Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quốc Tử Giám > Luận Văn Đàn
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Luận Văn Đàn Trao đổi & tìm hiểu về văn học.

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 17-04-2006   #1
Ảnh thế thân của Quận Chúa Quỳnh Anh
Quận Chúa Quỳnh Anh
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Quỳnh Thỉ Thốc
Gia nhập: 09-05-2004
Bài viết: 2.529
Điểm: -1996
L$B: 52.938
Quận Chúa Quỳnh Anh đang offline
 
Những chuyến xe lửa và tiếng còi tàu

Chuyện đời có buồn có vui , có đến thì phải có đi , có chia ly cũng có ngày xum họp . Nụ cười và nước mắt luôn đi bên cạnh đời sống con người .Đường trần muôn vạn nẻo, có ai chưa từng lần dò trên cái nẻo dẫn tới chốn đón, đưa, đoàn viên và tiễn biệt ?

Tôi nghe người ta thường nói :" Không có một cảnh nào mà cái sự đời buồn và vui lại rõ nét như một quang cảnh nơi một sân ga cả." Tiếng còi tàu khi sắp chuyển bánh hay khi sắp dừng , tiếng còi đó buồn hay vui ? Tự nó không mang lại điều gì , và nó cũng không khiến ai phải thế . Cảm giác chỉ là tùy thuộc vào hoàn cảnh và tâm trạng của kẻ ra đi với người ở lại hay của người ra đón với kẻ trở về mà thôi.

Đời như phiên chợ hợp rồi tan,
Ngày đến rồi đi đêm cũng tàn .
Mà vết thời gian còn ghi dấu
Trăng cũ vườn xưa cũng úa vàng
Đất lạ quê người con sóng bạc
Đêm nghe còi rú phía trời xa ...


Còn ông Kiên Giang thì kể rằng :" Đêm nào ông ta cũng nghe tiếng còi xe lửa chuyến đi chuyến về vang dội tận đến nhà trọ . Ngày Chúa Nhật ông đạp xe qua cầu Băng Ky lên miệt Thủ Đức , tì vào một cây cột đèn ở một khoảng trống đứng chờ đoàn tàu xe lửa chạy qua . Ông ví mình như người trong một bức tranh , đứng chơ vơ vì không gặp được người thân xuống ga và không nhận được một lá thư nào .

Chiều chiều ra ngóng trạm đưa thư
Tàu chạy lâu rồi khói ngẩn ngơ


Đây là tâm trạng của anh chàng Sinh viên học xa nhà đây mà , ra đón trông mà về tay không thì đúng là buồn không biết để đâu thật rồi .

Như ông Nguyễn Bính là một người thích đi đây đi đó , cả đời chỉ thích xê dịch :

Nửa đêm nghe tiếng còi tàu
Ngày mai ta lại bắt đầu ra đi
Sống là sống để mà đi
Con tàu bạn hữu , chuyến xe nhân tình


Bao nhiêu chuyến xe đã đi qua trong đời ? Xây mộng và tỉnh mộng ? Trái tim muộn phiền hay vui vẻ theo tiếng còi tàu cho người ở lại hay chính kẻ ra đi ?

Nàng Tố Uyên có câu thơ rất lạ :

Là tiếng còi tàu hay tiếng hú của đêm khuya
Em lại về đây những đêm dài trăn trở ...


Tiếng còi tàu là tiếng hú đã làm thức dậy bao tâm hồn trong đêm khuya ? Chỉ có ai từng liên quan với nó mới gợi lên lại được một vùng trời kỷ niệm nào đó , những cảm xúc nào đó ... riêng với người nào bị nó đánh thức vô tội vạ , bất quá chép miệng lầm bầm nhăn nhó vài câu rồi cũng xong .

