Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 03-02-2010   #64
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Vợ thầy kiện

Có một người thầy kiện rất giỏi. Mỗi khi thảo đơn kiện cho ai, định buộc tội, gạt lỗi cho nhiều người, mà ý nghĩ chưa được sâu sắc, lời nói chưa được chặt chẽ thì cứ muốn ngồi yên một chỗ để cấu tứ. Những lúc ấy, thường dặn người nhà, có khách hỏi, không được cho vào, cả đến vợ cũng phải lánh xa ở một buồng khác.

Vợ người thầy kiện trước kia vẫn đã cùng người láng giềng đầu mày cuối mắt, chỉ vì không dịp, không chỗ, cho nên dòm dỏ đã hơn một năm, mà chưa được thân cận với nhau. Bấy giờ biết thế, mỗi khi gặp người thầy kiện cấu tứ, thì người vợ bèn lại chuyện trò quấy rối để đến mắng phải đuổi tránh đi chỗ khác.

Thành vì thế mà người vợ với người láng giềng được bao nhiêu cơ hội đi lại với nhau luôn kể hàng bao nhiêu năm mà không ai biết.

Sau người thầy kiện vì cấu tứ mãi mà chết. Người vợ chửa hoang phải nhà chồng kiện.

Quan tra xét căn do việc đi lại với ai. Vợ người thầy kiện phải thú thực.

Quan vỗ bàn, thở dài nói: “Ngòi bút của người thày kiện đã khéo, ai ngờ cơ trời còn khéo hơn”.


Lời bàn: Thầy kiện tức là luật sư. Luật sư là người hơn ai hết, hiểu thấu các tinh tuý của pháp luật, biết rõ nỗi u uẩn của nhân dân. Chính phủ nhờ có luật sư mà thêm sáng việc, quần chúng nhờ có luật sư mà đỡ hàm oan. Vậy làm thầy kiện mà gỡ tội cho kẻ oan, đáng trọng bao nhiêu, thì buộc tội cho người ngay hay bênh vực kẻ gian ác, đáng khinh bấy nhiêu. Người thầy kiện nói trong bài đây là một tay giảo hoạt chắc đã nhiều lần, lấy lý mà thắt người ngay vào tội ghê gớm lắm. Bởi vậy tác giả mới thuật lại truyện này, nói người thầy kiện vừa tự hại mình lại để cho vợ phản mình, có dạy người tuy khôn khéo đến đâu, cũng không lọt được vành tạo vật. Tạo vật thường vẫn ghét người xảo, bao giờ cũng bắc sẵn cái cân để cân lại cho công bằng. Nhiều khi muốn hại người, người chẳng thấy đâu, lại chỉ thấy cái hại nó quay ngay vào chính mình trước.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #65
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Người kiếm củi được con hươu

Người nước Trịnh kiếm củi ngoài đồng, thấy con hươu lạc, đón đánh chết được ngay. Anh ta sợ người ngoài trông thấy, vội vàng giấu xác hươu vào trong cái hào cạn, lấy lá chuối phủ lên. Trong bụng mừng rỡ không biết thế nào mà kể. Chợt một cái, anh ta quên ngay chỗ hươu, bèn cho ngay là chuyện chiêm bao. Lúc gánh củi về, anh ta đi đường, thờ thẫn thở than và cứ một mình lẩm bẩm kể câu chuyện ấy.

Có một người đi cạnh, nghe thấy cứ theo lời kể mà tìm được hươu, đưa về, bảo vợ rằng: - Lúc nãy anh kiếm củi mộng bắt được hươu mà không biết chỗ nào, bây giờ ta tìm được, thế thì hẳn là kẻ mộng thật. Vợ nói: “Hay là chính anh mộng thấy người kiếm củi bắt được hươu. Chớ làm gì có người kiếm củi thật. Bây giờ anh bắt được hươu thật, thế là mộng anh thật chăng”.

Chồng bảo: “Đây ta cứ biết được hươu là được hươu, cần gì phải biết rằng ta mộng hay hắn mộng nữa”.

Anh kiếm củi về nhà, trong bụng tấm tức băn khoăn về việc mất hươu. Đêm hôm ấy, nằm mộng thấy chỗ mình giấu hươu và cả người đến lấy hươu ấy. Sáng ra, cứ theo như mộng rồi tìm ra được, mới đem lên quan sĩ sư kiện để đòi lại hươu.

