tên Thể mà bước qua thập tự, khi trước cả ba tên đều hợp lực bất kháng, bây giờ tên Thể đã vâng lời vua, sao mày còn cứng cổ."

Bấy giờ ông Ðạt cũng chiều lòng các quan mà bước qua thập tự.

Phần ông Huy, dù hai bạn đã quá khóa, ông vẫn không sờn lòng. Các quan vẫn không thất vọng cố tìm cách dụ dỗ ông Huy bỏ đạo. Ðêm đó, quan cho người vào phòng ông Huy dụ dỗ ông rằng: "Chú phải vâng lời vua như hai ông kia, thì chẳng ai cười chê chú được. Vì chú đã chịu khó vững vàng hết sức rồi. Vua chẳng muốn giết chú, mà cũng chẳng muốn tha chú nếu chú không quá khóa, nếu chú bước qua một lần mà thôi thì khỏi mọi sự rầy rà này."

Sau cùng, ông Huy cũng chối đạo như hai ông bạn kia. Sau đó, quan phát cho mỗi ông 10 quan tiền rồi thả các ông về nhà.

Dòng dã tám tháng trời các ông chịu cực hình và khuyên dụ bỏ đạo mà các ông vẫn trung kiên, nên ai cũng cảm phục. Bây giờ nghe tin các ông chối đạo, rất nhiều người không tin. Có người cho rằng các ông bị bùa ngải làm mê loạn nên các ông mới chối đạo. Câu chuyện này vẫn còn trong vòng nghi ngờ, nhiều người vẫn không tin các ông đã chối đạo, nhất là sau này các ông lại xưng đạo và chịu chết vì đạo. Có những người biết chuyện thì cố tình tạo nhiều ý khác nhau để che đậy sự nhút nhát của ba ông hồi ấy. Trong các thư báo cáo về Manila, và Âu Châu thì quả quyết các ông tự ý chối đạo chứ không có ai ép uổng các ông. Chính ba ông binh cũng tự thú chuyện các ông chối đạo là sự thật. Ðức Cha Marti, đã điều tra rất nhiều người và kết luận chuyện các ông bị bùa ngải là vô căn cớ.

Từ khi ba ông bỏ đạo, thì lương tâm các ông cắn rứt vì đã chối đạo và gương xấu mình đã làm. Ba ông đã bàn bạc với nhau cũng như hỏi người khác xem phải làm thế nào để trở lại cùng Chúa. Mấy ngày sau, ông Huy cũng như hai ông binh kia đi xưng tội. Bởi ơn Chúa thúc đẩy, cả ba ông đều muốn lên tỉnh để xưng đạo. Lên tỉnh Nam Ðịnh, cả ba ông vào dinh quan thượng. Ba ông lạy quan thượng, rồi ông Huy đại diện anh em để thưa với quan: "Bẩm quan lớn, đạo Thiên Chúa là đạo thật, Chúa chúng con thờ là đấng cao cả phép tắc vô cùng, bởi chúng con đã quá dại mà chịu quá khóa, mất nghĩa cùng Chúa chúng con, nay chúng con xin giả tiền lại cho vua và quan lớn, cùng xin giữ đạo Thiên Chúa cho thật lòng."

Trịnh Quang Khanh nghe những lời ấy thì tức giận chửi rủa các ông thậm tệ, sau đó truyền giam các ông trong ngục rồi truyền cho lính hàng đội phải dụ dỗ ba ông như trước, tuy nhiên ba ông vẫn một lòng trung kiên. Quan Trịnh Quang Khanh không biết phải làm thế nào, vì trước đây ông đã tâu về triều đình rằng ba ông đã quá khóa, bây giờ nếu xử án ba ông thì không biết ăn nói sao với triều đình. Quan liền truyền cho lý dịch ba xã đến để nhận tiền thay vì các ông, rồi đuổi ba ông về làng không cho đến làm phiền các quan nữa. Các ông buồn rầu ra về, tuy nhiên lòng các ông vẫn không yên trí. Các ông chẳng ao ước sự gì thế gian mà chỉ ao ước được chết vì đạo Chúa. Các ông càng gia tăng việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc phúc đức để mong được chết vì đạo.

Quyết định của quan tổng trấn không làm cho các ông hài lòng, các ông lại bàn với nhau: "Nếu quan thượng không cho chúng ta chết vì đạo, thì chúng ta sẽ vào kinh tâu xin nhà vua cho chúng ta chết vì đạo, để sửa lại gương mù gương xấu chúng ta đã làm."

Ông Huy lại bảo các bạn: "Nếu các ông không đi thì tôi đi một mình."

Lúc đó ông Thể cũng nói thêm vào: "Nếu ông đi, tôi cũng đi với ông."

Ðể đi tới quyết định trên các ông đã bàn hỏi với Cha Tuyên. Cha Tuyên hỏi cặn kẽ lý do các ông bỏ đạo, các ông đáp: "Quả thực trong lòng chúng con bỏ đạo chỉ vì thương cha mẹ, anh em, và huynh thứ trong làng. Chúng con tin rằng nếu chúng con không bước qua thập giá, thì quan thượng cũng bắt tất cả phải bước qua thập giá. Nếu họ vì sợ mà ưng thuận, chúng con lại không phải chịu trách nhiệm về tội của họ sao? Chúng con đã sai lầm, và chúng con đã bước qua thập giá. Sau khi quá khóa, chúng con cảm thấy hối hận nên đã xưng đạo lại trước mặt quan tổng trấn. Nhưng chỉ có quan tỉnh biết, còn triều đình và nhà vua thì không hay biết gì cả. Chính vì thế chúng con muốn đến gặp nhà vua, và xưng đạo công khai trước mặt người. Như thế mọi người sẽ biết chúng con bước qua thập giá vì sự yếu đuối của chúng con, chứ không phải vì chúng con muốn nghe lời nhà vua mà chối bỏ đạo."

Sau đó Cha Tuyên viết thư hỏi ý kiến Ðức Cha Marti nói rõ lý do các ông đã bỏ đạo và ý các ông muốn xưng đạo lại tại kinh đô. Trong thư, Cha Tuyên cũng kể cho Ðức Cha Marti biết trong thời gian các ông đang cư ngụ tại nhà người, người cũng được thư của Cha Jimeno (sau này làm giám mục), trong đó có đoạn nói: "Thày vui mừng lắm vì ba ông binh lính đã xưng đạo tại tỉnh, lại nghe cả ba ông toan vào đền vua để xưng đạo cách rõ rệt hơn nữa. Ðược như vậy, thày rất vui mừng, và tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ giúp cùng ban sức cho họ được thắng trận, xứng đáng lãnh phần thưởng vô cùng mà Ðức Chúa Trời đã dành cho những kẻ chịu khổ vì đạo."

Cha Tuyên đọc thư này cho cả ba ông nghe và họ nhất định vào đền vua. Ông Huy còn xin sao bản thư đức cha để sau này xem lại. Sau đó ba ông bàn với nhau phải vào kinh như thế nào.

Vấn đề vào kinh cùng một lúc thật là khó, vì chẳng có bao giờ cả ba ông được nghỉ phép. Lúc đó ông Ðạt nói: "Tháng sau, hai ông được nghỉ ở nhà, mà tôi phải ứng vụ tại tỉnh, hai ông cứ đi, tôi ở lại, nhưng anh em thế nào thì tôi thế ấy. Xin anh em cho tên tôi vào đơn, nếu anh em chịu sự khổ nào trong kinh thì tôi cũng mong được chịu khổ như vậy ngoài này."

Cha Tuyên thấy ba ông nhất định đi chịu chết vì đạo thì người khuyên bảo các ông đủ điều và dậy các ông cậy trông ơn Chúa, ăn ở khiêm nhường. Sau khi nghe cha già Tuyên khuyên bảo, ông Huy và ông Thể về nhà từ giã vợ con anh em thân thuộc lần cuối cùng và xin mọi người cầu nguyện cho mình. Hai ông cũng đi xưng tội chịu lễ để dọn mình còn ông Ðạt lên tỉnh thi hành công vụ.

Ðầu tháng 3 năm 1839, tức năm Minh Mệnh thứ 20, hai ông vào kinh. Con cả ông Huy cũng theo cha vào kinh để xem công việc thế nào. Hết 20 ngày mới vào tới kinh đô Huế. Các ông trọ tại nhà một người bổn đạo tên là bà Tam. Ở đây hơn một tháng, hai ông ăn chay cầu nguyện, dọn mình để vào kinh xin chịu tử vì đạo. Các ông đệ đơn và kêu tòa tam pháp. Quan tòa nhận đơn rồi chẳng tra hỏi gì hết. Chờ đợi ít lâu, mà chẳng ai hỏi gì tới việc xưng đạo của hai ông, hai ông lại viết đơn khác gửi tới quan tòa: "Chúng tôi quá khóa tại tỉnh Nam Ðịnh, vì quan Trịnh Quang Khanh ép chúng tôi quá, chẳng phải vì lòng thật muốn bỏ đạo."

Lần đó các quan tòa cũng chẳng xét xử đơn xin của các ông. Ðợi đến một ngày kia, khi vua Minh Mệnh ra ngoài chơi, hai ông sấp mình xuống bên lề đường, mà đệ đơn trên đầu. Một quan lớn cầm đơn đó xem, rồi trình vua. Khi vua Minh Mệnh biết việc liền truyền giam các ông vào ngục, rồi truyền các quan thuộc hình bộ, lễ bộ, và binh bộ hợp lực tra xét và làm mọi cách cho hai ông bỏ đạo. Tuy nhiên dù làm thế nào hai ông vẫn trung kiên. Lúc đó quan Lê Văn Ðức, trước kia là tổng đốc Nam Ðịnh, đã biết các ông gan dạ thế nào nên nói với các ông rằng: "Ðánh đòn chúng bay chỉ mỏi tay mà thôi."

Các quan tòa thấy hai ông can đảm như vậy thì hỏi về ông Ðạt, vì trong đơn có nói tới ông ấy. Hai ông liền thưa với quan: "Anh Ðạt cũng chẳng chịu quá khóa, mà vì mắc trở việc tại tỉnh Nam Ðịnh, nên chẳng đi với chúng tôi được, song anh ấy cũng hợp một ý với chúng tôi. Anh ấy còn dặn rằng, anh em thế nào thì tôi thế ấy."

Các quan trình tâu nhà vua mọi việc, nhà vua lấy làm ngạc nhiên lắm, tuy nhiên vua vẫn hy vọng có thể thay lòng đổi dạ các ông, nên vua lại truyền ba quan lớn hợp lực làm thế nào cho hai ông quá khóa. Nhưng cũng vô ích.

Nhà vua còn truyền các quan đem ra 10 nén vàng, một tượng thánh giá, và một thanh gươm rồi nói: "Mặc ý các ngươi chọn. Nếu bước qua thập giá thì sẽ được thưởng 10 nén vàng, còn nếu không sẽ bị thanh gươm chặt ngang lưng làm hai rồi bỏ xác xuống biển."

Tức thì hai ông xin chịu chết.

Các quan lại trình tâu vua tất cả sự kiện, vua Minh Mệnh rất tức giận, truyền đem hai tờ giấy cho các ông ký tên vào. Một tờ thì chứa đầy những lời xỉ vả mạ báng Chúa và đạo Gia Tô, còn tờ kia là án các ông phải chết như thế nào. Hai ông không chịu ký vào bản thứ nhất, trái lại chấp nhận bị trảm quyết. Lúc đó quan đọc án của nhà vua như sau: "Minh Mệnh nhị thập niên, tháng 5 ngày mồng một, nội các thần Lê Khanh Trình, thần Lâm Ruy Nghĩa vâng lời vua truyền từ tờ các quan tòa tam pháp, thì hai tên lính tỉnh Nam Ðịnh, tên là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể cùng khai rằng chúng vốn theo đạo Gia Tô chẳng bỏ, mà năm ngoái có bước qua thập tự tại bản tỉnh, bởi quan tổng đốc tỉnh ấy bức hiếp chứ trong lòng chẳng bao giờ có ý bỏ đạo, nên bây giờ xin cứ giữ đạo như khi trước. Quan tòa tam pháp đã khuyên bảo hai ba lần, song hai tên phạm này cứ một mực chỉ xin chịu chết, cùng quyết chẳng chừa cải, thật là hai tên dại dột mê hoặc. Khi trước ta đã làm án chết cho chúng nó, song ta còn thương hại chẳng muốn giết, chẳng ngờ là lũ phạm ấy đã ra mê cuồng chẳng còn biết lẽ phải, ta đã mở lối cho chúng nó ăn năn, nếu còn có trí khôn thì phải biết mình đã sai lầm mà cải ác hoàn lương, song hai tên phạm này cố chấp theo Gia Tô tà đạo, dám bỏ việc lính mà vào kinh khống đơn, chúng nó thật kiêu ngạo, đáng khinh dể, đáng ghét, không thể để cho sống được nữa. Nên hai tên phạm là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể, phải kết án tử, giao cho lính đem ra cửa biển, lấy rìu lớn chặt ngang lưng, rồi bỏ xác xuống biển để cho ai nấy biết rõ điều răn cấm. Còn một tên phạm nữa là Ðịnh Ðạt cũng can án này. Nó có bỏ đạo thật hay không thì phải tra xét kỹ càng và tâu cho minh bạch."

Ngày 2 tháng 5 năm 1839 ta, cũng là 12 tháng 6 năm 1839 dương lịch, ông Huy và ông Thể bị điệu ra cửa bể là cửa Thuận để chịu chết. Trên đường đi đến pháp trường hai ông vui vẻ chào hỏi mọi người khiến dân chúng rất ngạc nhiên. Ðến cửa biển, quan bắt hai ông xuống thuyền rồi chèo ra khỏi đất liền. Lúc này quan còn khuyên hai ông quá khóa vì vẫn còn kịp, nhưng hai ông nhất định không bỏ đạo.Quan tryền tháo gông, rồi trói hai ông vào cột chèo.Hai ông đọc kinh phó linh hồn. Lý hình giơ gươm lên, chặt ngang lưng hai ông như đã ghi trong án. Sau đó chúng chặt đầu rồi bổ làm tư và liệng xác hai ông xuống biển.

Ðược tin hai ông Thể và Huy bị xử tử, ông Ðạt ở nhà thu xếp công việc của nhà. Ông đọc kinh nguyện ngắm để dọn mình chết. Mấy ngày sau, lính hàng đội từ tỉnh xuống báo với ông Ðạt rằng: "Quan lãnh binh và tỉnh sai tôi xuống báo cho anh biết đã có chỉ bộ ra truyền bắt và xử tử anh."

Khi ông Ðạt nghe tin ấy thì vui mừng lắm. Lúc đó vào quãng cuối tháng 6 năm 1839. Ông Ðạt liền đi báo cho anh em và từ giã mọi người. Ông cũng xin mọi người cầu nguyện cho ông. Lúc đó, vợ ông muốn khuyên chồng bỏ ý định chết vì đạo. Bà khóc lóc than vãn, rồi dẫn con gái đến xin ông: "Ông bỏ tôi cùng con bé này sao?"

Ông Ðạt rất cảm động, nhưng ông nói với bà nếu ông quý bà và con gái hơn Chúa thì chẳng xứng đáng với Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa sẽ lo liệu cho bà và con gái. Sau cùng ông bảo vợ: "Một chốc nữa bà đem con bé sang nhà Nhiêu Quang cho tôi gặp nó một chút nữa."

Rồi ông đi chịu lễ lần sau hết. Khi chịu lễ cùng cám ơn, ông yên ủi vợ con, cùng giã từ anh em, rồi theo lính ra đình làng. Tại đình làng, quan viên làng và nhiều người dân đã tụ họp đông đủ sẵn sàng để từ giã ông. Ông lạy quan viên, xin các ông ấy cầu nguyện cho mình. Lúc bấy giờ cũng có người nói rằng: "Anh Ðạt bỏ vợ con, bỏ quê quán."

Ông thưa lại rằng: "Vợ con và quê nhà tôi để mặc thánh ý Ðức Chúa Trời, tôi xin làng thương tôi cùng vợ con tôi."

Trên đường đi về tỉnh, ông Ðạt chỉ đọc kinh lần hạt chuẩn bị chịu chết. Phần bà vợ ông, vẫn theo ông tới Nam Ðịnh, vừa đi vừa khóc. Ông đuổi bà về và nói với bà: "Nếu bà đến đây mà cứ khóc thì đừng đến thăm tôi nữa."

Tại tỉnh, quan lớn bảo ông Ðạt rằng: "Thằng Huy, thằng Thể đã phải bổ làm tư, rồi bỏ xuống bể cho tôm cá ăn, mày có quá khóa không?"

Ông Ðạt đáp lại: "Hai anh con đã được phúc trọng, xin quan lớn bổ con làm tám. Còn sự quá khóa thì con không chịu."

Quan thượng nghe xong liền truyền đóng gông, rồi giam ông trong ngục. Ðến ngày 18 tháng 7 năm 1839, có lệnh vua truyền xử giảo ông Ðạt. Quan lại khuyên nhủ lần nữa nhưng ông không chịu. Thế là quan truyền viết thẻ: "Tên Ðinh Ðạt thuộc Xuân Tràng phủ, Giao Thủy huyện, Phú Nhai xã, là tên phạm, cố chấp theo Gia Tô tả đạo, nay cũng chẳng chịu bỏ đạo ấy, bất tuân quốc pháp, lập tức đem đi xử giảo."

Viết thẻ xong quan truyền giao ông Ðạt cho quan giám sát đem đi xử giảo. Trên đường đi ông chỉ đọc kinh cầu nguyện. Khi đến nơi xử, đã sẵn có cái chiếu cạp ở đấy, ông Ðạt quỳ trên chiếu vẫn cứ tiếp tục đọc kinh mãi. Một lúc, quan truyền tháo gông, bắt ông nằm xuống chiếu, rồi quân lính buộc dây vào cổ ông. Khi đã sẵn sàng, quan giám sát ra hiệu lệnh. Lý hình kéo dây cho đến khi ông tắt thở.

Làng Phú Nhai lấy xác ông và táng trọng thể tại nhà anh cả ông Ðạt. Sau hài cốt của ngài được táng tại nhà thờ Phú Nhai.

Augustinô Phan Viết Huy cùng Nicôla Bùi Ðức Thể và Ðaminh Ðinh Ðạt được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong Chân Phước ngày 27-5-1900. Ðến ngày 19-6-1988 các Ngài được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn vinh lên bậc Hiển Thánh.

Trường thi tử đạo

Thánh Ðinh Ðạt sinh năm Quý Hợi (1803)
Tại Phú Nhai (Nam Ðinh) quân đội nhà vua
Kiên gan chẳng phải tay vừa
Hơn năm trăm lính gạn lừa còn ba

Là trai tráng quốc gia phục vụ
Tự nguyện vào đội ngũ quân nhân
Mười hai năm chốn hải tần
Ðóng quân trấn giữ mười phân vẹn mười

Ðinh Ðạt vốn là người ngoan đạo
Ðược gia đình đào tạo còn thơ
Sáng chiều kinh nguyện phụng thờ
Tôn sùng thánh giá đón chờ đời sau

Trong quân ngũ rũ nhau kinh kệ
Chúa Nhật cùng xem lễ cho đông
Ðất bằng bỗng nổi cơn dông
Ban lệnh bỏ đạo nếu không, ở tù

Thánh Ðinh Ðạt mùa thu năm ấy
Chúa soi đường giữ lấy đức tin
Quyết tâm theo Chúa hướng nhìn
Dù bao tra tấn bạc nghìn cũng không

Quan Tổng trấn cố công dụ dỗ
Phần ông thì cứng cổ không nghe
Hết vàng bạc đến răn đe
Nhờ ơn Ðức Mẹ chở che hộ phù

Quan bày kế công phu ngoan cố
Bắt người thân một số vào khuyên
Sao cho bỏ đạo mới yên
Bằng không sẽ chịu oan khiên khó lường

Ông Ðinh Ðạt thấy thương tình quá
Chỉ vì ta tội vạ đến người
Nói rằng thôi thế thì thôi
Cũng liều nghe họ bạc thời lãnh ngay

Chúa thương ông mấy ngày sau đó
Tự hổ ngươi nhăn nhó xót xa
Chúa nhân từ sinh ra ta
Mà ta bỏ Chúa thực là hổ ngươi

Trên thập giá ơn Người cứu độ
Vì muốn ta giác ngộ trầm luân
Giờ đây ta quyết liều thân
Làm đơn chịu chết bạc khuân trả ngài

Vợ ông cũng rỉ tai đừng chết
Ông nói rằng rất tiếc bà ơi
Tôi phải vâng lệnh Chúa Trời
Có làm chi cái cuộc đời chóng qua

Phúc tử đạo xảy ra Kỷ Hợi (1839)
Là niềm người mong đợi từ lâu
Cộng đồng dân Chúa nguyện cầu
Canh Tý (1900) phong thánh, ngài chầu Thiên nhan.