Ông Đinh Trường chinh , nói lên ý niệm trên một toa tàu , mà thú thật đọc xong ,tôi không biết bình sao nữa:

Theo những vảy mây màu áo cũ
Con tàu băng qua
ô nhiễm ký ức
lướt ngang từng cao ốc ngút sương
Chúng tôi đi
phẩy phất những bóng trắng ...
Trong toa tàu phóng mê
buổi sáng hàn âm trên mặt bàn chảy máu
Uống vào mắt
cảnh vật úp ngược trong chiếc ly
Hãy cụng cùng nhau khi nước mắt còn chảy được
thắp nén nhang cho những xác người còn nằm phơi trên đường rầy...


Trần gian chỉ là quán trọ , tạm bợ của một kiếp người . Mặc cho ông Trịnh Công Sơn la làng " Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt " . Đôi khi không muốn đi mà cũng đâu có được , đời như cơn lốc cứ cuốn người theo đó mà . Thôi thì có đi thì cứ đi , khi nào đời chớm mệt thì ... thì lại về .

Những chuyến xe đời của kiếp người có tiếng còi riêng nào để mang theo như những chuyến xe lửa không bao giờ thiếu được những tiếng còi tàu hay không nhỉ ?

Tài sản của Quận Chúa Quỳnh Anh
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 18-04-2006   #2
Ảnh thế thân của Quận Chúa Quỳnh Anh
Quận Chúa Quỳnh Anh
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Quỳnh Thỉ Thốc
Gia nhập: 09-05-2004
Bài viết: 2.529
Điểm: -1996
L$B: 52.938
Quận Chúa Quỳnh Anh đang offline
 
Đọc bài thơ " Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu " của Tô Thùy Yên với lời bình của ông Hồ Trường An :

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi dài chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a ! cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ
Chấm giữa nền nhung một vết nâu


Đây là bài thơ với lối ẩn dụ , ngoài cách dùng các điệp ngữ dễ gây âm điệu xôn xao , dồn dập , hối hả , bài thơ gây cho chúng ta cái cảm tưởng sự rượt đuổi ( hay là sự so tài đo sức ) khốc liệt giữa một động vật ( con ngựa ) và một động cơ ( con tàu ) . Sức của một động vật làm sao lao nhanh bằng một vận tốc kinh khiếp của một động cơ ? Cho nên con ngựa phải ngã quỵ , ngất xỉu hay có thể tắt thở khi chưa đến được cuối cánh đồng . Con ngựa mệt mỏi và ngã quỵ ẩn dụ cho một thời đại làm công việc bằng tay chân , bằng sinh lực của con người hay của gia súc đã chấm dứt . Kỷ nguyên máy móc đã có mặt và sẽ giúp nhân loại đi xa hơn trên tiến trình sinh hoạt ( được ẩn dụ bằng cuối mức cánh đồng ) .

( Trích đoạn từ bài viết " Ẩn dụ trong văn chương " của Hồ Trường An trong " Gió Văn " ).

Tài sản của Quận Chúa Quỳnh Anh
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 18-04-2006   #3
Ảnh thế thân của TracMoThu
TracMoThu
-=[ Lương Sơn Anh Hùng ]=-
Gia nhập: 05-03-2006
Bài viết: 309
Điểm: 550
L$B: 17.038
TracMoThu đang offline
 
Trong bầu trời thơ Việt Nam, những bài viết về chia ly lúc nào cũng nhiều hơn đoàn tụ. Điều này chắc không chỉ xảy ra trong cảm xúc của các nhà thơ Việt. Thế giới cũng thế cả thôi. Chắc hẳn, khi trái tim tràn ngập yêu thương, sung sướng, người ta không có nhiều thời giờ để dành cho thi ca.

Lấp lánh như một viên ngọc giữa bao la đất cát bùn lầy, bài thơ dưới đây có vẻ như chễm chệ một mình một chiếu trong vô vàn bài thơ khác của cả một chiều dài văn học. Như đã nói ở trên, cảm xúc biệt ly được ghi thành thơ thì hằng hà sa số, nhưng cái cách mà bài thơ này bật lên như con chim phượng giữa bầy gà là một điều rất đỗi tự nhiên.