Quan xử rằng: - Mày trước thật là bắt được hươu lại hoảng lên cho là mộng, sau mày mộng tìm thấy hươu lại hoảng lên cho là thực. Còn thằng kia thật là lấy hươu mà tranh nhau với mày thì vợ nó lại tưởng là mộng được hươu của người ta chớ không ai bắt được hươu thật. Bây giờ rõ ràng có con hươu đây, thời chia đôi cho mỗi bên một nửa.

Cái án ấy tâu lên vua nước Trịnh. Vua nói rằng: “Hừ! Quan án cũng lấy mộng mà xử cái kiện con hươu ư!”. Rồi cho đòi thủ tướng đến hỏi. Thủ tướng tâu rằng: - Mộng cùng chẳng mộng, tôi không thể phân biệt được. Muốn phân biệt mộng hay giác thì chỉ có ông Hoàng Đế(1), ông Khổng Tử mà thôi. Bây giờ không có hai bực ấy, thì ai phân biệt ra được? Thôi, xin cứ y lời xử đoán của quan sĩ sư là xong.

Lời bàn: Đánh chết được thật hươu lại đem giấu cẩn thận, vì quên mất chỗ giấu mà cho là mộng. Thế là thực mà hóa ra mộng. Nghe lỏm rồi lấy tranh hươu của người, đem về tận nhà, khoe với vợ. Thế mộng hóa ra thực. Ôi! Như thế thì chẳng ra sự mộng và sự thực không có gì để phân biệt tách bạch hẳn ra ư. Hay ở đời có lắm cái như thực mà là mộng cả lại có lắm cái tưởng mộng mà là thực cả. Tác giả chính có ý muốn bày tỏ sự mộng, sự thực ở đời là như thế. Nhà Phật còn cho cả cuộc đời là một giấc mộng, nữa là những việc vụn vặt hằng ngày. Còn câu cuối bài, tác giả có ý bác ông Hoàng Đế và ông Khổng Tử cứ như muốn giáo hóa người đời, cho ra đời cái gì cũng là thực cả. Từ xưa đến nay, ở đâu mà chẳng là thật, việc gì mà chẳng là chiêm bao, chẳng qua như chuyện được hươu mất hươu, tìm thấy hươu, kiện nhau hươu. Nghĩ cho cùng, tưởng cũng buồn cười.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #66
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Họ Doãn làm giàu

Đời nhà Chu, có người họ Doãn chỉ chăm làm giàu. Tôi tớ trong nhà khó nhọc, vất vả, thức khuya dậy sớm. Có một tên đầy tớ tuổi già, sức yếu, nhưng phải làm nhiều, ban ngày tối mắt không kịp thở, ban đêm mệt lử ngủ say, tinh thần tán loạn. Nhưng đêm nào, cũng mơ màng được làm vua một nước, đứng đầu cả muôn dân, cầm quyền chủ mọi việc, ở gác tía, lầu son, ăn của ngon vật lạ, muốn gì được nấy, vui vẻ sung sướng thực không ai bằng. Sáng bừng mắt dậy, thì vẫn hoàn là tên đầy tớ già, làm không kịp thở...

Có người thấy lão ta vất vả khó nhọc, lấy lời an ủi.

Lão ta nói rằng: “Đời người trăm năm, có ngày, có đêm. Ban ngày, ta chỉ là một tên đầy tớ kể ra khổ thực, nhưng ban đêm, ta đã làm vua cả một nước, vui sướng không ai bằng, thì còn oán hận gì nữa?”.

Họ Doãn gây dựng cơ nghiệp, lo lắng làm giàu, nát gan tan ruột, cứ đêm mệt ngủ đi, thì nằm mơ lại thấy đi làm đầy tớ người ta, việc gì cũng phải làm, lại gặp nhà chủ cay nghiệt quở mắng đánh đập khổ cực muôn phần, nên lúc ngủ trằn trọc thổn thức, sáng dậy mới thôi.

Họ Doãn lấy làm lo, nói chuyện với bạn.