Ðaminh Ðạt sinh năm Quý Hợi (1803)
Năm Ất Mão (1795) rửa tội Viết Huy
Còn Bùi Ðức Thể ấy thì
Sinh năm Nhâm Tý (1792) khoái đi lính mà

Từ Lạc Thuỷ trẩy ra Nam Ðịnh
Ba trai làng nhất định tòng quân
Cũng người Công giáo chuyên cần
Khi vào quân ngũ ở gần bên nhau

Ông Tổng Ðốc nghe đâu bị triệu
Về kinh đô báo hiệu Quang Khanh
Tội ông tiêu cực thi hành
Lệnh Vua khiển trách đích danh hạ thần

Ðể chuộc tội ông cần thanh lọc
Trước hàng quân, ông đọc lệnh Vua
Mở ngay chiến dịch quét lùa
Lùng bắt đạo trưởng cho Vua vừa lòng

Tính kế hoạch ngoài trong chuẩn bị
Mời quân nhân tu sĩ tiệc tùng
Binh sĩ Công giáo tập trung
Hoàn thành thanh lọc truy lùng vào dinh

Trong bữa tiệc điều binh ông hứa
Ban thưởng khen những đứa trung thành
Với Hoàng Thượng được nêu danh
Buông lời dọa nạt chấp hành phải tuân

Ngày hôm ấy trọn phần Công giáo
Khoảng năm trăm theo đạo Kitô
Mời vào dinh xét ý đồ
Cho xem hình phạt bước vô thấy liền

Ðầy dụng cụ xích xiềng kìm kẹp
Ðây kỷ cương sắt thép nhà vua
Quyết ra tay chẳng chịu thua
Ai không quá khoá là mua nhục hình

Quá buồn tủi thực tình đau khổ
Gần năm trăm xấu hổ bước qua
Số còn lại thật ít mà
Chỉ năm người dám đứng ra chối từ

Là trụ cột bây giờ cương quyết
Là tôi trung tâm huyết tới cùng
Nhà Vua tăng viện trong vùng
Sai thêm Tướng Ðức binh hùng Thành Nam

Quang Khanh bị cách làm không đạt
Lê Văn Ðức đề bạt lên thay
Ðức Cha Minh xử tử ngay
Và luôn Thầy Chiểu một ngày đầu rơi

Năm chứng nhân đến nơi cho khiếp
Nhưng cả năm đặc biệt hân hoan
Quan tức giận tống nhà giam
Tuần sau tướng Ðức lệnh ban giải tòa

Ông ngon ngọt nói ra dụ dỗ
Không thành công thịnh nộ kéo khiêng
Lê lên tượng Chúa linh thiêng
Roi đòn túi bụi liên miên từng người

Gần tới đích hai người bỏ cuộc
Còn lại ba gân guốc gan lỳ
Một lòng một dạ khắc ghi
Ông Huy, Thể, Ðạt quyết đi tới cùng

Ông Huy trước ung dung vợ nhỏ
Nay trốn về quyết bỏ trình Cha
Xin ngài ban phép giải hoà
Làm xong ông lại xin ra ngồi tù

Ông tướng Ðức doạ hù quỷ kế
Cứ mỗi ngày thân thể trăm roi
Tướng khuyên bỏ đạo đi coi
Ông Huy đạo Chúa sáng soi trần đời

Quan thét lớn Vua người nghiêm cấm
Không đổi thay thưa bẩm lôi thôi
Ông Huy chủng viện học rồi
Chứng minh mạch lạc liên hồi tỏ thông

Quan nhận thấy là ông đuối lý
Cho đóng gông phơi kỹ nắng mưa
Ðông, Nam hai cửa cho đưa
Ba tuần ở đó xin thưa nhục hình

Dọa nạt vợ, gia đình con cái
Cùng thân nhân trai gái bạn bè
Ba ông nhất mực chẳng nghe
Tập trung kỳ mục răn đe đánh đòn

Ngay trước mặt người con trung tín
Bô lão làng thâm tím vì mình
Ðã ngã lòng phạm Thánh Linh
Cả ba bỏ cuộc triều đình mừng reo

Rồi sau đó lòng đau áy náy
Cả ba ông hết thảy hồi tâm
Tìm Cha xưng tội lỗi lầm
Tới dinh Thống Ðốc quyết tâm trình bày

Bẩm quan lớn nơi đây nguyện vọng
Ðạo Chúa Trời tôn trọng trên đời
Chúng tôi quá khóa nghe lời
Mang tiền trả lại đạo Trời tuyên xưng

Quan nổi nóng bừng bừng mắng chửi
Ðuổi khỏi dinh cho gửi trận đòn
Về nhà sống với vợ con
Số tiền hương chức trao tròn thưởng công

Trở về nhà, ba ông cầu nguyện
Vào kinh đô thực hiện đức tin
Hai Cha hội ý kiếm tìm
Lãnh xin hướng dẫn Trái Tim nhân lành

Cha Chính Lân nổi danh đồng ý
Ba anh em quyết chí tâu Vua
Hai anh Huy, Thể đơn đưa
Anh Ðạt công tác nên chưa lên đàng

Cha Tuyên nhắc bảo ban trông cậy
Xin Chúa ban, chớ cậy sức mình
Hai mươi ngày mới tới kinh
Tới Tòa Tam Pháp Triều Ðình sớ tâu

Quan gìm lại có đâu dâng sớ
Tòa Tam Pháp vô cớ làm ngơ
Hai ông dài cổ đợi chờ
Thấy Vua ngự giá tay giơ tấu trình

Thật táo bạo thân mình đồ lính
Chặn kiệu rồng cung kính dâng Vua
Ngài đọc xong truyền bắt lùa
Nhốt ngay vô ngục chẳng thưa bẩm gì

Tâu Ðức Vua quan thì ép buộc (Nội dung của Sớ )
Các chúng thần đạo thuộc Giatô
Tôn thờ Thiên Chúa tung hô
Tấn tra miễn cưỡng, buộc vô tuân hành

Ông tướng Ðức Nam Thành về Huế
Phan Viết Huy, Bùi Thể gan lỳ
Tại sao Ðinh Ðạt chẳng đi
Vì anh bận việc cũng thì đồng tâm

Vua truyền lệnh hai mâm lựa chọn
Nếu bỏ Chúa, lấy trọn mười vàng
Bên kia cây kiếm sáng choang
Hai ông bình tĩnh bước sang khổ hình

Rồi sau đó quân binh án lệnh
Ðưa hai anh ra tận Thuận An
Phanh thây xẻ xác dã man
Ném luôn xuống biển cho đàn cá ăn

Còn anh Ðạt khó khăn Bảy Mẫu
Ông quỳ trên chiếu khấn nguyện cầu
Nằm gục thầm thĩ hồi lâu
Lý hình tròng cổ hai đầu xiết giây

Phúc tử đạo nơi đây phần thưởng
Cả ba ông được hưởng phúc vinh
Thi hài an táng quê mình
Về sau cải táng linh đình Phú Nhai

Năm tử đạo ba ngài Kỷ Hợi (1839)
Bỏ thế gian hưởng lợi Nước Trời
Lệnh phong thánh được ban ra
Mùa thu Canh Tý (1900) quả là xứng danh

Lời bất hủ: Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh Nam Ðịnh nói với ông Ðạt: "Hai bạn của ngươi (tức thánh Thể và Huy) vì cuồng dại không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn thì chối bỏ thứ đạo đó đi để về với vợ con". Ông Ðạt thẳng thắn đáp: "Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi làm tám cũng được".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
cong danh (17-07-2009)
Cũ 17-07-2009   #11
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
10. Augustinô Nguyễn Văn Mới (1806-1839)

Augustinô Nguyễn Văn Mới là một nông dân, Dòng Ba Ða Minh; sinh năm 1806 tại Phú Trang, Nam Ðịnh; tử vì đạo ngày 19 tháng 12 năm 1839, tại Cổ Mễ. Ngài nổi tiếng vì lòng sốt sắng, và bác ái mặc dầu rất nghèo nàn. Ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết vì từ chối không bước qua thập giá. Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn năm vị anh hung tử đạo: Phanxicô Xavie Hà trọng Mậu, Đaminh Bùi văn Úy, Augustinô Nguyễn văn Mới, Tôma Nguyễn văn Đệ và Stêphanô Nguyễn văn Vinh lên bậc Chân Phước. Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong các vị lên bậc hiển thánh. Ngày Lễ kính 19 tháng 12.

Chứng Tá Tập Thể Trong Lao Tù

Đọc truyện các Thánh Tử đạo Việt Nam, không ai có thể quên được một chứng tá tập thể của hai thầy giảng, ba giáo dân ở trong tù. Năm vị cùng bị giam chung với cha Tự và ông trùm Cảnh, nhưng hai vị này tử đạo trước (5.9.1838). Dù sống trong ngược đãi, dù bị kiểm soát gắt gao, năm vị đã gắn bó với nhau trong tình anh em tha thiết, cùng sống đức tin kiên vững và nỗ lực làm chứng cho Thiên Chúa bằng lời nói, gương sáng và bằng chính mạng sống mình.

1. Thánh Phanxicô Xavie HÀ TRỌNG MẬU, Thầy giảng dòng ba Đaminh (1790-1839)

Thầy giảng Phanxicô Xavie Mậu không những phải chọn lựa giữa cái chết và cuộc sống, thầy còn phải chọn lựa giữa cái chết và việc làm quan triều đình. Không một chút lưỡng lự, thầy trả lời vị tổng đốc: "Tôi không ham quyền, tôi chỉ muốn chết vì đạo."

Phanxicô Xavie Hà Trọng Mậu cất tiếng chào đời năm 1790 tại làng Kẻ Diền, tỉnh Thái Bình. Cậu được cha mẹ cho đi tu, trở thành thầy giảng và đi giúp nhiều giáo xứ. Khi cha Phêrô Tự bị bắt, thầy Mậu đang coi họ Nội, thuộc xứ Kẻ Mốt. Được tin cha và thầy Úy bị đưa về Lương Tài, thầy liền đến đó nghe ngóng tin tức. Giáo hữu gửi thầy trọ ở nhà một lương dân phía bên kia sông, vì nghĩ rằng lính sẽ không khám xét đến. Ai ngờ, chính người chủ nhà đi báo cho quan kiếm tiền thưởng, thế là thầy bị bắt.

Thầy bị dẫn đến dinh quan Lương Tài. Có mặt cha Tự ở đó. Quan hỏi thầy là ai, thầy đáp: "Thưa quan, tôi là một môn đệ thân tín của cha đây". Cha Tự ra dấu nhắc thầy đừng khai rõ, may ra có thể chuộc về được chăng, nhưng thầy nói nhỏ với cha: "Xin cha thương nhận con là môn sinh, để con cũng được tử đạo với cha."

Kể từ ngày cha Tự và ông trùm Cảnh bị đem đi xử trảm, thầy Mậu trở thành cột trụ nâng đỡ bốn người còn sót lại, là thầy Úy, các anh Mới, Vinh và Đệ. Thầy nhắc anh em sống huynh đệ, an ủi giúp đỡ nhau. Thầy đại diện anh em viết thơ ra ngoài, hoặc trả lời với các quan. Đặc biệt thầy động viên anh em hăng hái làm việc tông đồ ngay trong nhà tù. Trong hồ sơ phong thánh, cha Huấn đã dựa vào các thơ của thầy làm chứng rằng: "Thầy Mậu vẫn dạy giáo lý cho các tù nhân, và rửa tội được bốn mươi bốn người. Trong đó có một tử tội tên Hưng mới học đạo một tháng thì đến ngày xử, anh xin quan hoãn lại ít giờ để rửa tội, sau đó vui vẻ tiến ra pháp trường...".

Khi quan nói: "Kẻ nào chết vì không chịu bước qua thập giá là ngu dại, không biết thương cha mẹ già." Thầy giải thích: "Thưa quan, cha mẹ sinh chúng tôi, nhưng ngay cha mẹ chúng tôi có ở trên đời, cũng là nhờ quyền năng của Chúa." Khi quan tuyên đọc bản án xử tử, thầy bình tĩnh đáp lại: "Thưa quan, chúng tôi mong ước về với Chúa, như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của Đức vua."

2. Thánh Đaminh BÙI VĂN ÚY Thầy giảng dòng ba Đaminh (1812-1839)

"Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với cha mẹ. Vì song thân sinh ra tôi, đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết."

Thầy Đaminh Úy đã đặt trọn niềm tin của mình trong truyền thống tiên tổ. Không biết cha mẹ căn dặn thầy trung kiên dù phải tử đạo vào lúc nào, khi mới có bách hại hay khi vào thăm trong tù? Nhưng rõ rệt là với thầy, phản bội đức tin là phản lại những người đã nhọc công vun trồng niềm tin cho mình.

Đaminh Bùi văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiền Môn, làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Từ bé cậu đã được gia đình gửi vào nhà xứ sống với cha Tự. Sau khi học thành thầy giảng thầy luôn hoạt động bên cha tại giáo xứ Kẻ Đanh rồi Kẻ Mốt (Bắc Ninh), thì bị bắt, lúc đó thầy mới 26 tuổi. Bất cứ ai gặp thầy Úy đều công nhận thầy hiền lành, có lòng yêu mến Chúa đặc biệt và là người trợ thủ đắc lực của cha Tự trong công tác, nhất là khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Ước mơ lớn nhất của thầy là được đóng vai "Lê Lai thế mạng" để cha Tự khỏi bị bắt. Khi đào hang trú ẩn, thầy làm hai ngăn rồi tình nguyện ở ngăn bên ngoài. Thầy nói với mọi người: "Nếu các quan đến truy lùng, tôi sẽ ra trước nộp mình để cha khỏi bị bắt, hầu cha có thể giúp anh chị em."

Ngày 29.6.1838, lính đến vây làng Kẻ Mốt, đã bắt thầy Úy chung với cha Tự. Cha dự định khai thầy chỉ là giáo hữu vào làm bếp để đỡ nguy hiểm, nhưng thầy nói: "Xin cha cứ nói con là thầy giảng, may ra cùng được phúc tử đạo với cha"

Rồi thầy xin xưng tội để chuẩn bị tâm hồn. Một lần tương kế tựu kế, quan nói dối thầy: "Cha Tự xuất giáo rồi, sao anh còn cố chấp thế?" Thầy bình tĩnh trả lời: "Vô lý, cha tôi không bao giờ làm vậy, mà dù có thực như thế, tôi cũng không chịu xuất giáo đâu."

Lần khác, quan như muốn dạy khôn thầy: "Anh còn trẻ, hãy nghĩ lại và khôn hơn một chút, ta chỉ yêu cầu anh bước qua một khúc gỗ mà." Thầy Úy đáp: "Đúng là khúc gỗ, thưa quan, nhưng khúc gỗ đó lại tượng trưng cho Chúa tôi thờ. Quan nghĩ sao nếu tôi giày đạp lên ảnh vẽ hình cha mẹ tôi?" Hôm khác, khi bị dụ dỗ bước qua thánh giá, thầy khẳng khái nói: "Thưa quan, quan có dám bước qua mặt đức vua không, mà lại bảo tôi bước qua mặt Chúa tôi? Nhưng dù quan có bước qua mặt vua, thì tôi cũng không bước qua mặt Chúa tôi được."

Quan nghiêm nghị phán: “Tên phạm thượng, ta sẽ chém đầu mi." Người chiến sĩ đức tin vui vẻ reo lên:
"Anh em ơi, tôi sắp được chém rồi".

Nhưng phúc trường sinh đến với thầy không quá sớm như vậy.

3. Thánh Augustinô NGUYỄN VĂN MỚI Nông dân dòng ba Đaminh (1806-1839)

Tuy là một tân tòng mới theo đạo, anh Augustinô Mới đã biểu lộ một đức tin kiên cường, không thua kém gì những Kitô hữu vững tin nhất.

Augustinô Nguyễn văn Mới sinh năm 1806 tại làng Bồ Trang tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nông dân ngoại giáo. Đến tuổi trưởng thành, anh đến làng Đức Trai, xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) để làm thuê làm mướn. Tiếp xúc với giáo hữu ở đây, càng ngày càng thấy mến đạo, và xin theo học giáo lý. Năm 31 tuổi, anh được cha Tự rửa tội và đặt tên thánh bổn mạng là Augustinô.

Mấy năm sau, cha Tự cũng chủ sự lễ thành hôn cho anh với một thiếu nữ trong xứ. Theo các lời chứng trong hồ sơ phong thánh, anh Augustinô Mới sống đạo rất tốt, đặc biệt là đọc kinh Mân Côi mỗi tối. Dù có ngày lao động vất vả đến mãi khuya mới về, anh cũng không quên kinh Mân Côi kính Đức Mẹ.

Ngày 29-6-1838, khi quân lính bao vây làng Kẻ Mốt và bắt cha Tự, họ buộc toàn dân phải ra đình điểm danh, rồi bước qua thánh giá. Một số tín hữu nhanh chân lẫn tránh được, một số nhát gan thực hiện lời yêu cầu của lính. Các anh Mới, Vinh và Đệ cương quyết không chịu đạp lên thánh giá, nên bị bắt và áp giải chung với cha Tự, ông trùm Cảnh và hai thầy Úy và Mậu lên giam tại Bắc Ninh.

4. Thánh Tôma NGUYỄN VĂN ĐỆ Thợ may dòng ba Đaminh (1811-1839)

Hai mươi tám tuổi đời, một người vợ ba người con, đó là mối ưu tư trắc trở của anh Tôma Đệ trong những ngày bị giam cầm. Không thể bỏ đức tin, nhưng tương lai của người vợ trẻ và đàn con dại sẽ ra sao? Trong nhiều ngày anh suy nghĩ và tha thiết cầu nguyện xin Chúa soi sáng. Cuối cùng anh tìm được an bình trong tâm hồn, phó thác tất cả trong bàn tay Chúa quan phòng. Anh nói với người vợ đến thăm:

"Đừng khóc mình ạ. Mình về dạy dỗ các con nên người, dạy chúng thờ phượng Chúa. Tôi đã dâng mình và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho tôi thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng."

Ra đời trong một gia đình Công giáo tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình năm 1811, Tôma Nguyễn văn Đệ vì lý do sinh kế, theo cha mẹ về xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) và ở ngay gần nhà thờ. Lớn lên anh theo nghề thợ may và được mọi người yêu chuộng. Anh rất nhiệt tình với việc trong xứ trong họ. Hầu hết cờ quạt, đồ trang hoàng trong nhà thờ và nhà xứ đều nhờ đến bàn tay khéo léo và sáng tạo của anh. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh lập gia đình, ra ở riêng và sinh hạ được ba người con.

Ngày 29.6.1838, quân lính vây làng Kẻ Mốt, và ép buộc mọi người trên 18 tuổi phải đạp lên thánh giá. Anh lẩn trốn ra phía sau nhà. Đến khi quân lính xồng xộc vào nhà lùng bắt, anh biết mình không thể tránh được nữa, liền giã từ vợ, dặn đưa con về bên ngoại, ôm hôn từng đứa rồi ra trình diện. Đến trước thánh giá, anh Đệ quỳ xuống cầu nguyện lớn rằng: "Lạy Chúa, sẽ không bao giờ con bước qua mặt ngài."

Quân lính áp giải anh Tôma Đệ cùng với cha Tự ông trùm Cảnh, hai thầy Úy, Mậu và các anh Mới và Vinh về giam tại Bắc Ninh.

5. Thánh Stêphanô NGUYỄN VĂN VINH Tá điền dòng ba Đaminh (1813-1839)

Thánh Stêphanô Vinh là một trường hợp hy hữu, trong danh mục các thánh tử đạo Việt Nam. Khi bị bắt, anh mới chỉ là dự tòng chưa được rửa tội. Nhưng với những hiểu biết ít ỏi về đạo, anh đã kiên trì làm chứng cho chân lý. Mặc dù khi vô tù anh mới chính thức gia nhập đạo, rồi thành hội viên dòng ba Đaminh, nhưng anh không thua kém ai về lòng can đảm tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.

Stêphanô Nguyễn văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang tỉnh Thái Bình. Sống trong một gia đình ngoại giáo rất nghèo, một miếng đất cũng không có, anh Vinh quanh năm phải làm thuê làm mướn cho các gia đình Kẻ Mốt (Bắc Ninh). Trường học duy nhất anh ham thích và theo được là các lớp giáo lý, nơi anh tập đánh vần và học truyền khẩu. Đặc biệt anh đem các điều học ở đó ra thực hành trong cuộc sống. Có điều là người ta không biết vì sao anh chưa được rửa tội. Mọi người đều mến thương anh vì anh đơn sơ, chất phác, khỏe mạnh và thật thà. Trong công việc anh không bao giờ làm cho qua loa chiếu lệ, ai thuê việc gì, anh cũng chu toàn tốt đẹp không cần kiểm soát, không có gì để chê trách. Cho đến khi bị bắt (lúc 26 tuổi) anh vẫn sống độc thân chưa lập gia đình.

Ngày 29.6.1838, khi quan quân vây bắt cha Tự ở Kẻ Mốt, và bắt mọi người phải đạp qua thánh giá, chàng thanh niên 25 tuổi này đã anh dũng nói thẳng với họ rằng: "Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên thánh giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật."

Vì lời nói này, quan quân tưởng anh là người trong đạo, thế là họ bắt anh Vinh và áp giải về trại giam Bắc Ninh chung với cha Tự, ông trùm Cảnh, thầy Úy, thầy Mậu, anh Mới và anh Đệ. Chính tại đây, anh Vinh được diễm phúc làm người Kitô hữu, được hân hạnh làm con Cha Thánh Đaminh. Suốt hành trình tử đạo, anh là một nhân chứng trầm lặng, chỉ đồng tình với các vị khác, nhưng gông cùm, xiềng xích và tra tấn không lần nào có thể làm anh sa ngã hay thối chí. Chọn quan thầy Stêphanô trong tù, anh cương quyết noi theo vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đến hơi thở cuối cùng.

Lời An Ủi Ấm Lòng

Sau một tháng dọa nạt tra khảo bảy chiến sĩ đức tin nhưng vô hiệu, ngày 27.7.1838, quan tỉnh Bắc Ninh đệ án vào triều xin xử giáo cha Tự và ông trùm Cảnh, còn năm vị kia quan cho là nhẹ dạ tin theo, nên xin đánh mỗi người một trăm roi rồi phát lưu vào Bình Định. Luật vua thời đó xử giảo các phù thủy, đồng cốt, còn những kẻ a dua chỉ bị đánh đòn và phát lưu ba trăm dặm. Thế nhưng vua Minh Mạng cho rằng tội theo đạo Gia-tô thuộc loại nặng hơn, nên quyết định xử chém hai vị trên ngay tức khắc, còn tất cả sẽ bị xử giảo sau một năm nếu không chịu thay đổi ý kiến.

Ngày 5.9.1838, khi biết tin cha Phêrô Tự và ông trùm Cảnh đã bị chém tại pháp trường Kinh Bắc, năm vị trong ngục buồn bã nhớ thương. Thầy Mậu kêu gọi anh em ngồi lại bên nhau cùng đọc kinh, vừa khích lệ nhau, vừa ôn lại những lời khuyên của cha mình. Sau đó ba buổi tối, như chính các vị thuật lại, trong lúc họ đang cầu nguyện, thì bất ngờ tất cả đều thấy như cha Tự hiện ra ngay bên an ủi họ: "Các con đừng buồn, chắc chắn các con sẽ còn được chết vì đạo. Tuy nhiên, các con sẽ còn phải qua một thời gian thử thách nữa, để xứng đáng với phúc trọng này." Có thể đó chỉ là giấc mơ chứ không phải sự thật, cũng có thể đó là lời nhắn nhủ cuối cùng của vị linh mục, nhưng kể từ ngày đó họ hết sầu buồn, tìm lại được can đảm để nêu gương ngay trong cảnh quẫn bách ở trong trại giam.

Tuyên Khấn Trong Ngục Tù

Ấn tượng ghi nét sâu đậm vào lòng năm vị chứng nhân là lời cha Tự trong ngày lãnh phúc tử đạo. Cha mặc áo dòng và nói với mọi người về chiếc áo đó. Trước đây bốn vị, đến khi vào tù có thêm anh Vinh, đã mặc áo dòng ba Thánh Đaminh, nhưng chưa ai khấn cả. Thầy Mậu liền viết thơ cho cha Huấn dòng Đaminh để bày tỏ niềm ước nguyện được hiệp thông với dòng cách trọn vẹn. Thầy viết:
"Chúng con tất cả là năm tập sinh của dòng ba Đaminh, nhưng chúng con không thể giữ chay đủ các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy được, nên chúng con xin cha thương rộng phép chuẩn chước cho sự thiếu sót đó. Qua thơ này, chúng con xin tuyên khấn trọn đời. Vì chúng con không thể đọc lời tuyên khấn trong tay cha được, nên bằng những dòng viết này chúng con coi như thực sự tuyên khấn trước mặt cha vậy, xin cha cho phép."

"Để tôn vinh và ngợi khen Thiên chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng con là Phanxicô, Đaminh, Augustinô, Tôma và Stêphanô, trước mặt cha Huấn, đại diện cha Hermosilla, giám đốc dòng ba hãm mình Thánh Đaminh chúng con xin hứa và ước ao giữ lề luật và tập tục của dòng cho đến chết."

Những chữ "cho đến chết" trong ngục tù khi đó chắc hẳn phải có âm vang đặc biệt đối với các vị. Được nối kết với truyền thống hơn sáu trăm năm truyền giáo của Thánh Phụ và một dòng tu lớn trong Giáo hội, từ nay năm anh em tích cực hơn với việc tông đồ. Dưới sự điều hành của thầy Mậu, năm hội viên dòng ba chia nhau tiếp xúc gặp gỡ các bạn tù, giới thiệu với họ về Thiên Chúa, cắt nghĩa giáo lý, rồi dẫn họ đến thầy Mậu lãnh nhận bí tích rửa tội. Ít ra các vị đã rửa tội được bốn mươi bốn người. Ngục tù giờ đây trở thành nguyện đường, hằng ngày vang lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, lời cầu nguyện cho Giáo hội và cho mọi người, mọi giới được đầy tràn ơn lành của Ngài.

Làm Chứng Trước Quan Quyền

Thấm thoát hơn một năm đã trôi quan, triều đình quyết định lại việc xử giảo cả năm người. Ngày 19.8.1839 quan cho điệu tất cả ra tòa, vẫn để thánh giá một bên, bên kia là dụng cụ tra tấn. Quan nói: "Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con." Thầy Mậu đại diện anh em trả lời: "Chúng tôi đã quyết tâm trung thành với Chúa, nếu quan ra lệnh chém đầu hay giết cách nào khác, chúng tôi đều sẵn sàng."

Rồi cả năm vị quỳ xuống bái lạy thánh giá và cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin cứu chúng con, con xin phó thác hồn con trong tay Chúa."

Thất vọng, quan cho lính đưa tất cả về ngục và thốt lên: "Bọn này không thể tha thứ được, mà chúng có thèm được tha đâu."

Ngày 24.11, năm vị phải ra toà một lần nữa. Quang cảnh vẫn như lần trước, và các tôi tớ Chúa vẫn một mực cương quyết không chối đạo. Thầy Mậu thay mặt anh em nói với quan: "Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là Cha chung muôn loài, là Vua trên hết các vua, là Đấng chúng tôi mong được đổ máu ra để chứng tỏ lòng trung thành và yêu mến."