Ngay cả đối với tác giả - người khai sinh ra nó – cũng lâm vào một tình thế chẳng lấy gì làm dễ chịu. Người ta, thay vì nhắc tới anh, làm luận đề về toàn bộ tác phẩm của anh, đã chỉ nói về nó. Làm như thể, cả đời anh chỉ có làm được một bài thơ. Điều này, dẫu vinh dự tới đâu, cũng chẳng phải là điều bất cứ người làm thơ nào ham muốn. Thiên hạ đã thế, kẻ viết bài tùy bút này cũng không là ngoại lệ.

Tôi muốn nói với các bạn về bài Tống Biệt Hành của nhà thơ Thâm Tâm.

Tống Biệt Hành

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Môt giã gia đình, môt dửng dưng.
Ly khách! Ly khách! Con tàu nhỏ
Chí lớn chưa về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ muà hạ sen nở nốt
Môt chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai giòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa vào thu tươi lắm thay
Em nhỏ thơ ngây đôi mắt ướt
Gói tròn thương nhớ chiếc khăn tay..

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thật
Mẹ! thà coi như chiếc lá bay
Chị! thà coi như là hạt bụi
Em! thà xem như hơi rượu cay


Bài này đã được biết bao nhiêu ngòi bút thiên tài lẫn không thiên tài bàn tới. Trong đó, ấn tượng nhất đối với tôi là bài của Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam. Mà không phải toàn bài, chỉ một câu, một câu để đời : Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc.

Ý nghĩa của bài Tống Biệt Hành không nhiều hơn những gì ta nhìn thấy ban đầu. Hầu như không có cái gọi là ý tại ngôn ngoại nơi đây. Có chăng, một ẩn khuất (có lẽ cũng chẳng quan trọng gì lắm nếu ta chỉ để ý tới bài thơ mà không cần tìm hiểu về tác giả). Nhiều người thắc mắc bài này Thâm Tâm viết cho mình hay về một người bạn khác. Theo tôi, điều này không làm tăng hay giảm giá trị của bài thơ. Ai, Thâm Tâm hay một người khác, cũng thế thôi, bởi vì, bài thơ không đưa ra một cảm xúc gì mới mẻ lắm so với những bài thơ khác, cũng diễn tả một cuộc chia tay trên sân ga, với nhiều hệ lụy, bi, tráng…

Có chăng, ở đây, chất tráng có phần mạnh mẽ lấn át chất bi.

Điều tôi muốn nói, là hình thức của bài thơ. Chính cái bộ dạng bên ngoài của TBH đã đưa nó vào lòng độc giả bằng những bước chân gắt, gấp, gân guốc và rắn rỏi.

Thâm Tâm khôn ngoan chọn cho mình thể loại hành để diễn tả. Hành là một thể thơ cổ, khi mà mớ rắc rối của Đường thi chưa thò bàn tay uy lực vào để áp chế nàng thơ, bắt nàng vào khuôn, vào phép, đi thưa về trình, vào ra khép nép…Thể loại cổ phong hào sảng, tự do hơn nhiều.

Trong cái không khí ồn ào của sân ga, rền rĩ những tấm tức, buồn bã, TBH của Thâm Tâm như một bộ phận lọc âm, tiêu trừ những âm thanh thừa mứa. Chúng ta, người đọc, chỉ nghe mồn một cái tiếng lòng của người ra đi, dứt khoát mạnh mẽ với sự lưu luyến dây dưa…

Bóng chiều không thắm / không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?


Câu trước đưa người đọc tới một tâm trạng quân bình bởi phân đoạn trước kết thúc với một âm trắc, và phân đoạn sau cũng thế. Nhưng, từ vọt là một âm khép, lại dấu nặng, nó buông xuống đanh, gọn như một nhát búa vào khối kim loại đặc, nặng và đục. Có lẽ để bù lại cái miên man dàn trải ở câu sau, những thanh bằng nối nhau là đà trôi vào cặp mắt của nhân vật, vào lòng của người đọc bài thơ.