Bạn bảo: “Được cái địa vị như bác giàu có hơn người, ban ngày sung sướng vẻ vang biết là bao, đêm đến có nằm mơ đi làm đầy tớ người ta, thì cũng là sướng khổ đắp đổi. Nếu lúc thức, lúc ngủ cũng muốn vui sướng cả, thì làm thế nào được?”

Doãn thị nghe bạn nói, từ hôm đó nới tay cho người ăn kẻ ở và mình cũng bớt lo nghĩ, nên mỗi ngày bệnh một bớt dần.

Lời bàn:

Bài này bày ra hai cảnh ngày, đêm của hai người nghèo khác nhau. Tác giả có ý nói người ta được cái này, thường hỏng cái kia. Hễ ai được thế nào, hay thế, mà trí túc thì tự có cái sướng ở đó rồi. Ở đời, giàu nghèo chẳng qua chỉ có lúc thức là phân biệt nhau, chớ đến lúc ngủ, đợi cái giấc ngủ trăm năm – hai con mắt đã nhắm lại, hồn vía đã đi đâu, thì ai cũng như ai. Tuy vậy, cũng không nên viện lẽ ấy mà cam chịu nghèo khổ. Cần kiệm làm ăn để gây dựng cơ nghiệp, để làm giàu, thật là chính đáng. Nhưng, nếu bòn công bòn của người để làm giàu thế là bóc lột, làm giàu vô nhân đạo. Vô nhân đạo thì không những không được hưởng giàu, mà còn khổ hại về giàu nữa.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #67
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hang Ngu Công

Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, thế là ông vua có bụng với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế cũng là hai bậc minh quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăn dân của mình.

Vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằng: “Hang này tên gọi là hang gì?”.

Ông lão thưa: “Tên là hang Ngu Công”.

- Tại làm sao mà đặt tên như thế?

- Tại kẻ hạ thần đây mới thành có tên ấy.

- Coi hình dáng lão không phải là người ngu, cớ gì lại đặt cái tên như thế?

- Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đưa đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có một chàng thiếu niên đến lấy lý “Bò không đẻ ra được ngựa”, bèn bắt con ngựa con đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.

Hoàn Công nói: “Lão thế thì ngu thật!”.

Buổi chầu hôm sau, Hoàn Công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe.

Quản Trọng nói: “Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược, lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu Công mà đành để mất ngựa, chắc là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kịp chỉnh đốn các chính sách lại. Khổng Tử nghe thấy nói:

- Đệ tử ta đâu, ghi lấy việc ấy! Hoàn Công là bá quân. Quản Trọng là hiền thần. Tuy đã vào bậc khôn ngoan, mà còn tự cho là ngu dại.


Lời bàn: Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, thế là ông vua có bụng với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế cũng là hai bậc minh quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăn dân của mình. Nên Khổng Tử có lời khen thực là đáng lắm. Vì rằng giữ vận mệnh một dân tộc mà không hiểu thấu ẩn tính của dân thì tuy có lòng thương dân, dân vẫn khổ và nước vẫn không yên được.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #68
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lúc nào được nghỉ?

Thầy Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Tử này mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ để thờ vua có nên không?”

Đức Khổng Tử nói:

- Phận làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn, mà cho trọn được chức trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được.

- Vậy xin nghỉ để thờ song thân?

- Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật là vô cùng, lại có thể lấy sự hiếu thảo của mình cảm hoá được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con?

- Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn?

- Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Vậy xin nghỉ để làm ruộng?

- Công việc nhà nông phải cày, cấy, gặt hái hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Như thế thì Tử này không lúc nào được nghỉ ư?

- Có chứ. Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc được nghỉ đó.

Thầy tử Cống nói:

- Như thế cái chết chẳng là cái hay à! Người quân tử đến bây giờ mới được nghỉ; kẻ tiểu nhân đến bây giờ mới chịu thôi, cái chết thật là hay vậy!


Lời bàn: Học tập một môn học, nghiên cứu một đạo lý, càng đi, càng thấy dài, càng lên, càng thấy cao. Lập chí không bền thấy khó mà thôi (nghỉ) thì bán đồ nhi phế ngay lập tức.