Như Nai Rừng Mong Mỏi Tìm Về Suối Nước Trong Ngày 19.12.1839, trước khi đi xử, quan cho năm vị một cơ hội cuối cùng. Ông nói: "Chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha." Sau ông lại nói: "Chỉ cần đi vòng quanh tượng ta cũng tha." Nhưng các vị chứng nhân đức tin không dễ bị mắc lừa, họ bảo nhau quỳ xuống đọc kinh Kính Danh Chúa Giêsu. Có lẽ do ảnh hưởng những lời kinh Giáo hội trong mùa Vọng, đón chờ Chúa giáng sinh, thầy Mậu nói với quan những lời kinh Thánh vịnh 41 (c 1-2): Thưa quan, chúng tôi ước mong về Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của nhà vua."

Biết không thể làm nao núng ý chí sắt đá của những con người này được nữa, quan liền truyền đem đi xử với bản án như sau: "Bọn gian ác theo Gia-tô tả đạo, mặc dầu đã khuyên răn sửa phạt, vẫn ngoan cố không chịu bước qua thập giá, nay chúng bị xử giảo"

Trên đường ra pháp trường, thầy Mậu rảo chân bước đi trước, các anh khác bước theo sau, tất cả đều tỏ ra hân hoan kiên cường. Dân chúng hiếu kỳ đi xem rất đông và xì xào với nhau là các vị này bị giết oan. Theo gương thầy Mậu, các chứng nhân tươi cười với mọi ngườỉ: "Anh em chúng tôi đang tiến về thiên đàng đây." Khi tới nơi xử, mỗi vị bị trói vào một cọc đã chôn sẵn. Rồi cùng một lúc, lý hình xiết cổ các vị bằng giây thừng cho đến lúc tắt thở. Các tín hữu đem thi thể các vị về an táng ở họ đạo mình. Thánh Mậu ở Kẻ La, Thánh Úy ở Đồng Tiến, Thánh Mới ở Phượng Vĩ, Thánh Đệ ở Phong Cốc và Thánh Vinh ở Hương La, tất cả đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn năm vị anh hung tử đạo: Phanxicô Xavie Hà trọng Mậu, Đaminh Bùi văn Úy, Augustinô Nguyễn văn Mới, Tôma Nguyễn văn Đệ và Stêphanô Nguyễn văn Vinh lên bậc Chân Phước.

Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong các vị lên bậc hiển thánh.

Lễ Nhớ: Ngày 19 tháng 12


Trường thi tử đạo

Augustinô Nguyễn Văn Mới
Sinh Bính Dần (1806) xưa tới Bắc Ninh
Thuở nhỏ cùng với gia đình
Tha phương sinh sống xứ mình Ðức Trai

Ðến quê mới miệt mài học đạo
Rất siêng chăm thông thạo bổn kinh
Ông cùng thôn nữ thân tình
Nên duyên chồng vợ gia đình mẫu gương

Kinh sớm tối ông thường lần hạt
Vợ con hạnh phúc đạt điểm cao
Tân tòng giáo họ tự hào
Hiền lành đạo đức ra vào thân thương

Một bữa nọ bất lương tố giác
Có Cụ đạo nơi khác về đây
Quan liền cho lính bổ vây
Bắt được Cha Tự dẫn ngay đình làng

Quan truyền lệnh cả nam lẫn nữ
Phải tới ngay đông đủ điểm danh
Bước qua Thập giá đóng đanh
Nếu không tuân thủ chấp hành trói gông

Ngay lúc đó số đông bỏ đạo
Ðến lượt ông táo bạo thưa không
Cha Tự rửa tội cho ông
Giảng rao lời Chúa quyết không chối từ

Vua Minh Mệnh văn thư chiếu chỉ
Phải tấn tra tâm trí Cha, Thầy
Lòng gan, dạ chẳng đổi thay
Các quan lại chuyển trình bày về kinh

Vua muốn ghép tội hình phù thủy
Phạt trăm roi, điểm chỉ xa quê
Chung thân không có ngày về
Hoàng Lương, Cha Tự vua phê chém đầu

Rồi sau đó nghe đâu thay đổi
Lại tống giam thống hối mới tha
Nếu không xử giảo cả mà
Quan đem Thập giá bước qua cho về

Ông Mới, quỳ hôn bê tượng nói
Bọn vua quan quen thói thế gian
Cấm đạo Chúa chúng làm càn
Con dù có chết, bỏ đàng quỷ ma

Quan tức giận tống đà vào ngục
Cho lính vào tiếp tục tấn tra
Năm ông buồn bã quá mà
Chúa cho Cha Tự hiện ra trong tù

Ngài khuyên nhủ cho dù kiệt sức
Hãy vui mừng tự lực hãm mình
Hồng ân tử đạo hy sinh
Ăn chay sám hối Thiên đình Chúa ban

Gần năm nữa vua ban tái xử
Ai bỏ đạo sẽ thứ tha ngay
Không tuân sẽ chém đầu bay
Năm người chống đối lệnh này nhà vua

Thấy tội nghiệp quan mua chuộc dụ
Bỏ đạo đi theo Cụ làm chi
Năm người cầu nguyện thầm thì
Ðược ơn Chúa xuống tử quy Nước Trời

Theo án lệnh quan thời cứ xử
Cảm ơn quan nghĩa cử đề ra
Chúng tôi tôn kính Chúa Cha
Hy sinh mạng sống để mà hưởng công

Ngày hành quyết năm ông một lượt
Mặc phẩm phục chức tước dòng ba
Cả năm vui vẻ được quà
Án ghi trên ván đạo tà Giatô

Ðến pháp trường gần vô Cổ Mễ
Ngưng tại đây là để tháo gông
Buộc giây vào cổ các ông
Hai đầu kéo xiết tiếng cồng âm vang

Vừa tắt thở Thiên đàng hưởng phúc
Linh hồn ngài được Chúa chúc lành
Giáo dân chạy lẹ tới nhanh
Nhà thờ an táng thuộc thành Bắc Ninh

Phúc tử đạo giảo hình Kỷ Hợi (1839)
Ðiều mà ngài mong đợi từ lâu
Giáo dân ra sức nguyện cầu
Canh Tý (1900) phong thánh ngõ hầu hiển vinh

Lời bất hủ: Trong hồ sơ phong thánh các đấng viết về anh Mới như sau: "Anh Augustinô sống đạo rất tốt, đặc biệt là đọc kinh Mân Côi mỗi tối, dù có ngày lao động vất vả đến đêm khuya mới về, anh cũng không quên đọc kinh Mân Côi kính Ðức Mẹ". Trong làng có nhiều người nhát gan bước qua Thập Giá..nhưng anh Mới, Vinh, Ðệ .cương quyết không bước qua đạp lên Thánh Giá, nên bị bắt và áp giải chung với cha Tự, ông trùm Cảnh, và hai thầy Uý và Mậu lên giam tại Bắc Ninh.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #12
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
11. Bênadô Vũ Văn Duệ (1755 – 1838)

Bênađô Võ Văn Duệ, là linh mục; sinh 1755 tại Quần Anh, Nam Ðịnh; chết 1 tháng 8, 1838, tại Ba Tòa. Cha Duệ vốn là một tân tòng, học chủng viện, và được thụ phong linh mục. Sau nhiều năm hoạt động truyền giáo, ngài về hưu, sống thầm lặng cho đến khi có tiếng gọi phải tự thú với quân sĩ rằng mình là linh mục. Bị xử trảm (chém đầu) năm 83 tuổi. Phong Á Thánh 1900. Ngày Lễ kính: 1 tháng 8.

Người tù già hy sinh tự nguyện

Mùa thu năm 1838 tại nhà giam Nam Định, một tù nhân đã 83 tuổi hình như vẫn coi sự khác nghiệt của trại giam là nhẹ. Những đêm mưa to gió lạnh, chỗ của cụ nằm bị nước mưa giột, nhưng cụ vẫn không chịu dời chỗ khác theo lệnh của lính canh. Từ ngày vào tù, cụ trải chiếu dưới đất, không nhận tiếp tế chăn mền, rồi khoảng một tuần sau, cụ bỏ luôn chiếu để nằm trên đất.

Cụ già đó là linh mục Bênadô Vũ văn Duệ. Đối với ngài, phải có những hy sinh tự nguyện để bổ túc cho những hy sinh bất đắc dĩ. Những hy sinh đó là những phương pháp luyện ý chí để đủ sức đối đầu với những thử thách cuối cùng ngoài pháp trường. Đối với ngài, suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu phải dưa đến việc tham dự, chia sẻ những nỗi cơ cực các Chúa trong thực hành. Cha nói: "Nơi tôi nằm bây giờ còn êm ái hơn thánh giá Chúa Giêsu xưa kia nhiều".

Vị linh mục khắc khổ

Bernadô Vũ Văn Duệ sinh năm 1755 tại làng Quần Anh Hạ (Quần Phương), tỉnh Nam Định, trong một gia đình Công Giáo. Ngay từ nhỏ, cậu Duệ đã dâng mình cho Chúa, và chuẫn bị học hành hướng tới chức linh mục. Nhưng việc học của cậu bị gián đọan nhiều lần vì tình hình bách hại các chúa Trịnh và thời vua Cảnh Thịnh. Mãi đến năm 1795, thày Duệ mới được toại nguyện, thụ phong linh mục đã 40 tuổi. Cha Duệ phục vụ Giáo Hội và các linh hồn trong nhiệm vụ mục tử suốt 37 năm. Đến năm 1832, năm ngài 77 tuổi, Đức Cha xét thấy tình trạng bệnh tật, đã cho cha về hưu tại xứ Trung Lễ.

Không thể phục vụ Giáo Hội trực tiếp nữa, cha Duệ đã dâng những ngày tháng bệnh tật để cầu nguyện cho Giáo Hội. Tuy đã già, mỗi ngày cha vẫn tiếp tục đọc, suy niệm, chia sẻ Tin Mừng và hướng dẫn cho các tín hữu trong vùng tìm đến bàn hỏi. Cha gia tăng những việc khổ chế hãm mình : bỏ nằm giường để ngủ trên đất, không nằm mùng để muỗi tự do đốt… nhiều người cản trở vì lo cho tuổi già của cha, cha trả lời : "Bấy nhiêu hãm mình đã là gì ? Tôi không có cơ hội dể làm việc lớn thì tôi chọn lựa một chút khó khăn vậy thôi".

Giá trị một lời hứa

Từ ngày vua Minh Mạng lệnh cho quan Trịnh Quang Khanh gắt gao truy lùng các giáo sĩ, Đức Cha Delgado Y, Giám mục giáo phận Đông phải bỏ trụ sở Bùi Chu đi trốn. Một hôm trên đường xuống Kiên Lao, Đức Cha ghé vào Trung Lễ gặp cha Duệ. Đức Cha nói nửa đùa nửa thật : "Cụ còn sức theo tôi đến thủ phủ Nam Định chăng ?". Cha Duệ hiểu ý người cha chung giáo phận muốn nói về việc tử đạo, nên trả lời : "Thưa Đức Cha, khi nào Đức cha bị bắt, xin cho phép con theo cùng".

Có lẽ vị Giám mục nói đùa rồi quên đi, nhưng cha Duệ không bao giờ quên điều mình đã nói. Từ ngày 28.05.1838, khi nghe tin Đức cha bị bắt ở Kiên Lao, cha Duệ đã khóc lóc và muốn ra trình diện với quan quân để được tử đạo với Giám mục của mình. lúc đó cha đã 83 tuổi, mắt thì lòa nên đi đâu phải có người dẫn, thế nhưng không ai chịu đưa cha đến nộp cho các quan cả.

Cũng từ đó, nằm trong nhà, hễ nghe có tiếng chân người bên ngoài, cha lại hô lên: "Hãy báo tin cho các quan biết tôi ở đây. Tôi là linh mục, hãy đến mà bắt tôi". Các giáo hữu xin cha thinh lặng kẻo liên lụy đến dân làng. Cha đáp: "Tôi không thể im được vì tôi đã hứa với Đức cha". Một hôm lính đi qua, nghe tiếng cha gọi thì bước vào. Cha nói: "Bây giờ các ông đã có linh mục, hãy bắt mà nộp cho quan đi". Một thày giảng đứng đó liền nói: "Ông nội tôi đó, các ông đừng để ý làm gì, ông ấy già nua nên lú lẫn, tự cho mình là linh mục đó thôi". Cha Duệ thanh minh rất tỉnh táo chớ chưa lẩm cẩm. Nhưng lính thấy cụ già đã ngoài 80 tuổi, nằm liệt trên giường như thế thì tin lời thày giảng rồi bỏ đi. Quân lính đã xa rồi mà cha già Bernadô cứ lẩm bẩm phàn nàn vì người ta đã làm cha mất cơ hội bị bắt.

Những ngày sau đó, cha Duệ vẫn tiếp tục la lên yêu cầu mội người đi ngang báo cho quan đến bắt mình. Các tín hữu thấy không cản được ngài nữa thì bàn tính với nhau, họ đưa cha đến một túp lều của một người cùi ở ngoài đồng, nhờ một bà đạo đức chăm sóc cơm nước. Họ nghĩ rằng quân lính chẳng đến khu vực đó. không ngờ ngày 04.07.1838, một toán lính vô tình đi ngang qua nghe tiếng cha đã ghé vào. Cha nói "Các chú tìm đạo trưởng hả ? Tôi là đạo trưởng đây". Không có ai ở đó để cải chính như hôm trước, nên cha bị bắt đem về nộp cho Tổng đốc Trịnh Quang Khanh.

Vững như bàn thạch

Tổng đốc thấy lính dẫn đến một người quá già nua tuổi tác thì cười, rồi cho đặt tấm ảnh Chúa trên đất và nói : "Ông lão bước qua tấm ảnh đi, ta sẽ tha cho về". Cha Duệ đáp: "Xin quan lớn đừng bảo tôi làm thế, dù thế nào tôi chẳng thể vâng lời quan". Bấy giờ trời đã gần tối, quan cho giam cha trong một ngôi chùa gần đó và bỏ đói suốt đêm. Sáng hôm sau lính giải cha về Nam Định. Viên quan án ở đây cũng để một Thánh Giá yêu cầu cha bước qua. Cha trả lời ông như đã nói với quan Tổng đốc. Viên quan tội nghiệp tuổi già nên không đánh đập gì, như bắt cha phải mang gông và cho đưa vào trại giam.

Gần hai tháng trong tù, nhiều lần quan cho người vào dụ dỗ cha bỏ đạo, nhưng cha cương quyết từ chối. Những ngày đầu trong trại giam trật hẹp, hôi hám, cha Duệ phải trải chiếu dưới đất ngủ, có người thương đem đến biếu cha một chiếc chăn để quấn cho ấm, cha từ chối và nói: "Nơi tôi nằm bây giờ còn êm ái hơn Thánh Giá Chúa Giêsu xưa nhiều". Có một hôm mưa giột ướt hết nơi cha nằm, lính đến bảo cha dời chỗ, cha không chịu: "Cứ để tôi ở chỗ ướt này cũng được, không can chi. Tôi chỉ lo những sự đời sau và ước ao đổ máu vì dạo Chúa Kitô thôi".

Ngày 12.07, Đức cha Y đã lìa thế, ly trần trong ngục nhưng vẫn bị đem ra pháp trường xử chém. Nghe tin đó, cha Duệ bỏ luôn chiếu, ngủ trên đất. Cha nói: "Giám mục là cha đã phải xử, ta là con nằm chiếu sao phải lẽ". Cha Duệ đã chọn những hy sinh tự nguyện để dọn mình đón nhận cuộc tử đạo. Thời gian này cũng có cha Hạnh, linh mục dòng Đaminh bị giam chung. Cha Hạnh trẻ hơn, mới 66 tuổi nên thường thay mặt cha già trả lời cho các quan. Sau khi thấy không làm hai vị đổi ý được nữa, các quan liền làm án gởi về kinh đô:

"Chúng tôi đã tra khảo hai tên Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh. Chúng đã bị bọn Tây lừa mà theo đạo Gia Tô từ lâu. Chẳng những chúng tin mà còn giảng đạo ấy cho nhiều kẻ khác tin theo nũa… Xem ra đạo ấy đã thấu tận tâm can bọn chúng đến nỗi không thể bỏ được. Vậy chúng tôi luận cho chúng án trảm quyết, để ai lấy đều biết tội chúng nặng, đáng phải phạt thể ấy".

Chiến thắng vinh quang

Theo luật thời đó, ở tuổi cha Duệ 83 lẽ ra không bị xử tử, nhưng vua Minh Mạng bất chấp cả luật lệ, ký bản án liền. nghe tin ấy, cha Duệ tỏ ra vui mừng, gia tăng việc hãm mình chuẩn bị cho ngày hồng phúc cha vẫn mong đợi. Ngày 24.07, quan cho tách riêng cha Hạnh đi giam nơi khác. Nhưng ngày 01.08, hai vị cùng được đưa ra tòa lần chót trước khi đưa đi xử. Cả hai vị đều khẳng khái tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. cha Duệ và quá yếu sức, lính phải cáng ra pháp trường Bảy Mẫu. Ra đến cửa thành, vì viên quan chủ tọa cuộc xử án chưa đến, hai linh mục phải đứng ngoài nắng mấy giờ liền. một người đưa cha Duệ một chiếc chiếu nhỏ để che nắng, cha cảm ơn từ chối. Suốt hành trình, cha làm dấu Thánh Giá nhiều lần và cầu nguyện cách sốt sắng.

Đến nơi hai vị cầu nguyện chung một lát. Sau đó, lính tháo gông xiềng xích và trói hai vị vào cọc. Theo lệnh quan, hai lý hình thi hành phận sự, chém và tung đầu lên cho mọi người trông thấy. Dân chúng ùa vào thấm máu hai vị tử đạo. Quân lính chôn cả đầu lẫn xác tại pháp trường, sau các tín hữu xin phép được đưa thi hài về an táng tại Lục Thủy.

Thế là cha Duệ đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với vị Giám mục Y: Đi theo ngài đến cùng, để rồi chung hưởng hạnh phúc trường tồn trên Thiên Quốc.

Cùng với vị Giám mục của mình, Đức cha Y, linh mục Bernadô Vũ Văn Duệ được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Thánh Thi Tử Đạo

Bênađô Vũ Văn Duệ linh mục
Năm Ất Mùi (1755) quê thực Quỳnh Anh
Thời cấm đạo bọn lưu manh
Truy lùng đạo trưởng chỉ canh kiếm tiền

Cha đâu trốn, chẳng phiền, chẳng sợ
Nghe tiếng chân đi ở bên ngoài
Ta đây đạo trưởng sợ ai
Cứ vào mà bắt, quan cai đón chờ

Lính bữa nọ bất ngờ nghe thấy
Chúng vào ngay, bữa ấy có Thầy
Nhận là ông nội tôi dây
Già nua lẩm cẩm, nói vầy đó thôi

Lính thấy vậy nghe rồi cũng bỏ
Cha còn la kêu nó lại đây
Uổng thay cơ hội quý này
Trách Thầy lẩm bẩm, tại Thầy hại ta

Các tín hữu thấy là khó cản
Ðưa ra lều làm tạm cánh đồng
Người cùi bà lão coi trông
Ðưa Cha ra đó mới không sợ phiền

Ðược ít lâu có liền đám lính
Chúng đi qua nghe thính tiếng la
Liền ghé vào nhìn thấy mà
Tôi đây đạo trưởng, quan đà bắt đi

Chúng trói giải cấp kỳ Tổng Ðốc
Tại thành Nam cấp tốc tống giam
Lính canh tra tấn dã man
Ra tòa quan dụ sẵn sàng nghe đây

Hãy bước qua cây này được thả
Cha trả lời tôi chả nghe quan
Tông đồ mục vụ tôi làm
Việc gì phản Chúa, rõ ràng tôi không

Quan thấy vậy đeo gông khỏi đánh
Vì tình thương nên tránh tuổi già
Pháp trường đâu có đi ra
Lính khiêng trên võng, tiếng la vang trời

Người già yếu ai ơi khỏi xử
Cha nguyện cầu, xin cứ thương ban
Hồng ân Chúa đổ tuôn tràn
Cho con lãnh nhận, hồn an xác lìa

Tại Bảy Mẫu, mộ bia các Ðấng
Ðã hy sinh nuôi nấng đức tin
Dắt dìu con, một hướng nhìn
Về nơi Thiên Quốc, Trái Tim nhân lành

Pháp trường đã trổi nhanh chiêng trống
Cha Duệ quỳ, như giống cầu xin
Lý hình đao phủ hướng nhìn
Múa gươm vung chém, ngừng tim bay đầu

Phúc tử đạo nguyện cầu Mậu Tuất (1838)
Tuổi già nua ngài đợi hiến dâng
Roma Canh Tý (1900) vinh thăng
Suy tôn Á thánh vĩnh hằng Nước Cha

Các giáo hữu thấm nhoà máu thánh
Thi hài cha xác thánh chôn ngay
Pháp trường Bảy Mẫu nơi đây
Lục Thuỷ cải táng sau này tôn vinh

Lời bất hủ: Toán linh đi ngang qua nhà cha, cha nói: "Các chú tìm đạo trưởng hả, tôi là đạo trưởng đây". Cha bị bắt đem nộp cho tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan đòi cha bước qua Thánh Giá, cha Duệ đáp: "Xin quan lớn đừng bảo tôi làm thế, dù thế nào tôi chẳng thể vâng lời quan". Nhà tù mưa giột, lính dời cha đến chỗ
khác, cha nói: "Cứ để tôi ở chỗ ướt này cũng được, không can chi. Tôi chỉ lo những sự đời sau và ước ao đổ máu vì đạo Chúa Kitô thôi".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #13
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
12. Clêmentê Inhaxiô Y (1762-1838)

Ðức Cha Clêmentê Inhaxiô Y (Ignatius delgado), Sinh năm 1762 tại Villa Felice, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị chết rũ tù ngày 12/07/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII suy tôn vị giám mục dòng thuyết giáo Ignatiô Y lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 12/07.

Với gần nửa thế kỷ hăng say trong việc truyền giáo tại Việt Nam và 43 năm giám mục cuộc đời thánh Ignatiô Y gắn liền với giáo phận Đông Đàng Ngoài, nay là năm giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Thái Bình. Hoạt động của ngài trải dài trên ba triều đại : Thời Cảnh Thịnh với nhiều khó khăn từng khu vực giúp ngài nhận định được nhu cầu, để đến thời Gia Long ngài phát triển giáo phận Đông với mức cực thịnh, đủ sức đương đầu với những cơn giông tố bách hại thời Minh Mạng, và đó cũng là mùa gặt phong phú "các Thánh tử đạo" của giáo phận. Số linh mục bản xứ, số tu sĩ nam nữ, số giáo dân tăng nhanh mỗi năm đã là những chứng cớ hùng hồn nhất cho chúng ta thấy nhiệt tình và tài lãnh đạo của ngài.

Ignatiô Y Delgado sinh ngày 23.11.1762 tại làng Villafeliche, tỉnh Saragozza, miền Aragon, Tây Ban Nha. Từ thuở niên thiếu, Ignatiô Ychịu ảnh hưởng nhiều của các nữ tu Xitô. Say mê đọc sách cậu nghiền ngẫm tối ngày những truyện tích của các dì, hơn nữa ngôi làng của cậu từ núi đồi đến đồng cỏ, đất đai đến cây rừng đều ghi dấu những nữ tu áo trắng, con cái thánh Bernadô này. Do đó cậu đã nuôi chí dấn thân phục vụ Chúa trong đan viện.