Ly khách / Ly khách / con tàu nhỏ
Chí lớn chưa về / bàn tay không


Nhịp đôi tiếp nhịp đôi ở câu trên gợi âm thanh một chuyến xe lửa đang chầm chậm trôi vào ga. Chậm và lừ lừ với hình khối to lớn, lãnh đạm mà đe dọa, dù chỉ là con tàu nhỏ…Cuộc chia ly đã đến, đã cận kề. Ba tiếng cuối câu dưới, bàn tay không, buông ra như một cái phủi tay…Chính vì cái không này, phải cất bước mà đi…trong bi có tráng, trong âm thanh đều đều buồn tẻ của tiếng con tàu nhỏ, như vọng lên tiếng gươm khua của khách giang hồ…

Không biết, khổ thơ trên có phải đã được Thâm Tâm cố ý đẩy lên thành sáu câu. Du người đọc tới tâm trạng khắc khoải chờ đợi một cái gì đang sẵn sàng bùng phát, vỡ ra…Lúc nhỏ, đọc bài thơ này, tôi chê ý tứ trong đoạn sáu câu lếnh loãng, không rõ ràng, minh bạch. Bước chân ra đi mà còn phải dặn lòng không đạt được cái này cái kia thì không trở về, đã vô tình hiện rõ sự yếu thế. Thuở xưa, Trần Hưng Đạo sở dĩ phải chỉ tay trước dòng sông : Không thắng giặc thề không trở về sông này nữa, cốt để ổn định lòng quân đang dao động. Trường hợp kẻ chinh phu trong TBH cũng vậy.

Sau này, khi lớn lên, tôi mới mơ hồ cảm thấy một điều, Thâm Tâm đã cố ý đưa vào bài hành của mình nỗi dao động của kẻ lên đường rắp tâm chí lớn, là có nguyên do của nó. Thành, bại, được, thua trong cõi nhân sinh, có khi chẳng khác gì nhau, chỉ là những thứ sắc, không huyễn ảo. Như Thanh Tâm Tuyền đã thốt lên run rẩy : Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới…nhiều thi nhân đã dự cảm về một tương lai bất định của mình, của dân tộc mình. (Thâm Tâm mất đi trong màu áo Vệ Quốc Quân ngày 18 tháng 8 năm 1950, thọ 33 tuổi, một cái chết trẻ, rất trẻ)

Khổ thơ kế tiếp, Thâm Tâm chuyển qua sử dụng vần trắc. Âm điệu bài thơ xoay chuyển theo hướng gần như dằn dỗi với người, với chính mình.

Ta biết / người buồn / chiều hôm trước
Bây giờ muà hạ / sen nở nốt
Môt chị / hai chị / cũng như sen
Khuyên nốt em trai / giòng lệ sót


Mỗi ngắt quãng giống như một tiếng nấc. Và bực dọc với sự ủy mị của mình, nhà thơ quăng ra những âm vận cộc lốc một cách cố ý.

Sau đó, giống như một người chuộc lỗi, giọng điệu khổ thơ kế tiếp mềm hẳn đi. Những âm nay, thay, tay như vỗ về, như an ủy người đưa tiễn. Những hình ảnh sáng hôm nay, trời chưa là thu, đôi mắt ướt, chiếc khăn tay…từ thời gian, không gian to rộng bao dung thu lại một cách hiền hòa khép nép với một chiếc khăn tay trong đôi mắt ướt. Kỹ thuật sử dụng hình ảnh này, có lẽ một đạo diễn điện ảnh của Việt Nam bây giờ, cần phải học rất nhiều.

Khổ cuối, nhà thơ sử dụng cách gieo cước vận khác hẳn các khổ thơ trên, vận cách.