Thần hạ đối với quân trưởng, con cái đối với cha mẹ, vợ chồng, bầu bạn ăn ở với nhau đều có bổn phận phải sao cho đầy đủ không tận tâm tận lực (nghỉ) thì thiếu bổn phận và rối loạn ngay lập tức.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #69
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Rắn dời chỗ ở

Trời nắng, ao cạn, hai con rắn muốn dời đi ở chỗ khác.
Rắn con bảo rắn lớn:

- Anh đi trước, tôi theo sau, người ta biết là rắn kéo nhau đi tìm chỗ ở, thì thế nào cũng tìm cách giết chết. Sao bằng anh để tôi ngậm vào mình anh, còn anh thì cõng tôi mà đi, người ta tất nhiên cho là rắn thần, không dám đụng đến.

Nói xong, hai con rắn làm y như thế mà đi qua đường cái. Quả nhiên, người ta trông thấy, ai cũng tránh sợ, bảo nhau là “rắn thần”.

Kẻ nương tựa nhau, thông đồng với nhau để làm điều gian dảo, lừa dối đời, mê hoặc người, thì có khác gì hai con rắn cõng nhau đây mà giả làm rắn thần không?


Lời bàn: Những quân gian dảo định đánh lừa thiên hạ, khi chỉ có một mình, thiên hạ cũng mắc lừa chán, huống chi là chúng kết bè, kết đảng, đồng tâm bày mưu mà gạt lừa thiên hạ, thì ai dù khôn ngoan đến đâu dễ đã tránh cho được. Đoàn kết với nhau để làm điều lành, hay cho thiên hạ bao nhiêu, thì bè đảng với nhau để làm điều ác, nguy cho thiên hạ bấy nhiêu. Vậy ta thấy những điều gì lạ tai, lạ mắt, trái hẳn nhân tình thì một là đánh lừa, hai là lợi dụng, ta trước nên suy xét kĩ đã, rồi sau hãy tin theo.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #70
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Tưới dưa cho người

Tống Tựu làm quan Doãn một huyện gần biên thuỳ nước Lương, chỗ giáp với nước Sở.

Người đình trưởng ở biên thuỳ nước Lương cùng người đình trưởng ở biên thuỳ nước Sở, hai người cùng trồng dưa. Người bên nước Lương chăm làm và tưới luôn nên dưa tốt. Người bên nước Sở biếng làm và tưới ít nên dưa xấu.

Quan Doãn ở ngay huyện biên thuỳ nước Sở, thấy bên Lương tốt, bên mình xấu, lấy làm tức giận lắm.

Người đình trưởng nước Sở thấy dưa bên Lương tốt hơn dưa của mình, cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn sang cào vỏ dưa của bên Lương, đến nỗi dưa bên ấy phải héo chết mất một ít.

Sau người đình trưởng nước Lương biết mới nói với người trưởng trong huyện, ý cũng muốn lẻn sang cào vỏ dưa bên Sở.

Người trưởng lại đem việc ấy nói với Tống Tựu.

Tống Tựu bảo:

- Ôi! Sao lại thế! Thế chỉ là gây thù oán, chuốc tai vạ thôi. Này ta bảo ngươi, chớ sang cào dưa của người ta, cứ đêm lẻn sang tưới dưa cho người ta mà đừng để cho người ta biết.

Người đình trưởng cứ theo thế mà làm.

Sau dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, xét mãi ra mới biết người đình trưởng nước Lương làm giúp.

Quan Doãn nước Sở biết rõ việc ấy, lấy làm vui lòng, tâu lên vua Sở.

Vua Sở biết chuyện, buồn và có ý thẹn, nghĩ rằng: Ngoài cái tội đi cào dưa của người ta, chắc còn có nhiều việc khác đáng tội với người ta nữa.

Vua bèn lấy nhiều của đưa sang tạ tội vua Lương và xin giao hiếu.

Vua Lương cũng tin lòng. Thành ra hai nước giao hảo với nhau được lâu.

Cổ ngữ có câu: “Chuyển bại nhi vi công, nhân hoạ nhi vi phúc” nghĩa là xoay cái bại mà làm nên công, nhân cái hoạ mà gây phúc. Lão Tử có nói: “Báo oán dĩ đức” nghĩa là đem đức để báo oán. Hai câu ấy tức như truyện này.

Ôi! Người ta đã làm không phải, sao ta lại còn bắt chước người ta!


Lời bàn: Thói thường ở đời, mình dở không ưa người hay, mình lười không ưa người chăm, mình trái không ưa người phải, mình nghèo hèn không ưa người giàu sang… Cho nên người với người thường hay sinh sự.