Thế nhưng Chúa lại an bài cách khác. Ngày kia có một người bạn có ý định đi tu dòng Đaminh rủ cậu cùng đi, Ignatiô Y liền nhận lời. Sau đó cả hai đến gõ cửa tu viện Thánh Phêrô tử đạo ở Cata laydud, thuộc tỉnh dòng Aragon. Cậu vào nhà tập khi 18 tuổi và khấn năm 1781. đang khi theo học tại đại học Orihuela, Delgado được biết việc truyền giáo của dòng tại Đông Nam Á. Trong thư ngày 25.06.1780, cha chính Alonsô Phê ở Việt Nam báo cáo số người và công việc, đã xin gởi thêm nhiều nhà truyền giáo "nhân đức, thông thái và can đảm". Delgado thấy lòng mình sôi sục ý muốn truyền giáo. Năm 1785,sau khi bàn hỏi các bề trên, thày Delgado xin chuyển qua tỉnh dòng Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi và được gởi tới Manila Phi Luật Tân để tiếp tục học tập.

Năm 1787, thày Delgado được thụ phong linh mục. Năm sau trong số 15 tu sĩ tình nguyện đến Việt Nam, bề trên chọn Delgado và một người nữa. Thế nhưng nước Việt khi đó đang có nội chiến, nên hai vị thừa sai phải lưu lạc đến Macao, đến Malacca rồi lại trở về Macao. Cuối cùng, năm 1790 cha mới đến được đất truyền giáo cùng với ba thừa sai khác, trong đó có cha Henares Minh.

Tuy mới tới Việt Nam, nhưng mọi người đã nghe đồn về tài năng và nhân đức của cha Delgado khi còn ở Manila, nên đã quý mean cha cách đặc biệt . Sau vài tháng học tiếng cha được cử coi sóc chủng viện hai năm. Làm cha chính giáo phận hai năm, kiêm chức đại diện coi sóc các cha dòng Đaminh. Sự khôn ngoan nhân đức của cha được xác nhận khi Đức Cha Alonsô Phê đệ trình lên Toà Thánh xin đặc cha làm giám mục phó có quyền kế vị. Đức Piô VI đã chính thức công nhận trong đoản sắc ngày 11.02.1794, nhưng mãi tháng 09 năm sau nghi lễ tấn phong mới được cử hành trong niềm vui của toàn giáo phận. Vị Tân giám mục khi đó mới 33 tuổi.

Các sử gia ghi nhận Đức cha Ignatô Y đã thích ứng được với miền truyền giáo ngay từ những ngày đầu, từ khí hậu, ngôn ngữ đến phong tục và những món ăn địa phương. Bốn năm coi chủng viện và làm cha chính, giúp ngài hiểu rõ về tình hình địa phương cũng như các giáo sĩ. Giờ đây với chức vụ mới, ngài là vị cộng tác đắc lực vả hữu hiệu của Đức Cha Alonsô Phê trong việc quản trị và truyền giáo. Tháng 8-1798, khi vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ cấm đạo, triệt hạ các nhà thờ bắt bớ các thừa sai linh mục và thày giảng, ép buộc các tín hữu bỏ đạo, Đức Cha Delgado liền viết thư luân lưu cho các gíao sĩ thu cất các đồ thờ, nếu phải ẩn trốn thì đừng đi quá xa, để có thể tiếp tục phục vụ các giáo hữu. Đặc biệt Đức Cha tin tưởng vào sức mạnh từ trời cao khi kêu gọi các tín hữu ăn chay những ngày thứ tư, và đọc kinh cầu các thánh mỗi ngày cầu xin ơn bình an.

Trong báo cáo gởi về cho tỉnh dòng Mẹ, Đức cha viết : "…Các giáo sĩ phải ẩn trong hầm hố, trong rừng sâu hay trên đồng vắng, nhưng vẫn lén lút cải trang về thăm các giáo hữu". Riêng hai vị giám mục vẫn tiếp tục đi thăm viếng hết xứ này đến xứ khác trong giáo phận vẫn tiếp tục đi thăm viếng hết xứ này đến xứ khác trong giáo phận. Một hôm Đức Cha Phê đi kinh lý tại khu vực trấn kinh Bắc (Bắc Ninh) thì sốt rét và qua đời tại Lai Ổn ngày 02.02.1799, trút hết gánh nặng Giáo phận cho Đức cha Y. trong bài giảng lễ an táng. Đức Cha Y nhắc lại mẫu gương và lời kinh vị tiền nhiệm thường đọc là : "Lạy Chúa xin hãy nung đốt con, cưa cắt con đừng tha thứ cho con ở đời này, để con được thứ tha muôn đời". Đức Cha Y đã nối tiếp truyền thống và mẫu gương đó, suốt đời chấp nhận gian khổ và không quản ngại để phục vụ Chúa trong tha nhân.

Công việc Đức Cha quan tâm nhất là đến thăm tất cả các họ đạo dù đường xá xa xôi trace trở đến đâu. Từ đầu năm 1803, công tác này được san sẻ cho vị Tân giám mục Henares Minh (thụ phong ngày 09.01.1803). Lúc đó, đường xá miền Bắc không được như bây giờ, hai vị giám mục đã phải đi hàng ngàn cây số đường mòn bờ đê, phải xuyên rừng leo núi … thế mà không họ lẻ nhỏ nhất nào không được các vị đến thăm nhiều lần. Tại mỗi nơi các ngài đưa ra chỉ thị cụ thể, sửa lại những lạm dụng, trừ diệt những thói dị đoan và xoá bỏ tệ nạn cho vay nặng lãi.

Suốt thời đại Gia Long và những năm đầu thời Minh Mạng, tuy còn một vài vụ bắt bớ ở địa phương, nhưng nói chung đây là thời tương đối bình an nhất. Đức cha Y đã tận dụng giai đoạn này để tổ chức giáo phận vững chắc hơn. Ngài quan tâm nhiều đến việc đào tạo linh mục bản xứ, củng cố chủng viện nhất là tại Ninh Cường, Lục Thuỷ, Tiên Chu và Ngọc Đồng. Số linh mục chỉ 10 năm sau đã tăng gấp đôi (năm 1810 có 54 linh mục Tây và Việt). Là thành phần dòng Đaminh, đức cha được sự hộ trợ tích cực của tỉnh dòng Mẹ về nhân sự trong giáo phận, thế nhưng chủ yếu ngài đào tạo linh mục triều, rồi sau khi đã làm linh mục, nếu ai muốn rồi mới xin chuyển qua dòng. Ngoài 16 cha dòng Việt cũ, thời Đức Cha Y có thêm 66 cha dòng người Việt, hỗ trợ công tác mục vụ và truyền giáo, sát cánh với linh mục triều.

Suốt 20 năm thái bình, các tín hữu được tự do tham dự kinh lễ mỗi ngày, nên được học hỏi về giáo lý kỹ lượng hơn và sống đạo tốt hơn. Nhiều nơi tổ chức ghi lễ công khai và long trọng, lôi cuốn các anh em lương dân đến dự rồi tìm hiểu và bỏ những thành kiến nghi kỵ với đạo. Thí dụ trước đây họ thường trách người theo đạo là bỏ cha mẹ tổ tiên, nay mới hiểu được trong đạo có những ghi lễ chôn cất, giỗ chạp cũng trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Dần dần số người xin theo đạo ngày càng đông. Chỉ trong 10 năm có hơn 10.000 người lớn xin rửa tội. Con số 114.000 tín hữu khi Đức Cha Y nhận quyền giáo phận đã tăng lên 160.000 vào năm 1815, với gần 800 họ đạo.

Ý thức trách nhiệm mình đối với tiền nhân, đức cha cho ủy nhiệm một số người và đích thân điều hành việc nghiên cứu cuộc đời sự nghiệp hai linh mục tử đạo tại Hà Nội năm 1773 là cha Castañeda Gia và Vinh Sơn Liêm. Năm 1818, Đức Cha hoàn tất hồ sơ xin phong thánh gởi về Rôma.

Những năm đầu thời Minh Mạng, ôn dịch hoành hành khắp nơi, có tỉnh chết hàng chục ngàn người, kinh tế kiệt quệ, mọi người khiếp sợ, lương dân cũng như giáo hữu chạy vào nhà thờ xin nước thánh, nhà vua không dám ra khỏi cung điện. Tiếp đến là mất mùa hạn hán và đói khổ… Nhân cơ hội này Đức Cha Y cổ động các thừa sai và tín hữu thể hiện long bác ái, săn sóc các bệnh nhân cứu trợ người túng thiếu… khiến mọi người kính nể.

Những chiếu chỉ cấm đạo 1825 và 1833 không được thi hành triệt để ở giáo phận Đông Đàng Ngoài, các quan có thiện cảm với đạo, lại phò Lê hơn phò Nguyễn, nên báo cáo với vua cho có hình thức. Bất ngờ ngày 17.04.1838, thày Vũ Văn Lân, thày giảng của cha Viên, về tòa giám mục lãnh dầu thánh, mang theo sáu lá thư (cho hai Đức cha, hai linh mục thừa sai và hai linh mục người Việt), bị phát hiện và bị bắt. Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh hí hửng đưa sáu lá thư về khoe với vua. Tuần phủ Hưng Yên liền bị cách chức, Trịnh Quang Khanh bị triều về kinh khiển trách. Tướng Lê Văn Đức dẫn thêm hai ngàn lính kinh đô ra hỗ trợ việc bắt đạo, bão tố bắt đầu bùng lên trên đất Nam Định. Nhiều mật thám đã phái đi len lỏi khắp nơi. Hai chủng viện Ninh Cường, Lục Thủy và nhiều nhà chung nhà phước tự rỡ xuống để tránh sự dòm ngó, các chủng sinh phải giải tán, các nữ tu phải trở về gia đình, giáo hữu phải tự tìm chỗ ẩn. Hai Đức Cha và hai thừa sai đến náu thân tại làng Kiên Lao.

Kiên Lao là một làng lớn, nguyên số tín hữu cũng lên đến 5.000 người. Các kỳ mục trong xứ thu xếp cho hai Đức cha và hai thừa sai ở bốn nhà khác nhau. Gần chỗ Đức cha Ignatiô Y trốn có thày đồ Hy, các kỳ mục cẩn thận đến điều đình xin ông tạm thời dời chỗ dạy học. Thấy lạ thày đồ gạn hỏi các học sinh và biết được có người Âu Châu núp, liền đi báo với các quan. Ngày 27.05.1838, khoảng 200 lính đến bao vây làng Kiên Lao dưới sự chỉ huy của quan Lê văn Thế. Họ kiểm tra qua loa rồi bỏ đi. Các thừa sai tưởng yên ổn nên sinh hoạt bình thường. Không ngờ ngay sáng hôm sau, quân lính trở lại và bao vây đùng nhà các ngài đang ở ẩn.

Cha Jimenô Lâm và cha Hermosilla Vong nhanh chân trà trộn vào đám đông chạy thoát. Đức Cha Henares Minh được đưa đi trốn ở nhà khác (một tuần sau mới bị bắt). Còn Đức cha Y đã 76 tuổi, được anh em tín hữu khiêng đi trên võng bị lính nhận ra, đuổi theo và bắt tại chỗ. Họ trói Đức Cha nằm trong võng và cáng về đình làng, vừa đi vừa reo hò mừng rỡ, quên cả việc bắt các thừa sai còn lại.

Viên quan hỏi Đức cha "Ông từ đâu đến?". Ngài đáp : "Tôi ở nơi khác mới đến làng này, họ chẳng liên hệ gì đến tôi". Quan nói : "Ông đã bị bắt, ông có thể tự vẫn như những người dũng cảm khác thường làm". Đức Cha trả lời : "Chúng tôi không được tự vẫn, vì đó là trọng tội. Nhưng nếu vì đạo, quan truyền giết tôi thì tôi hết sức vui mừng".

Chiều đến, đức cha được đưa về phủ Xuân Trường. Đêm đó quan Lê Văn Thế truyền nhốt Đức Cha vào cũi gỗ, bốn phía có các hàng song như cũi giam thú dữ, các song gỗ được đóng liền sát với nhau không thể thò tay ra ngoài, trên nóc ông cho trổ một cửa nhỏ để đưa cơm nước cho tù nhân. Chiếc cũi thấp tè, khiến người bị giam không bao giờ đứng thẳng được, đó sẽ là căn nhà của đức cha từ nay cho đến chết.

Về phần Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh, khi nghe tin liền gởi 100 lính đến hỗ trợ, áp giải tử phủ về tỉnh Nam Định 11 giờ trưa, ngày 30.05, tất cả các quan tỉnh cùng 2000 lính đón chờ "con mồi vĩ đại" mới bắt được. Cờ xí rợp trời, trống cái trống con, chiêng la vang dội… thế là họ vô tình đón rước người anh hùng đức tin với nghi thức một quân vương. Còn vị anh hùng, ngài quỳ gối cầu nguyện trong cũi, tay không rời cuốn sách vẫn đem theo từ lúc bị bắt, có lẽ là cuốn sách nguyện.

Không thể kể cho xiết những nỗi khốn cực đức cha phải chịu suốt 43 ngày bị giam trong cũi. Ăn uống thì thiếu thốn, rồi những buổi tra hỏi, những lời sỉ nhục chửi bới, có người còn nhổ nước miếng vào mặt. Sau những buổi hỏi cung, quân lính khiêng cũi ra bỏ ở cửa Tây của thành. Mình ngài lúc nào cũng nhễ nhãi mồ hôi dưới sức nóng mặt trời hoặc lạnh cóng vì sương đêm lạnh lẽo. Thế nhưng ngoài những lời khai về lý lịch bản thân, đức cha không tiết lộ một người nào hay một vùng nào liên hệ.

Thỉnh thoảng đức cha lại nói với quan và lính rằng : "Các ngài chưa biết về đạo Chúa Giêsu, nếu các ngài biết, hẳn các ngài sẽ theo đạo".

Ngày 14.06, Trịnh Quang Khanh gởi bản án về hoàng cung, nhưng vua Minh mạng không châu phê, vì vua muốn vị thừa sai nhận tội "làm mật thám". Dĩ nhiên ngài không thể nhận điều vu cáo ấy được. Một hôm ngài nói với quan : "Tôi ở An Nam đã 48 năm, tôi có giấy tờ của Tiên Đế (Gia Long) cho phép giảng đạo. Xin quan cứ dẫn tôi về triều đình, nếu vua muốn nướng thịt tôi mà ăn thì tôi cũng chịu…Xin đừng để lâu kẻo quân lính trông coi vất vả làm gì".

Án xử lần thứ hai gởi vào kinh được vua châu phê ngay, nhưng bản án chưa kịp về đến nam Định thì đức cha đáng kính đã từ trần. Với tuổi già 76, cộng với sức yếu vì bệnh tật, một tháng rưỡi trong cũi đã làm đức cha kiệt lực và an nghỉ trong Chúa ngày 12.07.1838, sau 43 năm làm Giám Mục. Quân lính thấm dầu vào vải, quấn quanh ngón chân, đốt thử xem chết thật chưa, rồi báo cho quan tổng đốc hay. Quan quyết định : "Cứ thi hành mọi sự như án đã đề ra, để mọi người biết tội y nặng nề dường nào."

Quân lính liền khiêng cũi đức cha ra pháp trường Bảy Mẫu, đưa thi thể ra ngoài, rồi chém đầu trước sự hiện diện của quan giám sát và một vài tín hữu. Thi hài vị tử đạo được các tín hữu đem về an táng tại nhà thờ một thánh đường đã bị phá hủy ở Bùi Chu. Thủ cấp đức cha được treo nơi công cộng ba ngày, rồi ném xuống sông Vị Hoàng. Hơn ba tháng sau một người đánh cá vớt được, đưa về an táng chung với thi hài của ngài.

Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII suy tôn vị giám mục dòng thuyết giáo Ignatiô Y lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Trường Thi Tử Đạo

Inhaxiô Delagado (Y) giám mục
Sinh Tân Tỵ (1761) quê thực (Tây) Ban Nha
Nhiệt thành rộng mở nước Cha
Thừa Sai truyền giáo nước ta đăng trình

Thầy cố gắng hy sinh học tập
Sau bao năm khẩn cấp ở Phi
Thụ phong linh mục gởi đi
Bài sai truyền đạo Bắc Kỳ Việt Nam

Cha rất giỏi học ham tiếng Việt
Tên địa phương tha thiết là Y
Bề trên chủng viện kiên trì
Quản coi linh mục trường kỳ Ðaminh

Vua Cảnh Thịnh thình lình cấm đạo
Ngài gởi thư loan báo ẩn mình
Nhủ khuyên cầu nguyện hy sinh
Ăn chay sám hối hãm mình nêu gương

Ðức cha Chính trên đường lẩn trốn
Ðã qua đời trên chốn rừng sâu
Gia Long cai trị khởi đầu
Tự do truyền đạo tươi mầu khắp nơi

Ðức cha Y trước thời làm phó
Sau trống tòa khi đó lên thay
Chủ chăn ngài rất gặp may
Sửa sai tệ trạng những ngày sơ khai

Ði thăm họ đạo ngài sốt sắng
Giảng truyền rao cố gắng chủng sinh
Phúc âm lời Chúa nhiệt tình
Vườn nho của Chúa, đẹp xinh trái nhiều

Lại vượt trổi chỉ tiêu đức hạnh
Ðức Giáo Hoàng Tòa Thánh tuyên dương
Thừa sai vững mạnh lên đường
Việt Nam Công giáo, tình thương Chúa Trời

Công ngài lớn tuyệt vời làm án
Phong chân phước cha bạn tu dòng
Ðaminh linh mục sẵn lòng
Hy sinh tử đạo sáng trong rạng ngời

Rồi sau đó tới thời Minh Mạng
Các Thừa sai ra lệnh về cung
Mở màn trang sử khốn cùng
Việt Nam Giáo hội nhà chung điêu tàn

Các tu sĩ Bắc Nam ẩn trốn
Các Thừa sai khốn đốn khắp nơi
Quan quân vây bắt đạo Trời
Ðức Y giả dạng ngài thời đổi tên

Ðức Giám mục kêu lên Trùm Cả
Vị Chủ chăn ngài giả giáo dân
Ðó đây thoát hiểm nhiều lần
Quang Khanh cho lính xa gần bổ vây

Chúng cho lính đứng đầy lục soát
Bắt được người cộng tác đưa thư
Hồ sơ đầy đủ chứng từ
Quang Khanh mừng rỡ, y như được vàng

Liền cử lính lên đàng khẩn cấp
Ðem về kinh sẽ lập công to
Nhà vua tức giận phê cho
Truất quyền truất chức mà lo về vườn

Bị mất chức tìm phương chuộc tội
Cả tháng trời lặn lọi khắp nơi
Sáu ngàn lính đã kịp thời
Ông sai đi khắp chẳng rời ngày đêm

Sai lục soát làng trên xóm dưới
Xét từng nhà giăng lưới sớm trưa
Giáo dân sợ hãi chúng lùa
Thừa sai không dám đón đưa về nhà

Ðang khi ấy Ðức cha Y ẩn
Trong hầm sâu ở tận Kiên Lao
Gia đình Công giáo hồi nào
Giuđa bán Chúa xé rào báo quan

Lê Ngọc Thể dã man tới bắt
Giáo dân khiêng ngài, tắt lối sau
Nhưng mà lính rượt quá mau
Giáo dân bỏ chạy mà đau đớn lòng

Quan bắt được tay còng tra tấn
Bấy lâu nay trốn ẩn những đâu
Nay đây mai đó dãi dầu
Kiên Lao mới tới lần đầu mà thôi

Xin quan lớn hãy hồi tha họ
Tôi tới đây chẳng trọ nhà ai
Tự vẫn trọng tội thưa ngài
Chết vì đạo Chúa quan cai chém đầu

Tử vì đạo phép mầu Chúa thưởng
Cảm ơn quan cho hưởng chém đầu
Ðức cha vừa nói xong câu
Quan liền cho lính phủ đầu đánh la

Chúng áp tải ngài đà vào cũi
Tội nghiệp ngài phải cúi lom khom
Giáo lương theo sát ngó dòm
Cửa thành lính chặn hết còn lối vô

Ngài nhìn thấy liền hô Thánh giá
Xin cầm lên như đã yêu cầu
Cửa Nam phơi nắng khá lâu
Cả gần tháng rưỡI dãi dầu gió sương

Giám mục hai mươi năm trường dạy đạo
Tại tỉnh Nam đôn đáo khắp nơi
Tả đạo truyền giảng lừa người
Lệnh vua bắt nhốt sẽ thời đầu rơi

Khi chờ đợi tuổi đời già yếu
Ðức cha Y chết yểu rũ tù
Lính khiêng cái cũi ra khu
Pháp trường Bảy Mẫu chém thù xác thân

Xin lấy xác, giáo dân chôn cất
Ở Bùi Chu rất thật trang nghiêm
Ðầu ngài bêu nắng triền miên
Ba ngày sọt đá ném liền xuống sông

Thuyền đánh cá có ông vớt được
Ðem đầu ngài kết ước với thân
Bùi Chu chôn cất mộ phần
Việt Nam Giáo hội xa gần kính tôn

Phúc tử đạo tiếng đồn Mậu Tuất (1838)
Ðã chết rồi còn mất cái đầu
Khải hoàn Chân phước không lâu
Suy tôn Canh Tý (1900) nguyện cầu thánh nhân

Lời bất hủ: Ðức Cha nói với binh lính: "Các ngài chưa biết về đạo Chúa Giêsu, nếu các ngài biết, hẳn các ngài sẽ theo đạo". Ðức Cha nói cùng quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh rằng: "Tôi ở Annam đã 48 năm, tôi có giấy tờ của Tiên Ðế (Gia Long) cho phép giảng đạo. Xin quan cứ dẫn tôi đến triều đình, nếu vua muốn nướng thịt tôi mà ăn tôi cũng chịu. Xin đừng để lâu kẻo quân lính phải canh coi vất vả làm gì".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #14
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
13. Ða-Minh Cẩm (1810 - 1859)

Ða Minh Cẩm, là một linh mục Dòng Ba Ða Minh, sinh tại Cẩm Chương, thuộc xứ Kẻ Roi, Bắc Ninh; Hiện tại chưa tìm được tài liệu nào liên quan đến năm sinh của Ngài, chết 3 tháng 3, 1859 tại Hưng Yên. Ngày 29-04-1951, Đức Piô XII suy tôn cha Đaminh Cẩm cùng với 24 vị tử đạo khác lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính ngày 11/03

Trên đường nhiệm vụ

Đi bất cứ nơi nào khi trách vụ đòi hỏi. Đó phải chăng là kỷ luật một người lính ?- như vậy thì cha Cẩm đích thực là một người lính của Chúa Kitô, chiến đấu cho tình thương. Đó phải chăng là đức tính của một người tôi trung ?- Cha Cẩm cũng đúng thực là một người đầy tớ khôn ngoan và trung thành "đúng giờ phân phối thóc gạo cho gia nhân", và luôn "cầm đèn sáng chờ đợi chủ về".

Đi bất cứ nơi nào khi trách vụ đòi hỏi. Điều đó có vẻ đơn giản quá, bình thường quá, chưa có nét gì là một cuộc ra đi "vĩ đại", một cuộc lên đường đảo lộn cuộc đời. Thế nhưng nó vẫn là một cuộc lên đường thực sự trong từng công việc bình thường, và nếu như cái vẻ bề ngoài của một cuộc lên đường còn chưa bộc lộ hết tấm lòng cương quyết, trung kiên của một người lính, một người tôi trung thì trong cuộc đời cha Cẩm, chính cái chết, phải, chính cái chết đã làm trọn tất cả, bộc lộ được những gì cao đẹp nhất của những lần lên đường. Vì thật ra nó chỉ là một cuộc lên đường duy nhất về Nhà Cha.

Linh mục nhiệt thành

Đaminh Cẩm sinh tại làng Cẩm Giàng (hay Cẩm Chương), xứ Kẻ Roi, tỉnh Bắc Ninh (nay là Hà Bắc, gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Vì thông minh sắc xảo từ nhỏ, nên cậu Đaminh Cẩm được thu nhận vào nhà Chúa. Sau khi mãn khóa thần học, thầy Cẩm được lãnh chức linh mục. Vị linh mục trẻ trung này chẳng bao lâu đã xin gia nhập dòng ba Đaminh. Cha rất nhiệt thành với việc tông đồ, và được bề trên cũng như mọi người quý mến.