Người đi / Ừ nhỉ / người đi thật
Mẹ / thà coi / như chiếc lá bay
Chị / thà coi như / là hạt bụi
Em / thà xem như / hơi rượu cay


Ngữ điệu gấp gáp đến giật cục. Giờ chia tay điểm từng tiếng cuối cùng. Lúc này, cái tráng át hẳn cái bi. Không còn chút gì bi lụy dằn kéo, đã là sự dứt khoát của kẻ khẳng khái bước vào chốn mịt mù vô định. Cuộc chia ly, trên một sân ga lẻ, đĩnh đạc bước vào lòng độc giả dưới ngòi viết của Thâm Tâm, một nhà thơ chưa bao giờ được coi là một nhà thơ lớn của Văn học sử.

Thâm Tâm một thời được nhắc nhở tới với sự xuất hiện ì xèo của một nàng thơ bí ẩn, TTKH. Nhưng gẫm lại, những thứ đó không làm cái bóng của ông lớn hơn, có khi còn có tác dụng ngược. Theo thiển ý, chỉ với một Tống Biệt Hành, Thâm Tâm đã đủ tầm cỡ sánh vai đồng hành với những thi gia lớn nhất của Việt Nam. Đại đa số độc giả đã tự trong tiềm thức, khẳng định điều này, mà không cần bất cứ một sự bảo chứng nào từ những nhà phê bình cổ thụ.

Sức sống của Tống Biệt Hành, trong đó tiềm ẩn sức sống của thể loại hành, bất kể những cơn sóng thơ Đa-Đa, thơ Tự-Do, thơ Hũ-Nút, thơ Tân-Hình-Thức, thơ Hậu-Hiện-Đại, hay thơ gì gì nữa trong tương lai tràn ngập.

Trong khu vườn muôn sắc của thi ca, Tống Biệt Hành là một bông hoa chưa thấy nguy cơ tàn héo. Bạn có đồng ý với tôi không ?

Tài sản của TracMoThu
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 19-04-2006   #4
Ảnh thế thân của Ta Yêu Nàng
Ta Yêu Nàng
-=[ Lâu La ]=-
Gia nhập: 04-11-2005
Bài viết: 76
Điểm: 32
L$B: 6.315
Ta Yêu Nàng đang offline
 
Một chút đam mê ...

Ừ ... chia ly ! Tôi cũng chỉ có thể nói như vậy thôi ! Dẫu trong lòng tôi - hai tiếng ấy nặng gấp ngàn lần âm nói !
Có một bài thơ cứ ấn vào tim tôi từng ngày một . Cũng chia ly ....

Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính !

Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày

Có lần tôi thấy 2 cô bé
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
Đường về nhà chị chắc xa xôi

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại
Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng bóng đổ xuống sân ga

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân li


Không gian bàng bạc , thời gian cũng bàng bạc ! Để rồi Nguyễn Bính vẽ ra trên đó chông chênh những mảnh đời !
2 cô bé mà có lần nhà thơ đã thấy , không hiểu tại sao tôi cứ có cảm giác đó là cô em tiễn cô chị về nhà chồng , thời đó , con gái theo chồng là hết : " tam tòng " , chỉ còn đôi phút cuối được bên nhau .

" Đường về nhà chị chắc xa xôi "

Mà có lẽ không hẳn là thế . và dù có chia tay vì lí do gì ... thì kết quả vẫn là chia ly . Vẫn là nhà chị xa xôi lắm ! Và dù thế nào đi nữa không thể thay đổi cái bịn rịn , cái : áp má " " chung lưng " ....

Vẫn trên sân ga đó , hay một sân ga khác , một nơi khác , và hai người tiễn đưa cũng khác . Có lẽ ngày nay từ bạn đã không còn vị trí giống ngày xưa nữa , bạn còn có thể đồng nghĩa với " bè " . Nhưng ngày đó , cái tiếng bạn thiêng liêng lắm .. quý báu lắm . Và không dễ để thốt ra từ đó , chỉ có thể cảm nhận , chỉ có thể bộc bạch bằng chính con tim mình . Hai người bạn ở đây cũng vậy . Chia tay , rồi biết bao giờ mới có thể gặp lại như hôm nay ? Không biết ... không ai biết cả nên tiễn rồi mà không dành đứt đoạn . Không gian cứ bấu víu , mà thời gian chẳng đợi chờ ... Bóng chiều cứ rơi đi , để : họ giục nhau về ba bốn bận " , để " nhòa trong bóng tối " từ lâu ...