Gia dĩ những người ở vào chỗ đất phân ra hai nước, chia làm biên thuỳ, thì sự chiến tranh lúc nào cũng nằm sẵn ở đó. Như đây, vì chuyện dưa mà hai người trồng thù hằn, hai quan uý ghen ghét. Nếu không có Tống Tựu khéo khu xử thì biết đâu máu chảy chẳng thành sông, xương chất chẳng thành núi; ở đời những việc ẩu đả, kiện tụng, tranh chiếm, tàn phá thảm hại vô cùng, thường hay do tự những việc nhỏ mọn gây ra. “Cái sẩy nẩy cái ung” là thế.

Ta đọc câu chuyện này, ta rất cảm phục Tống Tựu là người có lượng bao dung đủ hoá được cái lòng quân hoạnh nghịch, biết cách khéo xử đủ biến chuyển được cái dơ ở đời. Nếu người đã không phải với ta, ta lại không phải với người nữa, thì hai bên có khác gì nhau, mà cái không phải cứ liên miên theo mãi thì sinh ra bao chuyện đáng thương, đáng tiếc! Cho nên “Dĩ oán báo oán” không phải là cách người quân tử đối với đời. Người quân tử nếu không “Dĩ trực báo oán” thì “Dĩ đức báo oán” có thế mới mong địch được quân gian tà, tiêu trừ được thói trá nguỵ vậy.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #71
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Không yêu nhau mới loạn

Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra là chỉ do cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn hại người, mà hại người, tất ghét người, giết người, tất người ghét lại mà thành ra không ai được bình yên, ai cũng chỉ lo toan tranh cướp lấy lẫn của nhau mà thôi. Vậy muốn cho khỏi loạn, tất phải làm sao cho thiên hạ biết yêu nhau.

Thánh nhân trị thiên hạ tất phải biết loạn từ đâu mà ra thì trị thiên hạ mới được, không biết loạn từ đâu ra thì trị không nổi được thiên hạ. Ví như thầy thuốc chữa bệnh cho người ta, tất phải biết bệnh căn tự đâu khởi ra thì mới chữa được, chớ không biết thì chữa không nổi được bệnh. Người trị loạn có khác gì thế?

Loạn tự đâu mà sinh ra? Sinh ra bởi không yêu nhau.

Con không hiếu với cha, tôi không trung với vua, thế là loạn đấy. Con chỉ yêu thân con, không yêu đến cha, cho nên làm thiệt cha để lợi mình; em chỉ yêu thân em, không yêu đến anh, cho nên làm thiệt anh để lợi mình; bầy tôi chỉ biết yêu thân mình mà không biết yêu vua cho nên làm thiệt vua để lợi mình. Thế là loạn đấy.

Tuy đến cả cha mà cũng không thương con, anh mà cũng không thương em, vua mà cũng không thương bầy tôi, thế cũng là loạn. Cha chỉ yêu thân cha, không yêu đến con, cho nên làm thiệt con, để mình được lợi, anh chỉ yêu thân anh, không yêu đến em, cho nên làm thiệt em để mình anh được lợi, vua chỉ yêu thân vua, không yêu bầy tôi, cho nên làm thiệt bầy tôi để mình được lợi.

Tại sao mà sinh ra những điều ấy? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả thôi không? Đến cả quân trộm, quân giặc cũng vậy. Thằng trộm chỉ biết yêu nhà mình không biết yêu nhà người khác, thằng giặc chỉ biết yêu thân mình chẳng yêu thân người khác, cho nên sát hại thân người khác để lợi thân mình. Tại sao mà sinh ra như thế? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả mà thôi không?

Cho đến cả các quan khuynh loát nhau, các nước chư hầu đánh lẫn nhau, cũng chỉ tại các quan chỉ biết yêu nhà mình, không yêu nhà khác cho nên hại nhà khác để lợi cho nhà mình, các nước chỉ biết yêu nước mình không yêu nước khác cho nên đánh nước khác để lợi cho nước mình.

Ấy thiên hạ sinh ra loạn là bởi như thế cả.

Nếu biết yêu nhau, thì còn ai nỡ hại ai, mà thiên hạ làm gì chẳng bình trị.