Năm 1848, khi tòa thánh chia giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai giáo phận Đông (Hải Phòng) và Trung (Bùi Chu) thì cha Đaminh Cẩm tuy sinh quán Bắc Ninh (thuộc giáo phận Đông), lại được cử phục vụ ở giáo phận Trung có số tín hữu đông gấp ba lần. Tại đây khi cuộc bách hại trở nên gay gắt, vì lợi ích của giáo dân cha phải lẩn trốn hết nơi này đến nơi khác. Nhưng mỗi khi trách nhiệm mục vụ đòi hỏi cha Cẩm luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, dù có nguy cơ bị bắt bớ.

Đầu năm 1859, khi cha về Hà Lan ẩn náu, một người phát hiện ra cha và tố cáo với quan (lúc này người nào khai báo các thừa sai hay linh mục, đều được thưởng tiền bạc chức tước). Do đó quan quân đến vây bắt cha tại Hà Lan ngày 21-01-1859 và giải cha về Hưng Yên.

Trước mặt quan tổng đốc, cha Đaminh Cẩm khẳng khái nhận mình là linh mục Công Giáo và sẵn sàng chấp nhận mọi hình khổ, chư không bao giờ chà đạp Thánh Giá. Sau nhiều lần khuyến dụ và đe dọa nhưng không kết quả, quan Tổng Đốc ra lệnh nhốt cha vào cũi chật hẹp ròng rã mấy tháng trời.

Hào quang thiên quốc

Trong thời gian bị giam, tư cách và đức độ của cha Cẩm đã khiến quân lính cảm kích, nên họ dễ dãi cho phép nhiều giáo hữu lui tới thăm viếng cha. Noi gương thánh Phaolô Tông Đồ, cha nhân cơ hội này tiếp tục giảng Tin Mừng và khuyên nhủ mọi người trung thành giữ vững đức tin, hết lòng đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa. Nhờ các giáo hữu liên lạc, nhiều lần cha đã viết thư cho vị giám mục giáo phận, đức cha Valentinô Vinh, bày tỏ lòng trung kiên với Đức Kitô và mong mỏi khao khát được phúc tử đạo. Đức cha cho linh mục Hương vào thăm và giải tội cho cha Cẩm ngày 30-01.

Khi nhận được tin kết án trảm quyết, cha Đminh Cẩm tỏ vẻ hân hoan vui mừng. Trên đường đến pháp trường cha hiên ngang như một chiến sĩ khải hoàn. Bà Maria Huệ, một giáo dân hiện diện trong giờ hành quyết đã làm chứng : "Khi tới nơi xử cha cầu nguyện một lát, rối vui vẻ làm hiệu cho lý hình thi hành phận sự".

Quân lính vung gươm chém cha ba nhát mà đầu vẫn chưa đứt. Họ phải cứa đi cứa lại nhiều lần, đầu cha mới lìa khỏi thân. Hôm đó là ngày 11-03-1859. Thi thể sau được rước về an táng ở Cẩm Chương là nguyên quán của vị tử đạo.

Ngày 29-04-1951, Đức Piô XII suy tôn cha Đaminh Cẩm cùng với 24 vị tử đạo khác lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Trường thi tử đạo

Ði bất cứ nơi đâu đòi hỏi
Ðaminh Cẩm lính giỏi Kitô
Vinh danh Thiên Chúa tung hô
Cầm đèn chờ đợi đón vô chủ về

Lên đường phục vụ thề cương quyết
Chủ đi về mới biết tôi trung
Nhiệt thành Linh Mục trong vùng
Bắc Ninh Cha Cẩm, Chúa dùng giảng rao

Linh Mục trẻ tiến vào công việc
Ðược bề trên đặc biệt mến yêu
Thông minh sắc sảo nhiều điều
Hăng say hoạt động sớm chiều giúp dân

Ðông tín hữu rất cần Linh Mục
Cha Cẩm đi tiếp tục lên đàng
Miền Trung phục vụ gian nan
Quan quân cấm đạo chặn đàng gắt gao

Cha chẳng ở nơi nào cố định
Sống đó đây theo lệnh bề trên
Những khi phục vụ ngày đêm
Xa gần nguy hiểm kề bên đi liền

Sau Cha đến một miền ẩn náu
Xứ Hà Lan cách sáu bảy cây
Có người xấu bụng nơi đây
Lên quan tố cáo bổ vây bắt liền

Ðược trọng thưởng bằng tiền bằng tước
Kẻ chỉ đường bắt được một Cha
Quan quân lục soát từng nhà
Bắt Cha chúng trói giải ra Bắc liền

Trước mặt Tổng Ðốc truyền xét xử
Tỉnh Hưng Yên căn cứ pháp trường
Ðặt cây Thánh Giá trên đường
Bắt Cha Cẩm đạp, quê hương thả về

Cha khẳng khái lời thề son sắt
Tôi sẵn sàng chịu chặt đầu rơi
Chức Linh Mục Chúa rạng ngời
Khổ hình đón nhận trọn đời trung kiên

Quan Tổng Ðốc ông liền khuyên dụ
Trong nhà giam để Cụ nghĩ suy
Thân thương đức độ nhu mì
Khiến quân lính gác rất thì cảm thông

Thật dễ dãi số đông giáo hữu
Viếng thăm Cha dắt díu trẻ già
Tin mừng rao giảng lời Cha
Trọn niềm trông cậy thiết tha Chúa Trời

Cha đã viết trình nơi Giám Mục
Con nguyện cầu tiếp tục trung thành
Khát khao tử đạo vinh danh
Cho con sớm được thực hành ý Cha

Giờ hành quyết một bà nhân chứng
Cha nguyện cầu khi đứng giữa sân
Lý hình ra hiệu tới gần
Lính vung gươm chém ba lần đầu rơi

Rước thi thể về nơi an táng
Làng Cẩm Chương nguyên quán của Cha
Hào quang Thiên Chúa chói lòa
Ðaminh Linh Mục tỉnh nhà Bắc Ninh

Năm Kỷ Mùi (1895) hiển vinh tử đạo
Thắng ba thù thắng bạo quan quân
Tân Mão (1951) Toà Thánh dành phần
Suy tôn Chân Phước thế trần hoan ca

Lời bất hủ: Trước mặt quan Tổng đốc, Cha Ðaminh Cẩm khẳng khái nhận mình là linh mục Công Giáo và sẵn sàng chấp nhận mọi hình khổ, chứ không bao giờ chà đạp lên Thánh giá. Khi đến nơi xử, cha quỳ gối cầu nguyện một lát, rồi vui vẻ ra hiệu cho lý hình thi hành phận sự.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #15
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
14. Ða-minh Ðinh Ðạt (1803 - 1838)

Ða minh Ðinh Ðạt là một binh sĩ; Ngài sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh; chết ngày 18/7/1838, tại Nam Ðịnh. Khi người ta khám phá rằng ngài là một người tân tòng, ngài bị bắt, bị tước bỏ chức vụ vì đức tin công giáo (Ngài đi lính từ năm 24 tuổi, tới năm Ngài bị bắt đã ở trong quân ngũ được 12 năm). Ngài có thể thuộc Dòng Ba Ða Minh. Chịu xử giảo (thắt cổ) chết. Phong Á Thánh 1900. Lễ kính vào ngày 13/06.

Vào năm Minh Mệnh thứ 19, nhà vua truyền cho các quan phải bắt các lính có đạo trong quân ngũ phải quá khóa. Quan tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh hồi đó là Trịnh Quang Khanh. Chiếu chỉ của vua cho Trịnh Quang Khanh như sau: "Nếu khanh muốn giữ vững thủ cấp trên cổ, khanh phải tuân theo lệnh của trẫm. Trẫm trao phó cả ngàn quân sĩ và đặt hết tín nhiệm nơi khanh. Hạn cho khanh trong vòng một tháng phải bắt tất cả các linh mục trốn tránh trong tỉnh, và thanh trừng các lính Công Giáo trong quân ngũ đến đứa cuối cùng. Trẫm không muốn giết chúng, nhưng trẫm muốn chúng bỏ đạo."

Thừa lệnh của vua, Trịnh Quang Khanh đã thề tiêu diệt đạo Công Giáo đến nỗi không có một quan nào dữ tợn hơn ông trong lịch sử bách đạo tại Việt Nam. Ðể thi hành đắc lực lệnh của nhà vua, Quan Trịnh Quanh Khanh còn sáng chế ra những hình phạt kinh khủng để làm cho người Công Giáo hoảng sợ mà chối đạo. Ðối với những người nhất định không chối đạo, thì ông dùng tù đày, hoặc khuyến dụ bằng những lợi lộc hoặc chức quyền. Ông cũng không quên dùng những người Công Giáo đã bỏ đạo để làm lung lạc các chiến sĩ của Chúa. Có khi ông còn dùng áp lực phạt thân nhân của các người Công Giáo, để vì thương hại thân nhân mà chối đạo. Trong thành Nam Ðịnh vào năm 1838 có tất cả chừng 500 lính Công Giáo bị điệu ra trước tòa để xử. Dĩ nhiên không phải cả 500 người đều là những Công Giáo tốt. Trong số này, có đủ loại người, có người đạo đức và có người sống đời bê bối. Nhưng họ đều có đức tin. Tuy nhiên Trịnh Quang Khanh cho điệu tất cả các lính tới hầu tòa. Trước khi hầu tòa, quan cho các ông ăn uống no say. Sau khi ăn uống, quan cho cả ngàn quân lính võ trang bao vây các ông lại. Trên khán đài, quan tổng trấn ngồi chễm trệ, với các chức sắc dân sự và quân sự ngồi theo thứ tự đẳng cấp. Ở một phía bên của tòa án, lý hình với đủ mọi hình cụ dữ tợn để dọa các lính trung kiên với giáo hội. Ở phía khác, quan truyền đặt nhiều cây thánh giá để lính Công Giáo phải bước qua. Trịnh Quang Khanh đứng lên, bước tới phía trước khán đài, rồi truyền lệnh cho quân sĩ. Ông hứa hẹn rất nhiều lợi lộc của vua ban cho quân sĩ chối đạo. Ông cho họ biết ông đối xử với quân lính như người cha, như người mẹ. Tuy nhiên ông muốn biết chắc chắn rằng quân sĩ của ông phải nghe lời ông thì mới được hưởng tước lộc vinh hoa phú quý. "Ðức vua không thể sai lầm, ngài đã cấm theo đạo Gia Tô. Vậy mọi người phải bỏ đạo đó."

Quan không đòi hỏi gì khác, chỉ cần quân lính bước qua thập giá. Quân lính đó sẽ được phục chức trong quân đội và không ai đả động đến tôn giáo này với họ trong tương lai nữa. Ông cũng không quên đe dọa những phần tử bất tuân lệnh của ông. Ông chỉ về phía các hình cụ để đe dọa những phần tử bất tuân.

Sau khi tuyên bố những lời vừa khuyến dụ vừa đe dọa, quan truyền cho các quân sĩ phải lần lượt bước qua thập giá. Một số rất lớn đã vâng lời quan bước qua thập giá, một số khác thì từ chối ngay từ đầu. Nhưng quân lính dùng sức lôi họ qua thập giá rồi kể như họ đã bỏ đạo. Cũng có người thì dùng tiền hối lộ để khỏi bị lôi qua thập giá. Những người này, quan cũng coi như đã bỏ đạo.

Sau cuộc xét xử hỗn loạn bắt 500 lính Công Giáo bỏ đạo, các quan vô cùng hoan hỉ, vì phần lớn đã chối bỏ đức tin. Những người chối đạo này trở về nhà bị lương tâm cắn rứt. Nhiều người suốt đời ăn năn thông hối, mỗi khi đi xưng tội thì chỉ khóc lóc vì tội phản bội của mình. Có người hối hận suốt đời. Có người vẫn khóc khi đi xưng tội dù đã 40 năm sau. Như trong truyện của các cha truyền giáo kể lại, có người vào tòa xưng tội chỉ khóc lóc, còn tội thì chẳng phạm tội gì nặng cả. Cha hỏi tại sao con cứ khóc mỗi khi con đi xưng tội, thì ông trả lời: "Thưa cha, con bất hạnh đã đạp thánh giá Chúa, đã 40 năm nay con hối hận khóc lóc mỗi ngày. Sao con còn dám phạm tội nào khác nữa?"

Trong số 500 quân lính cũng còn 15 người nhất định không để cho lính kéo qua thập giá. Họ nhất quyết xưng mình là Kitô hữu. Lập tức họ bị đánh đập tra tấn. Quan truyền lấy gông nặng đeo vào cổ các ông và truyền lệnh giải các ông vào nhà lao. Trong nhà lao, chân tay các ông bị cùm, và bị bỏ đói, tuy nhiên các tín hữu vẫn có thể hối lộ để nuôi các ngài. Ngày hôm sau, quan tìm cách khác thay vì đánh đập, quan bắt bạn bè, vợ con của 15 ông này phải khuyên nhủ các ông bỏ đạo. Những lính đã bỏ đạo cũng được lệnh phải khuyên nhủ các ông. Nhưng các ông vẫn trung thành. Quan lại truyền quân lính đánh đập các ông. Quân lính lại lôi các ông qua thập giá, nếu ông nào nhấc chân lên không chịu đạp lên thánh giá thì bị quân lính dùng roi đánh vào chân các ông. Thậm chí chúng còn buộc thánh giá vào chân các ông để các ông bước đi, rồi hô lên các ông đã bỏ đạo. Các ông phản đối và quyết xưng mình là Kitô hữu. Quân lính tức giận lại đánh các ông rất đau đớn. Vừa bị đòn đánh, vừa bị thân nhân và bạn bè dùng đủ mọi lý do để khuyên nhủ các ông bỏ đạo, sau cùng không chịu được nữa, sáu ông đã xin bỏ đạo.

Bây giờ con số còn lại chỉ còn có chín ông. Can đảm nhất trong chín ông là ông Augustinô Huy. Chín ông bị điệu về ngục thất. Ðêm ấy ông Huy, dù đã xưng đạo ra hai lần vẫn cảm thấy mình tội lỗi cần phải gặp cha để đi xưng tội. Ông Huy là người Công Giáo nhưng ông có hai vợ. Ông đã cưới người vợ có đạo, rồi sau lại cưới một người ngoại đạo ở tỉnh. Ông tìm cách hối lộ để có thể về nhà giải quyết vấn đề gia đình và gặp cha để lo xưng tội. May mắn, ông gặp Cha Thiều cũng có tên là Cha Năng đang làm phúc tại họ Phú Ðường gần nhà ông. Ông đến xin Cha Thiều tha tội. Cha Thiều buộc ông phải làm tờ giấy bỏ vợ hai. Cha cũng an ủi ông và khuyên ông vững lòng chịu khổ vì đạo. Ông Huy vâng lời. Sau khi chịu các phép bí tích, sáng ngày hôm sau, ông lại trở lại nhà giam để chuẩn bị cho cuộc xưng đạo thứ ba.

Ngày ấy, chín người lính lại bị điệu ra trước tòa. Trong phiên tòa, quan Trịnh Quang Khanh lại hứa hẹn ban nhiều bổng lộc của nhà vua cho ai chối đạo, và sẽ phạt nặng nề những ai bất tuân. Trong số chín ông, bốn ông lại xin bỏ đạo. Chỉ còn năm ông nhất định không chịu quá khóa. Quan Trịnh Quang Khanh thấy vậy rất tức giận, truyền cho quân lính đánh các ông nát cả thịt ra. Quan còn truyền lấy búa đập vào các ngón tay cùng nhiều hình khổ khác đánh đập các ông làm các ông đau khổ mà không thể chết được. Ông không muốn giết các ông mà chỉ mong muốn các ông bỏ đạo.

Sau khi thất bại làm lay chuyển lòng dạ sắt đá của năm ông, quan bực mình vừa nguyền rủa vừa truyền tống giam các ông vào ngục như cũ.

Thất bại trong việc diệt trừ đạo Công Giáo, quan Trịnh Quang Khanh bị vua khiển trách và cất chức tổng đốc Nam Ðịnh. Ông bị giáng cấp xuống tuần phủ. Ngày 12 tháng 4 nhuận năm ấy, ông Lê Văn Ðức đang làm tổng đốc Sơn Tây, được cử làm tổng đốc Nam Ðịnh. Ông Lê Văn Ðức cũng theo lối của Trịnh Quang Khanh mà bắt các ông này phải bỏ đạo. Ông Huy và các bạn vẫn cương quyết trung thành với Chúa.

Ngày 25 tháng 6 năm 1838, tại tỉnh Nam Ðịnh quan truyền xử tử Ðức Cha Minh (Henares) và Thầy Phanxicô Chiểu. Quan thượng cũng truyền đem cả năm ông lính đi nữa, giả cách như phải xử một trật với hai đấng kia. Mục đích của quan là để các ông sợ chết mà bỏ đạo. Trái lại các ông vẫn không sợ mà lại vui mừng vì tưởng giờ tử đạo của mình đã đến. Các quan thấy các ông vui mừng lại càng ngạc nhiên, không hiểu tại sao các ông lại muốn được chết vì Chúa. Quan lại truyền điệu các ông về ngục như cũ. Các ông thấy mình không được chết vì đạo, thì lại buồn hết sức.

Sáng ngày hôm sau, 26 tháng 6 quan tổng trấn lại truyền năm ông phải hầu tòa, ông cố gắng hết sức nào áp dụng các hình cụ mà ông mới sáng chế ra, nào đe dọa, nào khuyên nhủ với nhiều hứa hẹn. Các ông vẫn không chịu bỏ đạo. Quan tổng trấn lại truyền đánh đập các ông sưng cả mặt mũi, máu chảy đầm đề. Dù bị đánh đập tàn nhẫn không còn hình tượng người ta nữa, khi hỏi có còn xưng mình là Kitô hữu nữa không, các ông vẫn khẳng khái tuyên xưng các ông vẫn là kẻ có đạo. Thấy mình thất bại, quan tổng trấn càng giận dữ, ông chửi bới thậm tệ, và truyền cho lý hình đánh các ngài cho tới khi nào các ông chịu bỏ đạo thì thôi. Quan tổng trấn mới hành hạ các ông này hơn tuần lễ, nhưng vẫn vô ích.

Ngày kia ông truyền cho lý hình, buộc gông rất nặng vào cổ các ông rồi kéo các ông qua thập giá. Các ông nhất định giơ chân lên chứ không chịu đạp vào thập giá, thì quan lại truyền cho lính đánh đập vào chân các ông đến nỗi các ông không còn sức để mà giữ chân co lên cao được nữa, tức thì chân phải hạ thấp xuống và đạp lên tượng thì quân lính reo hô thật to: "Ðã quá khóa rồi."

Quan án lúc đó truyền không hành khổ các ông nữa, và hỏi các ông: "Sau cùng, các ngươi đã tuân lệnh nhà vua chưa?"

Vừa bị đánh đập đau đớn, vừa sợ hãi, hai ông Siêu và Dụ nói: "Quan lớn dậy thế nào thì chúng tôi xin vâng."

Lậy tức hai ông được quan lớn tha và hứa hẹn đủ điều. Quan lại hỏi ông Huy, ông Thể và ông Ðạt thì cả ba ông đều thưa: "Quan lớn dậy việc gì khác chúng tôi xin vâng, còn bỏ đạo thì chúng tôi không bỏ."

Quan lại truyền giam ba ông vào ngục thất và đeo xiềng và đóng gông nặng hơn nữa.

Thấy hai bạn đã bỏ đạo, ông Huy, ông Thể và ông Ðạt càng ăn chay đánh tội nhiều hơn nữa để xin ơn bền vững. Hai ngày sau khi hai ông lính bỏ đạo, quan thượng nghĩ rằng ông cũng có thể làm cho ba ông này bỏ đạo như hai ông kia. Ông liền truyền dẫn ba ông vào dinh của ông rồi truyền cho ba ông phải bỏ đạo. Ba ông không chịu. Quan thượng lúc đó cũng muốn biết các ông theo đạo và sống đạo thế nào. Quan truyền cho ba ông đọc kinh trước mặt quan. Quan đưa sách cho các ông và truyền cho các ông đọc. Bấy giờ ông Huy, cầm lấy sách đạo mà quan trao cho, đọc theo như cung cách quen đọc trong nhà thờ. Các quan cùng mọi người trong dinh, nín lặng để nghe các ông đọc kinh. Nhân dịp này ông Huy lợi dụng để giảng giải về lẽ đạo cho quan. Quan lắng nghe, nhưng khi giảng tới đoạn không vừa ý quan. Quan liền truyền quân lính vả vào miệng ông. Sau đó quan thượng lại truyền ba ông phải bỏ đạo. Ba ông cương quyết từ chối. Quan thượng lại truyền quân lính khiêng các ông qua tượng thánh giá như những lần trước. Lần này quan truyền đánh dữ tợn hơn lần trước, đánh đến nỗi chân các ông đầy máu me. Khi chân các ông chạm vào thánh giá, thì quân lính lại hô lên: "Quá khóa rồi, quá khóa rồi."

Lúc đó ông Huy, đại diện hai ông kia kêu lên: "Quan lớn dậy đánh đòn cùng kéo ép chúng tôi, có lẽ nào mà nói chúng tôi đã quá khóa được ru?"

Tức thì quan thượng truyền nọc ba ông này ra đánh đòn. Ông bị đánh 20 roi, ông bị đánh 30 roi. Riêng ông Huy thì bị đánh 40 roi ngay hôm đầu. Có chứng nhân nói rằng trong ba ngày liên tiếp mỗi ông bị đánh chừng 130 trượng. Khi hỏi các người khác rằng các đấng bị đánh nhiều trượng như thế thật không? Ai ai cũng đồng ý như vậy.

Dịp khác các quan lấy nhiều lý lẽ mà khuyên ba ông bỏ đạo. Ông Huy lại đại diện anh em thưa rằng: "Bẩm quan lớn, quan lớn dậy chúng tôi bỏ đạo Thiên Chúa, thì chúng tôi sẽ theo đạo nào, vì trong các đạo khác chẳng có đạo nào là đạo thật."

Quan thượng nghe thế liền nói: "Nếu ngươi bảo đạo chúng bay là đạo thật, sao vua nghiêm cấm đạo ấy?"

Sau đó quan còn nói nhiều điều phạm thượng tới đạo Công Giáo. Ông Huy lại có dịp cắt nghĩa lẽ đạo cho các quan, cùng bẻ các lý lẽ mà quan đã nói. Thất bại về tranh biện với các đấng này, quan thượng lại truyền đánh đập và phạt các ông.

Vào những buổi trưa hè nóng bức, các ông bị cạo trọc đầu, cổ mang gông, chân tay xiềng xích, phơi nắng trước cổng dinh. Giữa lúc nắng hè, các ông đau khổ phần vì nóng bức, phần vì ruồi nhặng bậu vào để hút những vết máu mà tay chân các ông bị xiềng xích không thể đuổi đi được. Giữa lúc đó các bạn hữu, các bạn đồng đội theo lệnh quan thượng phải tới khuyên nhủ các ông bỏ đạo. Hơn nữa, quan lại còn thưởng cho những tín hữu bỏ đạo, hay thăng cấp. Ðiều này cũng làm cho các ngài dễ dàng bị lung lạc. Có lần vợ ông Ðạt đến khóc lóc và dùng đủ mọi cách để chồng dẵm lên thánh giá. Ông Ðạt đã đủ can đảm trách mắng vợ và cấm bà lần sau không được đến gặp ông nữa. Các ông vẫn bị phơi nắng từ ngày này sang ngày khác. Lần kia có một người tín hữu thấy ông Huy bị phơi nắng khổ sở như vậy, liền lấy quạt che cho ông. Khi ông Huy thấy cử chỉ của bà như vậy, ông cám ơn bà và nói với bà: "Chúa để chúng tôi chịu sự khốn khó để đền tội chúng tôi. Tôi xin bà đừng che nắng cho tôi."

Trong ngục tù, các đấng này còn ăn chay hãm mình bốn lần một tuần: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy. Dù đồ ăn trong ngục đã ít oi, mà các đấng còn hy sinh để giúp cho những tù nhân khác. Các ông cầu nguyện không ngừng và còn xin các bổn đạo khi đến thăm các ngài: "Xin các ông các bà cầu cho chúng tôi để chúng tôi bền vững, vì chúng tôi biết chúng tôi rất yếu đuối."