Tôi quay quắt tìm bóng hình nhà thơ , chắc hẳn nhà thơ đang ở đâu đây , gần bên cạnh hay là hóa thân mới có thể ghi lại rõ nét những khoảnh khắc đó được . Chưa kịp tìm ra thì cái điệp từ " một " dội lên trong tôi , cuốn phăng đi , trải dài vào chia ly một chiều xạm bóng :

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu


Cái " một " khắc khoải , vẽ ngoằn nghèo trên không trung đùng đục rõ dần , rõ dần cái đơn côi , lẻ bóng ! Hai người mà sau chiều nay thôi sẽ " một " , Ga xa vắng hay tình xa vắng ? Không biết , chỉ biết liêu xiêu ... mờ dần .

Liệu những sợi dây tình trong suốt có đứt đi khi chia ly ? Để vợ chồng ai đó , cố gắng cột thắt , như đang cột chặt thêm yêu thương , sợ khoảng cách sẽ quá xa xôi ...

" Chị mở khăn giâu anh thắt lại
Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi "


Có lẽ là do chiến tranh , do loạn ly , và trách nhiệm của người công dân , người chồng ra lính ... mẹ già vợ dại , con thơ ....Gửi lại . Cứ mơ mơ hồ hồ . Nhưng lần này thì không có lẽ nữa , không hình như nữa . Chiến tranh đã cướp mất đi những khoảnh khắc đoàn tụ , cướp mất đi những hạnh phúc bé nhất , mỏng manh nhất của một người mẹ già . Con đi :" trấn ải xa " rồi , có biết còn quay lại với mẹ hay không ? Người đi cũng đâu biết có thể trở về ???
Nguyễn Bính cứ bóp chặt lại , cứ thắt dần lại bốn ngăn tim bé nhỏ , máu cứ ứ ra theo từng lời thơ da diết . Hình tượng thơ của khổ này là bất diệt , chiến tranh cũng không , chia ly cũng không , không gì có thể đánh gãy .. lòng mẹ thương con , bất cứ cái gì cũng có thể phản bội , đổi thay , nhưng tình mẹ thì không .... " Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con"

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng bóng đổ xuống sân ga


Nhưng dẫu sao , dẫu sao đi nữa , có buồn , có thế nào chăng nữa vẫn còn một kẻ tiễn , một người đưa , một người hiểu . vẫn còn có ai bên để cảm nhận , để dỗ dành , ngóng trông ... Và thế thì vẫn còn hạnh phúc biết bao nhiêu

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân li


Chỉ mình mình thôi , biết mà thậm chí cũng không biết mình sẽ đi đâu ? Mình tự tiễn mình . Không còn thời gian , không còn không gian ở đây nữa ... chỉ còn hững hờ của bỏng lẻ : " một mình làm cả cuộc phân li "
Tôi bất giác đau buốt trước hình tượng mình kiếm tìm ... Tác giả ! Phải , tôi biế rõ ràng ông ở gần đây , nhưng ông không thể là hóa thân của những hình tượng trên kia , bởi một lẽ tự nhiên ,. những người đó đã sống hết mình cho khoảnh khắc chia ly ấy . Làm sao còn chú ý đến xung quanh . Chỉ khi chẳng có điều gì để nghĩ , hoặc nếu có cũng mơ hồ như sương khói ... mới có thể nhìn xung quanh . Chỉ khi một mình , một mình mình thôi , mới cảm nhận được hết tất cả yêu thương của hai người .........
Phải chăng ?