Lời bàn: Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra là chỉ do cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn hại người, mà hại người, tất ghét người, giết người, tất người ghét lại mà thành ra không ai được bình yên, ai cũng chỉ lo toan tranh cướp lấy lẫn của nhau mà thôi. Vậy muốn cho khỏi loạn, tất phải làm sao cho thiên hạ biết yêu nhau. Mà có yêu nhau thì mới thương nhau, đã yêu thương nhau thì mầm loạn tắt. Đó chính là cái cốt yếu của Mặc Tử, là cái ý kiếm ái, yêu cả loài người không phân biệt thân sơ gì cả.

Ý Mặc Tử đây cũng giống như ý của Mạnh Tử nói: “Ở đời, ai nấy đều con cái biết thân yêu cha mẹ, kẻ dưới biết tôn trọng người trên, thì tự khắc thiên hạ bình trị”, nhưng có phần thống thiết hơn, vì nói đến cả vua trên, cả cha mẹ cũng không thương yêu tôi con cho nên sinh loạn. Cái thuyết ấy kể thật xác đáng, ở cái đời ai ai cũng chỉ tự tư, tự lợi,có nói thế, mới mong người tỉnh lại ít nhiều chăng.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #72
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.762.134
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lo trời đổ

Ngày nay, chính cái thân mình cũng chẳng phải của mình có, mà lo cho cái thân ấy còn thường khi không được, thế mà lo khi trời đổ, đất long thì anh người nước Kỷ cũng lo xa quá thật!

Nước Kỷ có kẻ lo trời đổ, đất long thì thân mình không biết nương tựa vào đâu. Anh ta lo quá đến nỗi bỏ cả ăn, cả ngủ.

Lại có người thấy anh ta lo thế, mà lo cho anh ta mới giảng giải cho biết rằng:

- Trời chỉ là không khí chứa đầy lại mà thôi. Không chỗ nào là không có không khí, anh co, ruỗi, hút, thở suốt ngày ở trong vòng trời, thì việc gì lo trời đổ.

Anh ta nói:

- Trời mà quả là không khí, thì còn mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao chẳng có lúc sa xuống ư?

Người kia lại giảng:

- Mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao cũng là thứ hoặc phát quang, hoặc thụ quang ở tầng không khí, giá có sa xuống nữa, thì chẳng qua cũng là khí thôi có hại chi đến người.

Anh ta lại nói:

- Thế còn đất long lở thì làm sao?

Người kia lại giảng:

- Đất là một khối rất to, đâu đâu cũng có đất cả. Ta đi đứng suốt ngày ở trên mặt đất thì lo gì đất lở mà không có đất.

Anh lo nghe hiểu ra, mừng lắm. Anh đến giảng cũng lấy làm thích thú và mừng lắm.


Lời bàn: Liệt Tử đặt ra truyện này tuy về mặt thiên văn không hợp với khoa học bây giờ, nhưng cái gì muốn dạy người phải đạt lý đừng có nghĩ quẩn lo quanh rất là phải vậy.

Ngày nay, chính cái thân mình cũng chẳng phải của mình có, mà lo cho cái thân ấy còn thường khi không được, thế mà lo khi trời đổ, đất long thì anh người nước Kỷ cũng lo xa quá thật!

Hiền triết xưa đã ví trời đất như một cái nhà trọ lớn, người ta chỉ là khách qua chơi đến trọ một thời. Nếu người khách ấy không biết hưởng cái thú tự nhiên cùng tiêu dùng cái thì giờ “sống”, định đoạt cái tài sản “chết” mà cứ băn khoăn phiền bực, ăn chẳng ngon, nằm chẳng yên, lo đứng, lo ngồi, lo đêm, lo ngày, lo rằng cái nhà trọ kia lỡ ra hư hỏng nát dột, thì chẳng đáng bật cười lắm sao!

Ở đời, cố nhiên có thân là có khổ, ai mà chẳng lo. Nhưng đến cái thân trăm năm lo những việc nghìn đời, chả biết chi là hỷ hoan, chỉ những là rầu rĩ thế chả là tự chuốc lấy khổ ư?

“Tôi nói câu này anh nhớ lấy:

Ở đời chuốc khổ biết bao người”.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
cổ học tinh hoa


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 04:54
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,09453 seconds with 15 queries