Quan thượng là người thông minh, học rộng thế mà lại tranh luận thua những người học thức tầm thường này. Ðức Cha Marti nói: "Về vấn đề này, tôi rất tiếc không đủ tài liệu chi tiết về những lý luận ngu xuẩn và phi lý của quan trên về đạo giáo đối với ba quân binh này. Tôi biết họ hỏi rất nhiều câu hỏi đặc biệt về bí tích giải tội và hôn phối. Ông Huy đã trả lời rất đúng và khúc chiết và dễ dàng đập tan những ý xảo quyệt của những người vô đạo và thờ ngẫu tượng này. Ông thường nói về mục đích của Chúa ban phép bí tích, sự thánh thiện của bí tích, sự thánh thiện của nghi thức đi kèm với bí tích. Về bí tích giải tội, ông nói nếu giải ban đêm là vì trong thời cấm đạo. Còn bình thường các cha giải tội ban ngày."

Ðức Cha Marti còn kể tiếp ít nhất là một lần, quan thấy ông Huy đối đáp khôn khéo, quan truyền đuổi ông ra ngoài, kẻo ông nghe được những người quanh quan thượng khen ngợi hoặc ông lại ảnh hưởng trên các người chung quanh quan.

Một ngày kia, quan lại hạch hỏi và tranh luận với ông Huy về quá khứ đời tư của ông, để làm ông chán nản: "Giả dụ như có ai từ trước tới nay sống đời đạo đức mà muốn chết vì đạo còn hiểu được, chứ như ngươi trong quá khứ đã sống như người ngoại, có hai vợ, ngươi sống dường như không phải là bổn đạo. Mà bây giờ ngươi cứ giữ luật Kitô hữu, thì quả là điên khùng, không thể chấp nhận được."

Về vấn đề này, ông Huy đã trả lời quan với hết lòng khiêm nhường rằng cho tới nay ông đã sống đời sống Kitô hữu như gương mù, theo tính xác thịt, theo sự yếu đuối của ông. Nhưng Chúa nhân lành vô cùng đã thương ông, cho ông biết thống hối, và bỏ vợ hai. Ông đã bỏ mọi sự ngay cả mạng sống nữa chứ không bỏ đạo Kitô giáo.

Không lay chuyển ông được, quan thượng lại dùng bạo lực. Ðức Cha Marti kể lại rằng quan thượng còn dùng nhiều hình khổ đặc biệt để lay chuyển ý chí sắt đá của ông Huy. Quan bắt lính kéo ông qua thánh giá, và dùng roi đánh chân ông bắt chân ông chạm vào thập giá. Khi chân ông đụng vào thập giá chúng lại reo lên: "Nó đã quá khóa rồi, nó đã quá khóa rồi."

Ông Huy lại đáp lời: "Các ngươi dùng võ lực lôi thân xác ta, các ngươi cố dùng sức lực lôi chân ta, nhưng các ông có dùng sức mạnh để lung lay ý chí ta được không? Bao lâu ta không chịu, thì dù có đánh đập các người cũng không đạt được mục đích đâu!"

Trong hồ sơ phong thánh của ông và hai vị có đoạn nói lên rằng lòng tin và lý luận của các ông phần nào làm cho quan tổng trấn Lê Văn Ðức phải cảm động. Quan nói: "Các ngươi làm cho ta thấy tội nghiệp các ngươi quá. Ta không muốn hành hạ các ngươi hơn nữa. Dù ta có hành hạ các ngươi thế nào các ngươi cũng không bỏ đạo và bước qua thập giá. Tôn giáo các ngươi là tôn giáo gì vậy? Hãy nói đi ta muốn nghe các ngươi nói."

Ông Huy đã cắt nghĩa cho quan mười điều răn Ðức Chúa Trời và bảy phép bí tích. Quan lớn cảm động và ngạc nhiên về đạo lý của đạo Công Giáo, cảm động quá, ông liền ca ngợi đạo Công Giáo, ông còn xin lỗi các đấng và nói: "Tôi không biết tôi có còn ở đây lâu nữa không. Nếu tôi trở về triều đình, mà các ông phải chịu chết vì đạo các ông, xin hãy nhớ tới tôi và xin làm ơn đừng báo thù tôi."

Ðến tháng chín, có tin đồn ông Huy và hai bạn bị xử tử. Các ông rất vui mừng. Các ông nhắn tin cho vợ con lên tỉnh để vợ chồng, cha con được giã từ nhau lần cuối. Lúc đó có Cha Năm, ông trùm Ðích, và ông lý Mỹ cũng bị giam gần đấỵ Các bà cũng vào thăm các ngài. Cha Năm bảo các bà rằng: "Hôm nay không biết ba ông binh sống chết thế nào, song chắc các ông còn phải chịu nhiều sự khốn khó nữa. Cụ gần đến ngày chịu chết rồi, dù cụ là thày cả mặc lòng cũng nghĩ rằng mình khó mà có thể chịu đựng vì Chúa như ba ông binh."

Cùng ngày hôm ấy, ba ông lại bị điệu vào hầu quan, ba ông lại bị một trận đòn nên thân, đến nỗi trong mình chẳng có chỗ nào lành. Tuy nhiên các ông vẫn không chịu quá khóa. Quan lại đành giam các ông vào ngục thất. Khi trở lại ngục thất, Cha Năm hỏi các ông: "Sao, hôm nay chúng con được trận hay thua?"

Cả ba ông đều trả lời cha: "Chúng con chẳng chịu quá khóa lúc nào, mà chỉ trông được chịu chết vì đạo, vì quan lớn đã dậy làm án xử cho chúng con rồi."

Quả thật các quan lúc đó đã làm án xử tử ba ông, và đệ tấu nhà vua. Vua Minh Mệnh, đọc tấu sớ của các quan, nhưng ông chẳng muốn giết các ông này. Nhà vua liền ra chiếu chỉ truyền cho các quan phải tìm hết cách để khuyên dụ các ông binh bỏ đạo: "Ta lấy sự sống người ta làm trọng lắm, khi đã cắt đầu chẳng còn phép nối lại được nữa, ta truyền cho các quan phải dùng mọi cách, làm sao cho ba tên lính bỏ đạo Gia Tô, nhất là truyền đem ra ngoài cửa thành cho dân chúng xỉ vả. Nếu khi sự ấy chẳng đủ, thì đem ra ngoài mà giả cách chặt ngang lưng cho sợ hãi."

Các quan vâng theo chiếu chỉ của vua, đóng gông đem ông Huy và ông Thể ra cửa Ðông, ông Ðạt ra cửa Nam. Ông Huy và ba ông đều không sờn lòng.

Tháng 10 năm 1838 quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh phục chức tổng trấn Nam Ðịnh thay thế Lê Văn Ðức. Quan tổng trấn thấy ba ông vẫn cứ vững lòng trung kiên thì cũng lại đệ án xin nhà vua xử tử các ông. Tuy nhiên vua Minh Mệnh không cho giết, trái lại còn truyền cho ông Trịnh Quang Khanh phải tìm đủ mọi cách khuyên dụ. Chẳng những thế, vua còn quở trách ông Trịnh Quang Khanh: "Mày không bảo được ba thằng lính phàm hèn, mà cai quản cả tỉnh thế nào được."

Ba ông bị điệu ra ngoài thành cho xỉ vả liên tiếp 21 ngày, rồi lại bị giam vào ngục vừa bị hành hạ vừa bị dụ dỗ. Quan lại truyền cho những người đã bỏ đạo trước phải vào để dụ dỗ ba ông. Nhưng các ông không nghe còn dùng nhiều lý lẽ để làm cho họ phải xấu hổ và ăn năn. Quan Trịnh Quang Khanh thấy đã hết kế, sau cùng ông dùng một âm mưu rất độc. Quan bắt anh em họ hàng của ba ông, cùng lý dịch ba xã Hạ Linh, Phú Nhai, Kiên Trung. Khi các người tới trước mặt quan thượng, ông truyền cho họ phải làm sao cho ba ông quá khóa, nếu không làm nổi thì tất cả đều phải chịu chết với cả ba ông. Anh em họ hàng cùng huynh thứ trong xã rất sợ hãi, nên cố sức để dụ dỗ ba ông. Khỏi mấy ngày quan thượng đòi cả ba ông vào để xem các ông đã sẵn lòng bỏ đạo chưa. Nhưng ba ông cứ một mực vững lòng. Tức thì quan truyền cho thân nhân, huynh thứ trong ba xã, và các lính đồng đội phải vào để khuyên nhủ ba ông. Nhưng dù các người này cám dỗ thế nào các ông vẫn một lòng trung kiên. Quan Trịnh Quang Khanh tức giận lắm, ông chửi các lý dịch cùng huynh thứ trong xã: "Tại chúng mày, mà ba thằng này bất trị, vì chẳng dậy bảo chúng nó vâng chịu luật phép nhà nước cho sớm, nên chúng mày phải chịu tội với chúng nó."

Nghe quan thượng nói vậy, huynh thứ và lý dịch rất sợ hãi, xin khất quan một tháng để khuyên bảo các ông này. Các ông cũng không quên xin quan thượng đừng giam các ông này chung với nhau, xin giam mỗi người một nơi để dễ dàng khuyên bảo. Quan thượng ưng cho khất một tháng, và giam ba ông riêng biệt.

Hết hạn một tháng, quan nghĩ chắc ba ông đã mềm lòng có thể chịu bỏ đạo, quan liền truyền điệu các ông đến. Song các ông vẫn không chịu quá khóa. Bấy giờ quan truyền nọc đánh một người huynh thứ xã Kiên Trung. Ông Thể thấy người huynh thứ bản xã bị nọc đánh đòn thì thương hại, ông thưa với quan rằng: "Lạy quan lớn, xin quan lớn tha cho, quan lớn dậy thế nào con xin vâng."

Quan bảo ông quá khóa, ông đành vâng theo. Lúc đó các quan thấy một tên lính đã thua trận thì vỗ tay reo mừng, liền tháo gông bẻ xiềng cho ông Thể. Sau đó mọi người lại xúi giục ông Huy và ông Ðạt bắt chước ông Thể mà chịu quá khóa. Một quan nói với ông Ðạt: "Mày cứ bắt chước tên Thể mà bước qua thập tự, khi trước cả ba tên đều hợp lực bất kháng, bây giờ tên Thể đã vâng lời vua, sao mày còn cứng cổ."

Bấy giờ ông Ðạt cũng chiều lòng các quan mà bước qua thập tự.

Phần ông Huy, dù hai bạn đã quá khóa, ông vẫn không sờn lòng. Các quan vẫn không thất vọng cố tìm cách dụ dỗ ông Huy bỏ đạo. Ðêm đó, quan cho người vào phòng ông Huy dụ dỗ ông rằng: "Chú phải vâng lời vua như hai ông kia, thì chẳng ai cười chê chú được. Vì chú đã chịu khó vững vàng hết sức rồi. Vua chẳng muốn giết chú, mà cũng chẳng muốn tha chú nếu chú không quá khóa, nếu chú bước qua một lần mà thôi thì khỏi mọi sự rầy rà này."

Sau cùng, ông Huy cũng chối đạo như hai ông bạn kia. Sau đó, quan phát cho mỗi ông 10 quan tiền rồi thả các ông về nhà.

Dòng dã tám tháng trời các ông chịu cực hình và khuyên dụ bỏ đạo mà các ông vẫn trung kiên, nên ai cũng cảm phục. Bây giờ nghe tin các ông chối đạo, rất nhiều người không tin. Có người cho rằng các ông bị bùa ngải làm mê loạn nên các ông mới chối đạo. Câu chuyện này vẫn còn trong vòng nghi ngờ, nhiều người vẫn không tin các ông đã chối đạo, nhất là sau này các ông lại xưng đạo và chịu chết vì đạo. Có những người biết chuyện thì cố tình tạo nhiều ý khác nhau để che đậy sự nhút nhát của ba ông hồi ấy. Trong các thư báo cáo về Manila, và Âu Châu thì quả quyết các ông tự ý chối đạo chứ không có ai ép uổng các ông. Chính ba ông binh cũng tự thú chuyện các ông chối đạo là sự thật. Ðức Cha Marti, đã điều tra rất nhiều người và kết luận chuyện các ông bị bùa ngải là vô căn cớ.

Từ khi ba ông bỏ đạo, thì lương tâm các ông cắn rứt vì đã chối đạo và gương xấu mình đã làm. Ba ông đã bàn bạc với nhau cũng như hỏi người khác xem phải làm thế nào để trở lại cùng Chúa. Mấy ngày sau, ông Huy cũng như hai ông binh kia đi xưng tội. Bởi ơn Chúa thúc đẩy, cả ba ông đều muốn lên tỉnh để xưng đạo. Lên tỉnh Nam Ðịnh, cả ba ông vào dinh quan thượng. Ba ông lạy quan thượng, rồi ông Huy đại diện anh em để thưa với quan: "Bẩm quan lớn, đạo Thiên Chúa là đạo thật, Chúa chúng con thờ là đấng cao cả phép tắc vô cùng, bởi chúng con đã quá dại mà chịu quá khóa, mất nghĩa cùng Chúa chúng con, nay chúng con xin giả tiền lại cho vua và quan lớn, cùng xin giữ đạo Thiên Chúa cho thật lòng."

Trịnh Quang Khanh nghe những lời ấy thì tức giận chửi rủa các ông thậm tệ, sau đó truyền giam các ông trong ngục rồi truyền cho lính hàng đội phải dụ dỗ ba ông như trước, tuy nhiên ba ông vẫn một lòng trung kiên. Quan Trịnh Quang Khanh không biết phải làm thế nào, vì trước đây ông đã tâu về triều đình rằng ba ông đã quá khóa, bây giờ nếu xử án ba ông thì không biết ăn nói sao với triều đình. Quan liền truyền cho lý dịch ba xã đến để nhận tiền thay vì các ông, rồi đuổi ba ông về làng không cho đến làm phiền các quan nữa. Các ông buồn rầu ra về, tuy nhiên lòng các ông vẫn không yên trí. Các ông chẳng ao ước sự gì thế gian mà chỉ ao ước được chết vì đạo Chúa. Các ông càng gia tăng việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm việc phúc đức để mong được chết vì đạo.

Quyết định của quan tổng trấn không làm cho các ông hài lòng, các ông lại bàn với nhau: "Nếu quan thượng không cho chúng ta chết vì đạo, thì chúng ta sẽ vào kinh tâu xin nhà vua cho chúng ta chết vì đạo, để sửa lại gương mù gương xấu chúng ta đã làm."

Ông Huy lại bảo các bạn: "Nếu các ông không đi thì tôi đi một mình."

Lúc đó ông Thể cũng nói thêm vào: "Nếu ông đi, tôi cũng đi với ông."

Ðể đi tới quyết định trên các ông đã bàn hỏi với Cha Tuyên. Cha Tuyên hỏi cặn kẽ lý do các ông bỏ đạo, các ông đáp: "Quả thực trong lòng chúng con bỏ đạo chỉ vì thương cha mẹ, anh em, và huynh thứ trong làng. Chúng con tin rằng nếu chúng con không bước qua thập giá, thì quan thượng cũng bắt tất cả phải bước qua thập giá. Nếu họ vì sợ mà ưng thuận, chúng con lại không phải chịu trách nhiệm về tội của họ sao? Chúng con đã sai lầm, và chúng con đã bước qua thập giá. Sau khi quá khóa, chúng con cảm thấy hối hận nên đã xưng đạo lại trước mặt quan tổng trấn. Nhưng chỉ có quan tỉnh biết, còn triều đình và nhà vua thì không hay biết gì cả. Chính vì thế chúng con muốn đến gặp nhà vua, và xưng đạo công khai trước mặt người. Như thế mọi người sẽ biết chúng con bước qua thập giá vì sự yếu đuối của chúng con, chứ không phải vì chúng con muốn nghe lời nhà vua mà chối bỏ đạo."

Sau đó Cha Tuyên viết thư hỏi ý kiến Ðức Cha Marti nói rõ lý do các ông đã bỏ đạo và ý các ông muốn xưng đạo lại tại kinh đô. Trong thư, Cha Tuyên cũng kể cho Ðức Cha Marti biết trong thời gian các ông đang cư ngụ tại nhà người, người cũng được thư của Cha Jimeno (sau này làm giám mục), trong đó có đoạn nói: "Thày vui mừng lắm vì ba ông binh lính đã xưng đạo tại tỉnh, lại nghe cả ba ông toan vào đền vua để xưng đạo cách rõ rệt hơn nữa. Ðược như vậy, thày rất vui mừng, và tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ giúp cùng ban sức cho họ được thắng trận, xứng đáng lãnh phần thưởng vô cùng mà Ðức Chúa Trời đã dành cho những kẻ chịu khổ vì đạo."

Cha Tuyên đọc thư này cho cả ba ông nghe và họ nhất định vào đền vua. Ông Huy còn xin sao bản thư đức cha để sau này xem lại. Sau đó ba ông bàn với nhau phải vào kinh như thế nào.

Vấn đề vào kinh cùng một lúc thật là khó, vì chẳng có bao giờ cả ba ông được nghỉ phép. Lúc đó ông Ðạt nói: "Tháng sau, hai ông được nghỉ ở nhà, mà tôi phải ứng vụ tại tỉnh, hai ông cứ đi, tôi ở lại, nhưng anh em thế nào thì tôi thế ấy. Xin anh em cho tên tôi vào đơn, nếu anh em chịu sự khổ nào trong kinh thì tôi cũng mong được chịu khổ như vậy ngoài này."

Cha Tuyên thấy ba ông nhất định đi chịu chết vì đạo thì người khuyên bảo các ông đủ điều và dậy các ông cậy trông ơn Chúa, ăn ở khiêm nhường. Sau khi nghe cha già Tuyên khuyên bảo, ông Huy và ông Thể về nhà từ giã vợ con anh em thân thuộc lần cuối cùng và xin mọi người cầu nguyện cho mình. Hai ông cũng đi xưng tội chịu lễ để dọn mình còn ông Ðạt lên tỉnh thi hành công vụ.

Ðầu tháng 3 năm 1839, tức năm Minh Mệnh thứ 20, hai ông vào kinh. Con cả ông Huy cũng theo cha vào kinh để xem công việc thế nào. Hết 20 ngày mới vào tới kinh đô Huế. Các ông trọ tại nhà một người bổn đạo tên là bà Tam. Ở đây hơn một tháng, hai ông ăn chay cầu nguyện, dọn mình để vào kinh xin chịu tử vì đạo. Các ông đệ đơn và kêu tòa tam pháp. Quan tòa nhận đơn rồi chẳng tra hỏi gì hết. Chờ đợi ít lâu, mà chẳng ai hỏi gì tới việc xưng đạo của hai ông, hai ông lại viết đơn khác gửi tới quan tòa: "Chúng tôi quá khóa tại tỉnh Nam Ðịnh, vì quan Trịnh Quang Khanh ép chúng tôi quá, chẳng phải vì lòng thật muốn bỏ đạo."

Lần đó các quan tòa cũng chẳng xét xử đơn xin của các ông. Ðợi đến một ngày kia, khi vua Minh Mệnh ra ngoài chơi, hai ông sấp mình xuống bên lề đường, mà đệ đơn trên đầu. Một quan lớn cầm đơn đó xem, rồi trình vua. Khi vua Minh Mệnh biết việc liền truyền giam các ông vào ngục, rồi truyền các quan thuộc hình bộ, lễ bộ, và binh bộ hợp lực tra xét và làm mọi cách cho hai ông bỏ đạo. Tuy nhiên dù làm thế nào hai ông vẫn trung kiên. Lúc đó quan Lê Văn Ðức, trước kia là tổng đốc Nam Ðịnh, đã biết các ông gan dạ thế nào nên nói với các ông rằng: "Ðánh đòn chúng bay chỉ mỏi tay mà thôi."

Các quan tòa thấy hai ông can đảm như vậy thì hỏi về ông Ðạt, vì trong đơn có nói tới ông ấy. Hai ông liền thưa với quan: "Anh Ðạt cũng chẳng chịu quá khóa, mà vì mắc trở việc tại tỉnh Nam Ðịnh, nên chẳng đi với chúng tôi được, song anh ấy cũng hợp một ý với chúng tôi. Anh ấy còn dặn rằng, anh em thế nào thì tôi thế ấy."

Các quan trình tâu nhà vua mọi việc, nhà vua lấy làm ngạc nhiên lắm, tuy nhiên vua vẫn hy vọng có thể thay lòng đổi dạ các ông, nên vua lại truyền ba quan lớn hợp lực làm thế nào cho hai ông quá khóa. Nhưng cũng vô ích.

Nhà vua còn truyền các quan đem ra 10 nén vàng, một tượng thánh giá, và một thanh gươm rồi nói: "Mặc ý các ngươi chọn. Nếu bước qua thập giá thì sẽ được thưởng 10 nén vàng, còn nếu không sẽ bị thanh gươm chặt ngang lưng làm hai rồi bỏ xác xuống biển."

Tức thì hai ông xin chịu chết.

Các quan lại trình tâu vua tất cả sự kiện, vua Minh Mệnh rất tức giận, truyền đem hai tờ giấy cho các ông ký tên vào. Một tờ thì chứa đầy những lời xỉ vả mạ báng Chúa và đạo Gia Tô, còn tờ kia là án các ông phải chết như thế nào. Hai ông không chịu ký vào bản thứ nhất, trái lại chấp nhận bị trảm quyết. Lúc đó quan đọc án của nhà vua như sau: "Minh Mệnh nhị thập niên, tháng 5 ngày mồng một, nội các thần Lê Khanh Trình, thần Lâm Ruy Nghĩa vâng lời vua truyền từ tờ các quan tòa tam pháp, thì hai tên lính tỉnh Nam Ðịnh, tên là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể cùng khai rằng chúng vốn theo đạo Gia Tô chẳng bỏ, mà năm ngoái có bước qua thập tự tại bản tỉnh, bởi quan tổng đốc tỉnh ấy bức hiếp chứ trong lòng chẳng bao giờ có ý bỏ đạo, nên bây giờ xin cứ giữ đạo như khi trước. Quan tòa tam pháp đã khuyên bảo hai ba lần, song hai tên phạm này cứ một mực chỉ xin chịu chết, cùng quyết chẳng chừa cải, thật là hai tên dại dột mê hoặc. Khi trước ta đã làm án chết cho chúng nó, song ta còn thương hại chẳng muốn giết, chẳng ngờ là lũ phạm ấy đã ra mê cuồng chẳng còn biết lẽ phải, ta đã mở lối cho chúng nó ăn năn, nếu còn có trí khôn thì phải biết mình đã sai lầm mà cải ác hoàn lương, song hai tên phạm này cố chấp theo Gia Tô tà đạo, dám bỏ việc lính mà vào kinh khống đơn, chúng nó thật kiêu ngạo, đáng khinh dể, đáng ghét, không thể để cho sống được nữa. Nên hai tên phạm là Phạm Viết Huy và Bùi Ðức Thể, phải kết án tử, giao cho lính đem ra cửa biển, lấy rìu lớn chặt ngang lưng, rồi bỏ xác xuống biển để cho ai nấy biết rõ điều răn cấm. Còn một tên phạm nữa là Ðịnh Ðạt cũng can án này. Nó có bỏ đạo thật hay không thì phải tra xét kỹ càng và tâu cho minh bạch."

Ngày 2 tháng 5 năm 1839 ta, cũng là 12 tháng 6 năm 1839 dương lịch, ông Huy và ông Thể bị điệu ra cửa bể là cửa Thuận để chịu chết. Trên đường đi đến pháp trường hai ông vui vẻ chào hỏi mọi người khiến dân chúng rất ngạc nhiên. Ðến cửa biển, quan bắt hai ông xuống thuyền rồi chèo ra khỏi đất liền. Lúc này quan còn khuyên hai ông quá khóa vì vẫn còn kịp, nhưng hai ông nhất định không bỏ đạo.Quan tryền tháo gông, rồi trói hai ông vào cột chèo.Hai ông đọc kinh phó linh hồn. Lý hình giơ gươm lên, chặt ngang lưng hai ông như đã ghi trong án. Sau đó chúng chặt đầu rồi bổ làm tư và liệng xác hai ông xuống biển.