Thật ra thì bài thơ này còn một khổ cuối :

"Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này "


Tôi thiết nghĩ khổ thơ này không nên có , bởi khổ trước đã là đỉnh điểm và cao trào cho cả bài thơ ! Nhừng gì khổ cuối này nói thì khi đọc những khổ trên người đọc đã cảm nhận hết rồi !
Thơ đâu cần cứ phải nói rõ ràng ra là : buồn , là mắt ướt ....
Đâu cần đâu
Cũng như :
" Hiểu nhau đâu phải nói nhiều
Yêu nhau đâu thiết sớm chiều bên nhau "



Mạn phép được cảm nhận ....
Lờ sờ bờ.19.4.06

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 21-04-2006   #5
Ảnh thế thân của Quận Chúa Quỳnh Anh
Quận Chúa Quỳnh Anh
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Quỳnh Thỉ Thốc
Gia nhập: 09-05-2004
Bài viết: 2.529
Điểm: -1996
L$B: 52.938
Quận Chúa Quỳnh Anh đang offline
 
Chuyến Tàu Đời ( Kiên Giang )

Chuyến tàu đã chuyển bánh rồi
Xe qua từng trạm kéo còi biệt ly
Khói tàu vơ vẩn thành mây
Mối tình lưu khứ thoáng bay lên trời

Em tôi đứng giữa ga đời
Lần đầu tiên khóc , tiễn người đi xa
Xe qua cổng , khuất nhà ga
Bánh nghiền gió bụi , nghiến qua cõi lòng

Đôi con đường sắt song song
Chạy về một hướng mà không giao đầu
Sân ga nằm nhớ con tàu
Tàu theo bóng sắc để sầu sân ga

Trường đời là bóng đường xa
Tình đời là chuyến tàu qua vội vàng
Đắng cay là cát bụi đường
Lòng ta là một đám tang ... không mồ

Thân tầm gầy guộc xác xơ
Chợ đời , mấy kẻ bán thơ làm giàu
Đời ta lỡ mấy chuyến tàu
Vì chưng vứt bỏ công hầu sau lưng


" Yêu , là chết trong lòng một ít ".

" Đi , là chết trong lòng một ít " . ( **)

Yên cũng chết , đi cũng chết .Chết ít hay chết nhiều , chết vì điều gì cũng là chết . Cảm nhận nỗi chết của sự ly biệt mới là nuốt lấy nỗi đau vô cùng . Lời nào muốn nói không bật thoát ra được , mối tình có thật sự đã bay ? " Thôi em về đi , anh đi . "

Chuyến tàu đã chuyển bánh rồi
Xe qua từng trạm kéo còi biệt ly
Khói tàu vơ vẩn thành mây
Mối tình lưu khứ thoáng bay lên trời


Con tàu cách chia mối tình giữa người đi và người ở lại , là sự khốc liệt của điều ly biệt . Chuyến tàu rong ruỗi có phải như một cuộc an bài ? Còn cô gái ? Chấp nhận trong nước mắt , đứng giữa ga đời bước trở về em có mải mê ? Khi người ra đi cũng mang hồn em đi rồi . Năm tháng trông người trở lại , nước mắt em có khi nào ngừng chảy ?

Em tôi đứng giữa ga đời
Lần đầu tiên khóc , tiễn người đi xa
Xe qua cổng , khuất nhà ga
Bánh nghiền gió bụi , nghiến qua cõi lòng


Những chuyến xe vội đi , những chuyến xe vội về , qua bao nhiêu con đường mang theo những tâm hồn vui có , buồn có . Không có điểm giao đầu làm sao gặp nhau cho đặng . Nhưng vẫn hiện hữu sự tương quan lẫn nhau , cần nhau . Như đời người vẫn miệt mài đi tìm kiếm lẫn nhau . Như sân ga vẫn nằm chờ con tàu và những con tàu đi , về trên nẻo đường quen , mây trên đầu , gió thổi lốc bụi đường , vẫn cần sân ga để đỗ bến . Trời vẫn ở trên cao ...