Ðược tin hai ông Thể và Huy bị xử tử, ông Ðạt ở nhà thu xếp công việc của nhà. Ông đọc kinh nguyện ngắm để dọn mình chết. Mấy ngày sau, lính hàng đội từ tỉnh xuống báo với ông Ðạt rằng: "Quan lãnh binh và tỉnh sai tôi xuống báo cho anh biết đã có chỉ bộ ra truyền bắt và xử tử anh."

Khi ông Ðạt nghe tin ấy thì vui mừng lắm. Lúc đó vào quãng cuối tháng 6 năm 1839. Ông Ðạt liền đi báo cho anh em và từ giã mọi người. Ông cũng xin mọi người cầu nguyện cho ông. Lúc đó, vợ ông muốn khuyên chồng bỏ ý định chết vì đạo. Bà khóc lóc than vãn, rồi dẫn con gái đến xin ông: "Ông bỏ tôi cùng con bé này sao?"

Ông Ðạt rất cảm động, nhưng ông nói với bà nếu ông quý bà và con gái hơn Chúa thì chẳng xứng đáng với Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa sẽ lo liệu cho bà và con gái. Sau cùng ông bảo vợ: "Một chốc nữa bà đem con bé sang nhà Nhiêu Quang cho tôi gặp nó một chút nữa."

Rồi ông đi chịu lễ lần sau hết. Khi chịu lễ cùng cám ơn, ông yên ủi vợ con, cùng giã từ anh em, rồi theo lính ra đình làng. Tại đình làng, quan viên làng và nhiều người dân đã tụ họp đông đủ sẵn sàng để từ giã ông. Ông lạy quan viên, xin các ông ấy cầu nguyện cho mình. Lúc bấy giờ cũng có người nói rằng: "Anh Ðạt bỏ vợ con, bỏ quê quán."

Ông thưa lại rằng: "Vợ con và quê nhà tôi để mặc thánh ý Ðức Chúa Trời, tôi xin làng thương tôi cùng vợ con tôi."

Trên đường đi về tỉnh, ông Ðạt chỉ đọc kinh lần hạt chuẩn bị chịu chết. Phần bà vợ ông, vẫn theo ông tới Nam Ðịnh, vừa đi vừa khóc. Ông đuổi bà về và nói với bà: "Nếu bà đến đây mà cứ khóc thì đừng đến thăm tôi nữa."

Tại tỉnh, quan lớn bảo ông Ðạt rằng: "Thằng Huy, thằng Thể đã phải bổ làm tư, rồi bỏ xuống bể cho tôm cá ăn, mày có quá khóa không?"

Ông Ðạt đáp lại: "Hai anh con đã được phúc trọng, xin quan lớn bổ con làm tám. Còn sự quá khóa thì con không chịu."

Quan thượng nghe xong liền truyền đóng gông, rồi giam ông trong ngục. Ðến ngày 18 tháng 7 năm 1839, có lệnh vua truyền xử giảo ông Ðạt. Quan lại khuyên nhủ lần nữa nhưng ông không chịu. Thế là quan truyền viết thẻ: "Tên Ðinh Ðạt thuộc Xuân Tràng phủ, Giao Thủy huyện, Phú Nhai xã, là tên phạm, cố chấp theo Gia Tô tả đạo, nay cũng chẳng chịu bỏ đạo ấy, bất tuân quốc pháp, lập tức đem đi xử giảo."

Viết thẻ xong quan truyền giao ông Ðạt cho quan giám sát đem đi xử giảo. Trên đường đi ông chỉ đọc kinh cầu nguyện. Khi đến nơi xử, đã sẵn có cái chiếu cạp ở đấy, ông Ðạt quỳ trên chiếu vẫn cứ tiếp tục đọc kinh mãi. Một lúc, quan truyền tháo gông, bắt ông nằm xuống chiếu, rồi quân lính buộc dây vào cổ ông. Khi đã sẵn sàng, quan giám sát ra hiệu lệnh. Lý hình kéo dây cho đến khi ông tắt thở.

Làng Phú Nhai lấy xác ông và táng trọng thể tại nhà anh cả ông Ðạt. Sau hài cốt của ngài được táng tại nhà thờ Phú Nhai.

Augustinô Phan Viết Huy cùng Nicôla Bùi Ðức Thể và Ðaminh Ðinh Ðạt được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong Chân Phước ngày 27-5-1900. Ðến ngày 19-6-1988 các Ngài được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn vinh lên bậc Hiển Thánh.

Trường thi tử đạo

Ðaminh Ðạt sinh năm Quý Hợi (1803)
Năm Ất Mão (1795) rửa tội Viết Huy
Còn Bùi Ðức Thể ấy thì
Sinh năm Nhâm Tý (1792) khoái đi lính mà

Từ Lạc Thuỷ trẩy ra Nam Ðịnh
Ba trai làng nhất định tòng quân
Cũng người Công giáo chuyên cần
Khi vào quân ngũ ở gần bên nhau

Ông Tổng Ðốc nghe đâu bị triệu
Về kinh đô báo hiệu Quang Khanh
Tội ông tiêu cực thi hành
Lệnh Vua khiển trách đích danh hạ thần

Ðể chuộc tội ông cần thanh lọc
Trước hàng quân, ông đọc lệnh Vua
Mở ngay chiến dịch quét lùa
Lùng bắt đạo trưởng cho Vua vừa lòng

Tính kế hoạch ngoài trong chuẩn bị
Mời quân nhân tu sĩ tiệc tùng
Binh sĩ Công giáo tập trung
Hoàn thành thanh lọc truy lùng vào dinh

Trong bữa tiệc điều binh ông hứa
Ban thưởng khen những đứa trung thành
Với Hoàng Thượng được nêu danh
Buông lời dọa nạt chấp hành phải tuân

Ngày hôm ấy trọn phần Công giáo
Khoảng năm trăm theo đạo Kitô
Mời vào dinh xét ý đồ
Cho xem hình phạt bước vô thấy liền

Ðầy dụng cụ xích xiềng kìm kẹp
Ðây kỷ cương sắt thép nhà vua
Quyết ra tay chẳng chịu thua
Ai không quá khoá là mua nhục hình

Quá buồn tủi thực tình đau khổ
Gần năm trăm xấu hổ bước qua
Số còn lại thật ít mà
Chỉ năm người dám đứng ra chối từ

Là trụ cột bây giờ cương quyết
Là tôi trung tâm huyết tới cùng
Nhà Vua tăng viện trong vùng
Sai thêm Tướng Ðức binh hùng Thành Nam

Quang Khanh bị cách làm không đạt
Lê Văn Ðức đề bạt lên thay
Ðức Cha Minh xử tử ngay
Và luôn Thầy Chiểu một ngày đầu rơi

Năm chứng nhân đến nơi cho khiếp
Nhưng cả năm đặc biệt hân hoan
Quan tức giận tống nhà giam
Tuần sau tướng Ðức lệnh ban giải tòa

Ông ngon ngọt nói ra dụ dỗ
Không thành công thịnh nộ kéo khiêng
Lê lên tượng Chúa linh thiêng
Roi đòn túi bụi liên miên từng người

Gần tới đích hai người bỏ cuộc
Còn lại ba gân guốc gan lỳ
Một lòng một dạ khắc ghi
Ông Huy, Thể, Ðạt quyết đi tới cùng

Ông Huy trước ung dung vợ nhỏ
Nay trốn về quyết bỏ trình Cha
Xin ngài ban phép giải hoà
Làm xong ông lại xin ra ngồi tù

Ông tướng Ðức doạ hù quỷ kế
Cứ mỗi ngày thân thể trăm roi
Tướng khuyên bỏ đạo đi coi
Ông Huy đạo Chúa sáng soi trần đời

Quan thét lớn Vua người nghiêm cấm
Không đổi thay thưa bẩm lôi thôi
Ông Huy chủng viện học rồi
Chứng minh mạch lạc liên hồi tỏ thông

Quan nhận thấy là ông đuối lý
Cho đóng gông phơi kỹ nắng mưa
Ðông, Nam hai cửa cho đưa
Ba tuần ở đó xin thưa nhục hình

Dọa nạt vợ, gia đình con cái
Cùng thân nhân trai gái bạn bè
Ba ông nhất mực chẳng nghe
Tập trung kỳ mục răn đe đánh đòn

Ngay trước mặt người con trung tín
Bô lão làng thâm tím vì mình
Ðã ngã lòng phạm Thánh Linh
Cả ba bỏ cuộc triều đình mừng reo

Rồi sau đó lòng đau áy náy
Cả ba ông hết thảy hồi tâm
Tìm Cha xưng tội lỗi lầm
Tới dinh Thống Ðốc quyết tâm trình bày

Bẩm quan lớn nơi đây nguyện vọng
Ðạo Chúa Trời tôn trọng trên đời
Chúng tôi quá khóa nghe lời
Mang tiền trả lại đạo Trời tuyên xưng

Quan nổi nóng bừng bừng mắng chửi
Ðuổi khỏi dinh cho gửi trận đòn
Về nhà sống với vợ con
Số tiền hương chức trao tròn thưởng công

Trở về nhà, ba ông cầu nguyện
Vào kinh đô thực hiện đức tin
Hai Cha hội ý kiếm tìm
Lãnh xin hướng dẫn Trái Tim nhân lành

Cha Chính Lân nổi danh đồng ý
Ba anh em quyết chí tâu Vua
Hai anh Huy, Thể đơn đưa
Anh Ðạt công tác nên chưa lên đàng

Cha Tuyên nhắc bảo ban trông cậy
Xin Chúa ban, chớ cậy sức mình
Hai mươi ngày mới tới kinh
Tới Tòa Tam Pháp Triều Ðình sớ tâu

Quan gìm lại có đâu dâng sớ
Tòa Tam Pháp vô cớ làm ngơ
Hai ông dài cổ đợi chờ
Thấy Vua ngự giá tay giơ tấu trình

Thật táo bạo thân mình đồ lính
Chặn kiệu rồng cung kính dâng Vua
Ngài đọc xong truyền bắt lùa
Nhốt ngay vô ngục chẳng thưa bẩm gì

Tâu Ðức Vua quan thì ép buộc (Nội dung của Sớ )
Các chúng thần đạo thuộc Giatô
Tôn thờ Thiên Chúa tung hô
Tấn tra miễn cưỡng, buộc vô tuân hành

Ông tướng Ðức Nam Thành về Huế
Phan Viết Huy, Bùi Thể gan lỳ
Tại sao Ðinh Ðạt chẳng đi
Vì anh bận việc cũng thì đồng tâm

Vua truyền lệnh hai mâm lựa chọn
Nếu bỏ Chúa, lấy trọn mười vàng
Bên kia cây kiếm sáng choang
Hai ông bình tĩnh bước sang khổ hình

Rồi sau đó quân binh án lệnh
Ðưa hai anh ra tận Thuận An
Phanh thây xẻ xác dã man
Ném luôn xuống biển cho đàn cá ăn

Còn anh Ðạt khó khăn Bảy Mẫu
Ông quỳ trên chiếu khấn nguyện cầu
Nằm gục thầm thĩ hồi lâu
Lý hình tròng cổ hai đầu xiết giây

Phúc tử đạo nơi đây phần thưởng
Cả ba ông được hưởng phúc vinh
Thi hài an táng quê mình
Về sau cải táng linh đình Phú Nhai

Năm tử đạo ba ngài Kỷ Hợi (1839)
Bỏ thế gian hưởng lợi Nước Trời
Lệnh phong thánh được ban ra
Mùa thu Canh Tý (1900) quả là xứng danh

Lời bất hủ: Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh Nam Ðịnh nói với ông Ðạt: "Hai bạn của ngươi (tức thánh Thể và Huy) vì cuồng dại không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn thì chối bỏ thứ đạo đó đi để về với vợ con". Ông Ðạt thẳng thắn đáp: "Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi làm tám cũng được".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #16
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
15. Ða-Minh Nguyễn Văn Hạnh (1772-1838)

Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh, Hạnh là tên hiệu; tên thật của ngài là Domingo Du, linh mục Ða Minh; sinh năm 1772 tại Năng A, Nghệ An, chết 1 tháng 8 năm 1838, tại Ba Tòa. Ngài chăm sóc cho các giáo dân bị đàn áp trong mấy chục năm trước khi ngài bị bắt và bị xử trảm (chém đầu) năm 67 tuổi. Phong Á Thánh 1900. lễ kính vào ngày 1/08.

Cây lúa trổ bông

"Nước Thiên Chúa ví như khi một người kia gieo giống xuống đất, dù người ấy ngủ hay thức,, ban đêm hay ban ngày hạt giống cứ nẩy mầm, lớn lên mà người ấy không biết. Tự dưng cây mọc mạ rồi trổ đòng đòng và thành những hạt klúa chắc nịch, cho đến khi mùa gặt tới" (Mc 4, 26-29).

Đoạn tin mừng trên đã ứn nghiệm trong cuộc đời thánh Phaolô Hạnh.

Cậu Hạnh đã chào đời tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa khoảng năm 1827. Lớn lên cậu cùng hai người anh đến Chợ Quán, Sài Gòn để buôn bán. Dư luận đồn đại về anh nhiều điều xấu. Trong nghề buôn bán, anh giao dịch với một số tay anh chị chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế cô thân. Hình như có thời anh đã từng cầm đầu một băng cướp.

Thế nhưng lời tin mừng anh tiếp nhận thời thơ ấu vẫn không ngừng nẩy nở lớn lên trong anh. Dù chính anh không hay biết, lới Chúa vẫn đâm bông và chờ lúc thuận tiện thì kết trái. Một lần kia, khi chứng kiến một thiếu phụ nghèo khổ bị đàn em bóc lột không thương tiếc, anh bỗng xúc động và ra tay can thiệp, anh dùng áp lực bắt chúng phải trả lại tất cả cho nạn nhân, dù biết trước thái độ hào hiệp ấy sẽ mang lại cho mình hậu qủa không may theo luật giang hồ. Bông lúa đã chín vàng chờ tay người thợ gặt…

Kitô hữu đến chết

Những người bị anh khuất phục tức giận tìm cách trả thù. Họ chọn giải pháp hèn hạ nhất "ném đá giấu tay". Họ tố cáo anh là Kitô hữu, và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp. Trước tòa án, anh không bao giờ nhận tội phản quốc, vì thực tế anh không làm. Nhưng khi quan hỏi: "Anh có phải là Kitô hữu không?" thì anh công nhận, và còn khẳng định rằng: "Sẽ là Kitô hữu cho đến chết".

Suốt thời gian bị giam, các quan tìm mọi cách dụ dỗ anh bỏ đạo. Họ áp dụng những hình khổ dã man nhất đã được vua Tự Đức cho phép. Người ta căng thân thể anh ra đánh đòn, người ta dùng kìm nguội để kẹp vào dùi, và dùng những thanh sắt nung đỏ dí vào người, để bắt anh nhận tội đã vu oan và bước qua Thập Gía. Nhưng tất cả những cực hình tàn bạo đó không thể làm cho anh nản lòng thối chí. Anh không ngừng khẳng định một điều duy nhất : "Tôi là Kitô hữu, không bao giờ tôi chối đạo".

Bông hoa ngát hương.

Ngày 28.05.1859, anh Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa khi mới 32 tuổi. Thi thể vị tử đạo được mai táng ở Chợ Quán.

Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Sử gia Rodriguez so sánh cuộc đời thánh Phaolô Hạnh với cuộc đời "CÁNH HOA TÍM NGÁT HƯƠNG": (Martyrologio Oriental Tr. 253-255)

"Có những hoa tím mọc dại bên đường, cho dến ngày có khách bộ hành đi ngang dẫm nát, nó mới tỏa hương thơm. Phaolô Hạnh quả là bông hoa bị che khuất bên vệ đường Giáo Hội, cho đến khi bị vò nát trong cuộc bách hại, mới tỏa ra hương thơm ngát khiến chúng ta phải lâng lâng ngây ngất…".

"Giữa một đô thị ô nhiễm đầy bon chen thấp hèn, những gian dối bất công và những nỗi cơ cực, thì mọi người trông đợi những cánh hoa báo hiệu mùa Xuân mới đang đến, đem lại bầu khí trong lành hơn. Cánh hoa Phaolô Hạnh đã tỏa hương nhờ sức mạnh Thần Linh làm cho những ai chán ghét mùa Đông tội lỗi, lạnh giá, và khắc sâu vào tâm khảm hình ảnh mùa Xuân vĩnh cửu… sẽ thấy trong mình xuất hiện một niềm vui bí ẩn và hy vọng tràn trề vào tương lai…"

Trường thi tử đạo

Ðôminicô Nguyễn Hạnh
Sinh Nhâm Thìn (1772) quê cạnh Nghệ An
Hồng ân Chúa xuống tuôn tràn
Mẹ cha đạo hạnh lo toan xóm làng

Cậu Hạnh đến hỏi han Giám mục
Chấp thuận ngay diễm phúc tu dòng
Ðức Cha nghe cậu nói xong
Ngài muốn gặp gỡ vui lòng mẹ cha

Từ ngày đó xuất gia dâng hiến
Trao Cha Liêm trực diện trông anh
Thánh Kinh lời Chúa học hành
Nhập vô chủng viện thông rành Phúc âm

Thần Triết học quan tâm đặc biệt
Sau bao năm hiểu biết tinh thông
Thầy Hạnh Chúa thưởng ấn hồng
Thụ phong Linh mục coi trông cộng đoàn

Ðaminh chọn xin sang dòng khấn
Cha rao truyền tiếp cận hăng say
Việc làm bao quản tháng ngày
Ði thăm kẻ liệt cứu ngay xức dầu

Thời cấm đạo đêm thâu lẩn trốn
Làng Ðình Hạ là chốn ở lâu
Giáo dân góp ý ngõ hầu
Kiên Trung đổi chỗ lần đầu tới đây

Nếu bị lộ quân vây lính bắt
Tên Hội Hậu xếp đặt bày mưu
Ðưa Cha đồng vắng điều hiu
Ðổi thay chỗ ở đặt mưu lãnh vàng

Hai ông ấy đi ngang đã báo
Quân với quan xông xáo bắt Cha
Trói ngay đánh đập quá mà
Cửa thành Thánh Giá phải là bước qua

Cha nhất định chẳng thà chịu chết
Tôi nằm đây bò lết trở ra
Cây Thánh Giá cất vào nhà
Trong dinh quan trấn hỏi tra vặn ngài

Ðiều lầm lỗi quản cai đạo rối
Ði khắp miền sớm tối lừa dân
Cha Ðạt nói, dạy điều cần
Làm lành lánh dữ tỏ phân rõ ràng

Quan lại dụ khuyên can xuất giáo
Tha cho ông gông tháo về ngay
Cha hiên ngang đứng trình bày
Ước ao được chết vì Thầy Giêsu

Quan Phủ nói ông ngu ông xuẩn
Ðạo Giatô vớ vẩn Thiên Ðàng
Quan đi bắt đạo, Chúa giam
Nhốt vào hỏa ngục khóc than muôn đời

Quan nghe nói tức thời nổi giận
Lấy cán dao đập tận mặt Cha
Nặng lời chửi rủa rầy la
Mười lăm roi đánh bắt đà đeo gông

Quan bảo lính cấm không ăn uống
Lính giải đi dẫn xuống ngục giam
Mặc dầu thịt nát xương tan
Cha không nao núng hay than thở gì

Một bữa nọ lính thì đem ảnh
Mẹ Maria cha tránh đạp lên
Cúi đầu tôn kính nâng lên
Ðọc kinh cầu nguyện kêu tên Mẹ hiền

Quan tức tối bồi liền roi vọt
Ðủ một trăm dụ ngọt hứa tha
Không sao khuất phục nổi cha
Lập ngay bản án đệ đà vô kinh

Vua chấp thuận triều đình xử trảm
Những kẻ nào dám phản lệnh vua
Quan quân dụ dỗ chuộc mua
Treo giải xuất giáo thi đua thưởng tiền

Cha Hạnh nói thêm xiềng thêm xích
Cám ơn quan tôi thích chém đầu
Lý hình đứng đó từ lâu
Vung gươm một phát cái đầu bay xa

Lính tới nhặt tung ba lần bổng
Cho giáo dân ngoài cổng tuốn vào
Xác ngài võng cáng lên cao
Ðưa về nghĩa địa liệm vào ván chôn

Phúc tử đạo no tròn Mậu Tuất (1838)
Ðược Nước Trời chịu mất thế gian
Canh Tý (1900) Toà Thánh chu toàn
Suy tôn Chân phước chứa chan ân tình

(Cha Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh Tử đạo 1/8/1838
an táng nghĩa trang làng Lạc Thuỷ)

Lời bất hủ:Quan tra hỏi: "Vậy ông dậy dân chúng những gì?". Cha Minh đáp: "Tôi chỉ người ta làm điều lành, tránh điều dữ thôi". Quan hỏi: "Tại sao không bước qua Thập tự?".
Cha đáp: "Thưa quan, Thập tự đối với chúng tôi là hình Thánh Giá, tượng trưng cho ơn cứu chuộc, nên không ai được chà đạp, vì đó là một trọng tội". Cha cắt nghĩa các lẽ đạo cho quan rồi kết luận: "Kẻ trung thành với Chúa Giêsu, khi chết sẽ được lên Thiên Ðàng".
Cha thánh Hạnh cùng với cha Duyệt (người bước qua Thánh Giá), Khi cha Hạnh chứng kiến việc cha Duyệt bước qua Thánh Giá mấy lượt, cha Hạnh nổi nóng chỉ thẳng vào mặt nói: "Bớ ông kia, hãy xem đầu mình đã bạc, còn sống được bao năm nữa mà cả lòng bỏ Chúa mình vì năm ba ngày tháng chóng qua ru? Ông làm ố danh đấng bậc mình để được lòng vua dữ ? Ông thêm cực lòng cho Giáo Hội đã nuôi nấng dạy dỗ bấy lâu, đi làm bạn với ma quỷ, chực làm hại đời mình." Một lần có lính nói: "Ông không thoát chết được đâu". Cha đáp: "Phải, sự chết thì đã hẳn rồi. Trước tôi cứ ngỡ là được chết với cha chính Hiền, mà tôi chẳng được sự ấy thì lấy làm buồn lắm". Quan có lời hứa rằng: "Nếu cha bỏ đạo sẽ cho làm quan!". Cha đáp: "Dù tôi được làm quan ngay hôm nay mặc lòng, tôi cũng không xuất giáo đâu. Tôi chỉ muốn được làm con Ðức Chúa Trời thôi".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #17
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
16. Ðaminh Huyên (1817-1862)

Ðaminh Huyên, là một giáo dân mộ đạo; Ông sinh năm 1817 tại Ðông Thành, Thái Bình; chết thiêu ngày 5 tháng 6, 1862, tại Nam Ðịnh cùng với Đaminh Toại. Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong hai ông lên hàng Chân Phước, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô tôn phong hai ông lên hàng Hiển Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lễ kính vào ngày 5/06.

Đa Minh Toại sinh năm 1812 và Đa Minh Huyên sinh năm 1817. Hai ông là giáo hữu họ đạo Đông Thành, tỉnh Thanh Bình. Cả hai đã có gia đình, là những gia trưởng đạo đức sốt sắng, luôn nêu gương mến Chúa yêu người. Hai ông sống bằng nghề đánh cá, hằng ngày chày lưới trên sông Nhị Bình, ở gấn cửa Ba Lạt. Tánh tình đơn sơ, lương thiện, hai ông đều được các bạn đồng nghiệp và mọi người thương yêu khen ngợi.

Tháng 8 năm 1861, vua Tự Đức bắt đạo gắt gao. Nhà vua ra chiếu chỉ Phân Sáp, nhằm tận diệt người theo đạo Công Giáo. Theo chiếu chỉ này, quân lính và người ngoại giáo được phép vào các làng Công Giáo tịch thu tài sản và bắt các giáo hưũ đem nộp cho quan, để khắc hai chử Tả Đạo lên má.

Lúc đó quân lính và người ngoại giáo kéo nhau vào họ đạo Đông Thành. Sau khi vơ vét tài sản của người Công Giáo, họ bắt nhiều người đem nộp cho quan huyện, trong số đó có ông Đa Minh Toại và Đa Minh Huyên. Ông Toại vì bệnh đi lại không nổi, họ bảo ông nộp tiền chuộc, họ sẽ thả ông về gia đình. Nhưng ông xin đi cùng họ đến quan huyện vì ông muốn cùng các đồng đạo tuyên xưng danh Chúa trước mặt mọi người, và hy sinh mạng sống làm chứng cho đạo.

Quân lính dẫn hai ông đến huyện Quỳnh Côi, và giam vào ngục, đợi ngày xét xử. Suốt chín tháng bị giam trong ngục, hai ông chịu đói, khát, xiềng xích, nhưng không bao giờ than van, lúc nào cũng vui vẻ sẵn sàng chịu gian lao khốn khó, trước là để lập công nghiệp, sau là để nêu gương can đảm hy sinh cho các bạn đồng đạo trong ngục. Chẳng những thế, hai ông còn thường xuyên an ủi, khích lệ các bạn bền tâm giữ vững đức tin.

Trong thời gian bị giam giữ, nhiều lần hai ông bị điệu ra công đường, buộc bước qua Thánh Giá, nhưng các ông cương quyết không làm theo. Các quan bèn tìm cách dụ dỗ, hứa trả tự do và ban nhiều tiền của, nếu hai ông đạp lên Thánh Giá. Hai ông đáp:

-Của cải đời này nay còn mai mất, không thể đem lại cho chúng tôi hạnh phúc vững bền. Chỉ có Chúa mới làm cho chúng tôi sống đời đời, được hưởng phước muôn đời. Chúng tôi quyết tin theo Chúa để được người thương ban hạnh phúc đó.

Các quan nổi giận kết án thiêu sống hai ông. Hai ông vui mừng vì được làm chứng cho Chúa, và thông phần trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1862, hai ông Đa Minh Toại và Đa Minh Huyên bước lên giàn hỏa thiêu. Trong khi ngọn lửa bốc cháy, hai ông cất tiếng hát ngợi khen và cầu xin Chúa thêm sức mạnh để hoàn thành sứ vụ.

Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong hai ông lên hàng Chân Phước, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô tôn phong hai ông lên hàng Hiển Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Trường thi tử đạo

Ðaminh Huyên sinh năm Ðinh Sửu (1817)
Ðaminh Toại hiện hữu Nhâm Thân (1812)
Quê hương hai vị rất gần
Ðông Thành Ba Lạt chuyên cần trên sông

Ðêm đánh cá hừng đông Ba Lạt
Khi gió to thuyền bạt vô bờ
Gia đình cuộc sống đơn sơ
Vợ con trông đợi, đón chờ cầu mong

Nghề đánh cá trên sông, trên nước
Sống qua ngày hưởng được bình an
Bất ngờ chiếu chỉ vua ban
Hai ông bị bắt, giải quan huyện liền

Ông Huyên khỏe, ưu tiên giải trước
Ông Toại đau, tính chước vòi tiền
Nhưng ông từ chối đi liền
Ðón xe trình diện, chính quyền Quỳnh Côi

Trình quan án chúng tôi quyết định
Cả Toại, Huyên khẳng định đức tin
Tăng gia tống ngục xà lim
Thời gian chín tháng kẹp kìm đòn roi

Lòng quả cảm được coi về Chúa
Ủi an nhau đoan hứa sẵn sàng
Công đường bị dẫn tới quan
Ép buộc quá khóa, hoàn toàn chối không

Không lay chuyển hai ông chiến sĩ
Các quan đều đề nghị thiêu sinh
Hai ông biết án của mình
Ca vang chúc tụng, tôn vinh Chúa Trời

Hai ông nhốt mỗi người một cũi
Làm bằng tre ngồi cúi đợi chờ
Bỗng đâu lửa phựt bất ngờ
Ðông người hiện diện, cả giờ thiêu sinh

Hai chiến sĩ Ðaminh thọ án
Thật kiên cường, xứng đáng mẫu gương
Hai ngư phủ được Chúa thương
Nhị bình sông nước, hành hương Nước Trời

Phúc tử đạo sáng ngời Nhâm Tuất (1862)
Xác hai ông thiêu ngất khói cao
Tân Mão (1951) Toà Thánh ban trao
Suy tôn Á thánh tuôn trào hồng ân

Lời bất hủ: Ông Huyên bị tống ngục tù Tăng Già. Suốt thời gian chín tháng ở đây, mọi người có thể thấy rõ lòng quả cảm và kiên cường của ông Huyên, nào đói khát, nào đòn vọt và ngay cả án tử hình cũng không làm ông nản chí, ngược lại ông còn khích lệ các bạn tù kiên trì giữ vững đức tin của mình.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #18
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.952
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
17. Ðaminh Phạm Trọng Khảm (1780-1859)

Ðaminh Phạm Trọng Khảm, chánh án, Dòng Ba Ða Minh; sinh năm 1780 tại Quần Cống, Nam Ðịnh; chết ngày 13 tháng 1 năm 1859 tại Nam Ðịnh. Ngài là một nhân vật giầu có và được dân chúng kính nể, và cũng là bề trên của Dòng Ba Ða Minh. Ngài cùng với con trai và nhiều người trong tu hội phải chết vì bảo vệ cho các giáo sĩ. Phong Á Thánh 1951. Lễ kính Ngày 13 tháng 1.

Đaminh PHẠM TRỌNG KHẢM (1780-1859) - Quan Án

Đaminh Phạm Trọng Khảm sinh khoảng năm 1780 trong một gia đình bảy anh em giàu có tại làng Quần Cống tại làng Xã Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc phận Bùi Chu). Thân phụ ông là cụ Phạm Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng trọng vọng. Hấp thụ được nhiều tính tốt của cha cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu. Năm 18 tuổi, anh vâng lời song thân kết hôn cùng cô Anrê phượng, một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống rất thuận hòa, được dân làng tin phục mến yêu. Đặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục và khích lệ con cái học hành. Con trai ông là Cai Thìn cũng làm đến chức Chánh Tổng, được mọi người kính nể và kiên trung làm chứng cho đức tin đến hơi thở cuối cùng với cha của mình. Ba người con gái của ông là bà Nhiêu Côn, Nhiêu Trữ và Hậu Địch cũng được đi học như các con trai, nổi tiếng lanh lợi tháo vác.

Khi bị bắt, vợ cụ An Khảm đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng vừa là hội viên dòng ba, kiêm chức Trùm họ trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo đức, giàu lòng bác ái và lòng nhiệt tình trong những trách vụ. Các thừa sai, cả các Giám Mục cũng biết tiếng và cũng đến trọ nhà cụ trong những ngày khó khăn. Với giáo xứ cụ cộng tác đắc lực với cha sở trong việc điều hành tổ chức họ đạo. Với xóm làng cụ là một người đức độ, quan tâm đến nhu cầu mọi người cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho kẻ nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ đi lại rằng : "Gia nhân phải kiếm kẻ nghèo khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm."

Vì sẵn của cải, cụ chia sẻ cho mọi người, có lần cụ kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các hẻm mời mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được một bữa no say.

Khi quân lính đến bao làng Quần Cống, cụ tập họp mọi người lại, khuyên họ bền chí. Để khích lệ những người nhát đảm, cụ nói : "Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh Giá khi quan về, tôi sẽ đuổi ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn xác đâu". Thế rồi cụ bị bắt, và trên đường áp giải những tín hữu "cố chấp" về Nam Định, cụ Án được tách riêng, nhốt ngay trong thuyền của quan để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Nhưng suốt thời gian tù, cụ vẫn là chỗ dựa là nguồn an ủi, là người khích lệ và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất cho các bạn tù.

Giuse PHẠM TRỌNG TẢ (1800-1859) - Luca PHẠM TRỌNG THÌN (1820-1859) - Chánh Tổng

Cuộc đời của hai ông Cai Tả, Cai Thìn tuy cách biệt nhau 20 tuổi đời, nhưng đã hòa lẫn với nhau trong cùng bối cảnh lịch sử thời tử đạo, một vị là cựu, một vị là Chánh Tổng làng Quần Cống. Phải làm gì bây giờ chắc chắn hai ông đã phải bàn luận với nhau rất nhiều, để cùng với sự ủy thác của đức Cha Sampecro Xuyên, giám mục giáo phận Trung khi đó, hai ông chọn giải pháp hòa bình bằng phương thế đối thoại. Một mặt với uy tín riêng, các ông trấn an các tín hữu. Mặc khác quan hệ với quan tổng đốc để gợi lên quan tấm lòng nhân ái và quãng đại. Rất tiếc, đường lối đó không đạt như sở nguyện, nên hai ông đã trả giá cho sứ mạng hòa giải bằng chính mạng sống của mình.

Giuse Phạm Trọng Tả sinh khoảng năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân trường tỉnh Nam Định. Cai Tả là anh em thúc bá với thánh Án Khảm, là con Đaminh Phạm Thăng. Khi bị bắt ông đã 60 tuổi, là một kitô hữu đạo đức, một hội viên dòng ba Đaminh và là cựu chánh tổng đã chu toàn chức vụ của mình. Phụ lực với cháu Cai Thìn, ông tìm cách giúp mọi người sống đạo trong hoàn cảnh khó khăn. Gia phả con cháu ghi rằng : "Đầy tớ ông rất đông, chưa tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà cáp họ biếu xén ông trong năm. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng châm chước như thế. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên trả lời 'mình quên nợ người chúa quên tội mình'".

Luca Phạm Trọng Thìn là con trai cụ An Khảm, sinh khoảng năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Như ta đã biết về cụ An Khảm, dưới mái nhà gia giáo và khá giả này, cậu Thìn đã lớn lên trong bầu khí đạo đức, được ăn học thành người. Nhờ trí khôn thông minh nhanh nhậu và chăm chỉ chuyên cần chẳng bao lâu anh đã "công thành danh toại". Khi bị bắt ông Cai Thìn khoảng 40 tuổi và đang là Chánh Tổng, vừa quyền thế vừa uy tín. Thực ra khi mới lên chức vụ này, vì giao tiếp với quan lại nhiều, có thời kỳ ông có vợ nhỏ là cô Trung người Trà Lũ, nên thờ ơ việc đạo nghĩa (vợ chính ông Cai Thìn là bà Maria Tâm). Nhưng sau nhờ lời khuyên của thân phụ, nhất là của cha giải tội, ông đã thành tâm sám hối. Từ đó ông trở thành một mẫu gương thánh thiện, một gia trưởng và một hội viên dòng ba Đaminh đạo đức, một thủ lảnh đáng tin cậy.

Năm 1858, tình hình bắt đạo đang gia tăng, và liên quân Pháp-Tây Ban Nha đang đe dọa dân Việt ở Đà Nẵng, vua Tự Đức thêm phẫn nộ ra lệnh cho quan quân triệt để thi hành các sắc chỉ nhắm vào đạo gia tô. Nhưng thực tế việc việc thi hành này lệ thuộc nhiều vào các quan địa phương có sốt sắng hay không. Lợi dụng điều đó, Đức Cha Sampedro Xuyên đã ủy thác cho Cai Tả và Cai Thìn trọng trách sứ giả hòa bình, vì cũng thuộc thành phần lãnh đạo, dễ dàng tiếp xúc với cấp trên.

Hiểu ý Đức Cha và nắm tình hình các tín hữu Quần Cống, hai ông đã đến gặp trực tiếp Tổng Đốc Nam Định, xin ông nương tay cho các tín hữu được bình an, và hứa kêu gọi dân chúng trung thành với đức vua. Cuộc thương thuyết sắp thành công, nhưng không ngờ lúc ấy tại Cao Xá, một người vì bất mãn chính sách của nhà vua, đã xúi dục một nhóm người nổi loạn chống lại các quan địa phương. Thế là vị Tổng Đốc liền đổi ý, ra lệnh tiếp tục truy lùng các thừa sai, các đạo trưởng và các giáo hữu có uy tín trong dân. Quan kết án Cai Tả, cai Thìn là lừa dối và tìm dịp để bắt hai ông. Chúng ta sẽ biết cơ hội để quan thực hiện ý đồ đó trong phần sau.

Ba lần ra trước tòa, cả ba lần hai ông đều cương quyết không bước qua Thập Giá, dù bị dọa nạt đánh đập. Khi quan yêu cầu hai ông viết những suy nghĩ của mình lên giấy, Cai Thìn đã viết bảng tuyên xưng Đức Tin rõ rệt và can đảm như : "Tôi là một Kitô hữu, tôi sẳn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Chính tay tôi viết điều này Luca Thìn".

Ông Cai Tả không cương quyết không xúc phạm Thánh Giá, ông còn khuyên bảo mọi người đừng phạm thứ tội mà ông gọi là "ghê tởm" đó .

Nếu Đức Giêsu Hoàng Tử Bình An đã dùng Thánh Giá khổ nhục để hòa giải nhân loại bạc bẻo với Chúa Cha thì cuối cùng, hai ông Cai Tả và Cai Thìn sẽ mãi mãi là sứ giả Hòa Bình bằng cái chết để chứng tỏ lòng mình luôn trung tín với Thiên Chúa và trung thành với Giáo Hội.

* *
*

Năm 1858 khởi đầu cho giai đoạn 5 cuộc bách hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Nhà vua treo giải thưởng xứng đáng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các vị thừa sai Âu Châu và ngược lại sẽ trừng trị đích đáng những kẻ chứa chấp họ. Thế là các Ngài phải nay đây mai đó, trốn từ làng này qua làng khác. Quần Cống là một nơi ẩn náu khá an toàn, vì các chức sắc trong làng là ngừơi Công Giáo, và chính họ sẵn sàng đón tiếp các Ngài. Đức cha Sampedro xuyên, đại diện tổng tòa giáo phận Trung dự đoán có thể bị bắt bất ngờ, đã thủ phong giám mục phó cho Đức cha Valentino Vinh ngày 14-06 tại ninh Cường, hai cha Riano Hòa và Carrerras Hiển là phụ phong. Sau đó cả bốn vị đều ẩn tại làng Quần Cống, trọ tại nhà cụ An Khảm, Cai Tả và Nhiêu Côn.

Quan An sát Nam Định được mật báo làng Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân lính đến vây bắt. Nhưng cụ An Khảm kịp biết tin, vội vàng tìm cách đưa các vị thừa sai trốn khỏi làng. Đức cha Vinh và hai Linh mục qua làng Trà Lũ. Đức cha Xuyên đi qua Kiên Lao (ngày 08-07 mới bị bắt). Sau khi các thừa sai đã đi xa, cụ cho mỏ làng đi trước, đích thân cầm roi đi sau, bắt mõ làng rao lớn tiếng : "Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng : người nào quá khóa phải phạt ba roi và bị đuổi ra khỏi làng." Rồi cụ tụ tập dân lại khích lệ họ.

Sau đó, quan quân ùa vào làng, họ bắt toàn thể dân làng tập trung lại, và rồi gọi cụ An Khảm ra trình diện và nói : "Mau nộp ngay lập tức các đạo trưởng Tây dương và bản quốc, cũng như bọn thầy giảng lẩn trốn trong làng. Nếu bất tuân lão sẻ bị bắt, bị tịch thu tài sản, nhà cửa sẽ bị thiêu hủy, còn chíng lão sẽ bị kết tội chống cưỡng nhà vua." Cụ An Khảm hết sức bình tĩnh vì biết chắc các thừa sai đã trốn xa rồi, cụ mạnh bạo trả lời : "Đúng, đạo chúng tôi có các đạo trưởng nhưng các ngài ở đâu làm sao chúng tôi biết được. Xin quan cứ tự do lục soát nếu tìm thấy vị nào trong làng thì quan muốn làm gì cũng được."

Thế là quân lính chia nhau lục soát khắp ncả nhà, dĩ nhiên là không tìm thấy một linh mục. Nhưng lính lại phát hiện được một số tượng ảnh, áo lễ nên chủ nhà bị kết tội là chứa chấp đạo trưởng. Cụ An đã đứng ra nhận là mình đã mua những thứ đó. Tuy vậy quan vẫn ra lệnh bắt trói cả nhà.

Trở lại nơi tập trung dân làng, quan An sát cho đặt một Thánh Giá ngay giữa sân, rồi bắt mọi ngừơi lần lượt bước qua. Nhưng quan đã thất bại dù lính có đi tới đi lui đe dọa, toàn thể dân làng không một ai bước qua Thánh Giá. Một bô lão có lẽ vì quá sợ, run rẩy tiến lên vài bước, định thi hành lệnh quan, nhưng cụ An nhanh chân hơn cản lại và khiển trách. Viên quan tức giận quát lên rằng : "Ta sẽ mất chức nếu không kết tội đươc An Khảm và bọn người vô phúc này." Thế rồi quan lại bắt trói An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn và một số người khác, rồi giải về Nam Định, riêng cụ An được chở đi trong thuyền của quan.

Chúng tôi được nước Thiên Đàng
Về tới Nam Định, hai cha con cụ An Khảm được gặp nhau trong những lần ra tòa, và sau này được giam chung. Hai cha con vui mừng và xúc động khuyến khích nhau chịu khổ vì lòng kính mến chúa Kitô.

Tất cả những tù nhân Quần Cống hẹn với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Riêng cụ An Khảm đã nhiều lần đại diện cả nhóm trả lời với quan, đã tìm cách giáo lý trong đạo.

Một hôm sau khi bắt được Đức Cha Xuyên, quan cho dẫn ba ông đến trước mặt Đức Cha. Các ông kính cẩn chào hỏi và không dấu được niềm vui gặp lại vị chủ chăn của mình. Thấy thế quan phỏng đoán và kết tội các ông chứa chấp vị thừa sai này. Tuy thực sự Đức Cha đã ở nhà mình, cụ An Khảm tìm cách trả lời chung chung : "Là ngừơi tín hữu, chúng tôi tôn kính và yêu mến bất cứ một linh mục nào, dù chưa hề quen biết."

Sau bốn tháng rưỡi bị giam, một hôm quan báo cho biết là cả ba vị đều bị kết án xử giảo. Ông Cai Thìn hỏi lại án đã kết tội gì, quan cho hay là tội chống lại nhà vua. Ong Thìn cực lực phản đối. Cuối cùng theo đề nghị của ông, bản án được viết thêm bốn chữ "bất khẳng quá khóa"; nghĩa là tội không chịu bước qua Thập Giá. Các ông vui mừng hân hoan vì được chết cho Đức Kitô. Và trong những ngày còn lại, các ông chuẩn bị sốt sắng đón chờ ngày lãnh nhận hồng phúc tử đạo.

Ba vị chứng nhân đức tin đã cảm nghiệm sâu xa lời Đức Kitô chúc phúc cho những người bách hại vì danh Ngài. Đối với ba vị, bị bắt chịu khổ nhục, bị giết vì danh Đức Kitô là niềm vinh phúc lớn lao. Các vị đã hân hoan đón chờ nó, đồng thời khích lệ an ủi các tín hữu khác. Và khi nghe báo giờ xử tử đã tới, cụ An Khảm vui vẻ nói với mọi người : "Cha con chúng tôi hôm nay được nước Thiên Đàng". Cả ba vị đã sẵn sàng giả từ trần gian để về hợp đoàn với hàng ngũ các thánh Tử Đạo, và mở rộng đôi tay đón nhận phần thưởng vinh phúc Chúa đã hứa ban cho những tôi trung của Ngài.

Ngày 13-01-1859, ngoài ba vị An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn còn có bảy giáo hữu làng Quần Cống khác được đưa ra pháp trườngBảy Mẫu, Nam Định. Trên đường đi các vị lớn tiếng đọc kinh. Đến nơi xử các vị tiếp tục đọc kinh Tin, Cậy, Mến và nhiều lần kinh Ăn Năn Tội chung với nhau, rồi lớn tiếng kêu Chúa Giêsu.

Quân lính mạnh tay xô các vị té ngửa trên đất, rồi trói chân tay từng người vào cọc đã chôn sẵn. Mỗi người bị hai người lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở. Các tín hữu làng Quần Cống rước các vị đưa về quê mình, và tổ chức an táng trọng thể.

Đức Piô XII đã suy tôn ba anh hùng tử đạo : Đaminh Phạm Trọng Khảm, Giuse Phạm Trọng Tả, Luca Phạm Trọng Thìn lên bậc chân phước ngày 29-04-1951. Ngày 19-06-2002, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các Ngài lên hàng hiển thánh.

Trường Thi tử Đạo

Bảy chín tuổi cụ Phạm Trọng Khảm
Sống qua thời dưới tám triều Vua
Gia đình Quần Cống quê mùa
Mẹ cha phú quý chẳng thua thị thành

Phần con cái hạ sanh được bảy
Cả gái trai hết thảy đều ngoan
Mười tám tuổi quen một nàng
Kết hôn chị Phượng người làng đoan trang

Vợ chồng sống đảm đang đạo đức
Ðược bốn con rất mực nết na
Cụ ham học, giỏi tề gia
Dùi mài kinh sử thật là thông minh

Thi đỗ đạt Triều đình phong chức
Án Sát Quan nhất mực thanh liêm
Nhưng sau cụ bị tố liền
Là người Công giáo vua truyền nghe theo

Bị cách chức, phẩm đeo lột hết
Về xóm làng, khăn xếp bạch đinh
Ðức tin cụ vẫn nhiệt tình
Bước theo chân Chúa, tôn vinh danh Ngài

Nơi làng cũ triển khai làm ruộng
Rất cần cù ưa chuộng tình thương
Giúp người lạc lối lỡ đường
Giàu lòng bác ái giáo lương một nhà

Chia của cải gần xa nghèo túng
Nhập dòng ba hướng đúng Ðaminh
Nghèo hèn cụ trọng chẳng khinh
Ðón mời kẻ khó gia đình ăn chung

Ðược Cha xứ trong vùng tín nhiệm
Ðặt làm trùm đại diện giáo dân
Sau bầu lý trưởng thấy cần
Phải nhờ Giám mục lãnh phần động viên

Cụ Trọng Khảm nể liền đảm nhận
Rất nhiệt tình tường tận giúp dân
Các Thừa sai khắp xa gần
Những ngày gặp khó ân cần giúp ngay

Dân mộ mến thăng ngay Tiên Chỉ
Vẫn giữ luôn hoan hỉ đạo đời
Thanh liêm vọng tiếng khắp nơi
Án Quan từ bỏ rạng ngời đức tin

Tại Bảy Mẫu vui nhìn xử trảm
Chúa thưởng ban xứng đáng Nước Trời
Ðaminh Trọng Khảm lìa đời
Ðược phong Hiển thánh rạng ngời Thiên Cung

Quan Án Sát oai hùng từ bỏ
Trong gia đình giàu có sẻ chia
Bạch đinh từ chối mũ hia
Lý hình xử giảo cắt lia thân mình

Phạm Trọng Khảm hy sinh tử đạo
Vẫn kiên trung loan báo Tin mừng
Thánh nhân gương mẫu sáng trưng
Tôn vinh danh Chúa lẫy lừng năm Châu

Phạm Trọng Khảm sinh đầu Canh Tý (1780)
Năm Kỷ Mùi (1859) vì đạo chứng minh
Tân Mão (1951) Toà Thánh thuận tình
Suy tôn Chân phước hiển vinh Nước Trời

Lời bất hủ: Thánh nhân can đảm tuyên bố trước anh em binh sĩ: "Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh giá, khi quan về, tôi sẽ đuổi ra khỏi làng, sẽ không có chốn nào chôn xác đâu".

Lời tâm niệm chung 1: Chúng ta noi gương các thánh Tử đạo Việt Nam, hết lòng kính mến Chúa và yêu thương mọi người, bằng cách giúp đỡ tha nhân phần hồn lẫn phần xác, trọn đời chịu cực chịu khó để tin thờ Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh giúp đỡ những người làm việc tông đồ, và nâng đỡ anh em đồng đạo, trung thành với Chúa, với Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng...

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
118 thánh tử đạo việt nam


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 09:24
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,40075 seconds with 15 queries