Đôi con đường sắt song song
Chạy về một hướng mà không giao đầu
Sân ga nằm nhớ con tàu
Tàu theo bóng sắc để sầu sân ga


Trong dòng đời mênh mang , trên những chuyến tàu đời xuôi ngựơc . Tình cờ gặp nhau , cho nhau nụ cười quen biết . Hoặc bắt đầu hoặc sự nối tiếp cho bao lần giã biệt , dặn dò nhau ngày về . Hay chỉ là lần sau cuối đưa tiễn một cuộc chơi đã tới hồi kết thúc . Tàu đi , người vãng , sân ga vắng . Đó là những mảnh đời đích thực , thảng thốt nhận ra còn gì , mất gì . Ai đã đi xa ? Ai sẽ trở về ? Chờ ? hay muộn rồi ? Chỉ cần một bước hụt chân thôi , chuyến tàu đời sẽ đưa người ta đi mãi không có ngày về . Khi gió bụi đời phủ lấp mệt nhoài , nghĩa gì ngoài một nấm mồ chôn thân theo ngày tháng sống đời ảo ảnh .

Trường đời là bóng đường xa
Tình đời là chuyến tàu qua vội vàng
Đắng cay là cát bụi đường
Lòng ta là một đám tang ... không mồ


Chợ đời có giống như một sân ga không ? Cũng có kẻ đón , người đưa ? Mỗi người là mỗi một số phần riêng mang . Chợ đời có đủ loại người , có nam có nữ , có già có trẻ ... Có những rạng rỡ môi cười , no đủ . Cũng có thân trơ gầy , xác xơ . Chợ đời ( bình yên và thực phẩm ) , công hầu danh tước chớ bán chớ mua , trò chơi lừa bịp khiến người đời ngộ nhận . Chợ có đi thì phải có về .

Những chuyến tàu đời đưa xuôi đưa ngược những thân phận , khóc biết vì sao mình khóc , thua biết vì sao mình thua :" Đời ta lỡ mấy chuyến tàu" . Rồi vẫn lại đi tiếp ... thôi thế thì thôi ... đành thôi .

Thân tầm gầy guộc xác xơ
Chợ đời , mấy kẻ bán thơ làm giàu
Đời ta lỡ mấy chuyến tàu
Vì chưng vứt bỏ công hầu sau lưng


Câu thơ " Vì chưng vứt bỏ công hầu sau lưng " làm tôi chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du :

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu !
Áo xiêm buộc trói lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi !


(** = câu thơ trong bài thơ " Rondel de L' adieu " ) .

Tài sản của Quận Chúa Quỳnh Anh

Chỉnh sửa lần cuối bởi Quận Chúa Quỳnh Anh: 24-04-2006 lúc 00:41.
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 22-04-2006   #6
Ảnh thế thân của Đậu Xanh Tiên Sinh
Đậu Xanh Tiên Sinh
-=[ Lâu La ]=-
Gia nhập: 18-04-2006
Bài viết: 48
Điểm: 54
L$B: 8.260
Đậu Xanh Tiên Sinh đang offline
 
Cách xa - Huy Cận

Lời chẳng giao lời, tay lạ tay,
Tấc gang cách trở, nhớ muôn ngày.
Cô sầu dựng núi lên cao ngất;
Nhưng cặp chim hồn lạc hướng bay.

Tôi đứng bên này cửa Khổ đau,
Bên kia người dạo, biết chi sầu.
Dọc đời rải rác muôn ga đón.
Khó nỗi ngồi chung một chuyến tàu.

Cũng chẳng dò xem gió ngược xuôi;
Lời đi không cốt gặp tai người,
Quá buồn nên muốn yên nguôi chút,
Tôi nói lòng ra để tự cười.




Cũng là chuyến tàu đời , nhất thời nhớ đến chứ không tiện làm thành 1 bài luận văn , trích vài câu góp nhặt thêm cùng mọi người vậy
Ai có nhã hứng tiếp đôi dòng cảm xúc hộ Đậu Xanh , xin chân thành cảm tạ ...

Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 04:28
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,09140 seconds with 15 queries